(kontumtv.vn) – Hiện nay, tỉnh Kon Tum có trên 6.200 người khuyết tật. Được sự hỗ trợ, chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng, đời sống người khuyết tật từng bước ổn định. Trong số đó, không ít người bằng nghị lực đã vượt lên khó khăn, tỏa sáng giữa đời thường.

Ở làng Đăk Chờ, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, ông A Thê A, 63 tuổi là một trong những gương người khuyết tật tiêu biểu luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Dù bị mù một mắt, cụt một tay, cụt một chân nhưng ông A Thê A không đầu hàng số phận. Từ sự chăm chỉ, cần cù và nghị lực phi thường trong lao động, sản xuất, ông A Thê A đã chèo lái gia đình vượt qua mọi khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Như Trang, công chức Lao động, Thương binh và Xã hội xã Ngọc Tụ công tác tại xã hơn 10 năm nay, nắm rõ hoàn cảnh của ông A Thê A, chị càng khâm phục nghị lực sống của ông: “Nghị lực của bác rất mạnh mẽ. Từ cuối năm 2015, bác tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Hàng năm, bác có cao su, bò rồi đến mùa măng, mùa đót, bác có thu nhập từ đó rất nhiều rồi chăm sóc con cái rất đầy đủ”.

Tặng quà cho học sinh mồ côi, khuyết tật

Trong gia đình, ông A Thê A quán xuyến mọi công việc, từ chăm sóc người vợ bị bệnh nặng đến tích cực lao động, sản xuất để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Ông nói:

“Còn khỏe, còn đủ sức để làm, đào hố cao su rồi trồng cao su, rồi vay ngân hàng 60 triệu mua 1 con trâu, 2 con bò, nuôi đã lâu, mấy năm rồi. Con trâu thì bán mua máy”.

Đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia những khó khăn, vất vả của người khuyết tật, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân tích cực giúp đỡ, hỗ trợ để người khuyết tật vươn lên ổn định cuộc sống. Trường hợp bà Chu Thị Nghẹ, 63 tuổi, ở thôn Ngọc Tiền, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi là một ví dụ. Từ lúc sinh ra, bà Nghẹ đã bị khuyết tật vận động nên việc đi lại tương đối khó khăn. Hiện nay, bà ở cùng với em gái, được chăm sóc tận tình nên sức khỏe tương đối ổn định. Giữa năm 2020, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng để gia đình bà Nghẹ chăn nuôi thêm gia cầm, cải thiện thu nhập. Thời điểm hiện tại, đàn vịt của gia đình bà đã hơn 100 con, nuôi khoảng 3 tháng là có thể xuất chuồng. Với giá bán 60.000đ/kg như hiện nay, gia đình có thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Đây không chỉ là nguồn thu ổn định mà còn là sinh kế bền vững để gia đình bà Nghẹ vươn lên thoát nghèo. Bà Nghẹ phấn khởi nói: “Trong thời gian qua, các ngành, các cấp cũng hỗ trợ, quan tâm để chăn nuôi, phát triển kinh tế, cũng có thu nhập được ít. Tôi rất cám ơn các ngành, các cấp thời gian qua đã quan tâm đến người khuyết tật như tôi”.

Năm 2020, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh đã vận động quyên góp được gần 3 tỷ đồng gồm tiền mặt và hiện vật để chăm lo đời sống cho người khuyết tật, trẻ em nghèo trên địa bàn. Cùng với thăm hỏi, tặng quà, Hội tích cực phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các ngành, địa phương hỗ trợ người khuyết tật sinh kế, phương tiện đi lại và chăm sóc sức khỏe. Bà Vũ Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Bảo trợ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh cho biết: “Về hỗ trợ sinh kế, mình có 4 loại hỗ trợ. Thứ nhất hỗ trợ cây con giống, trong đó, chủ yếu là hỗ trợ bò giống. Thứ hai là các loại gia cầm và heo. Nói về hiệu quả hỗ trợ sinh kế thì mình phải nói những năm trước đây chứ trong 1 năm mình không đánh giá hết được. Theo như chúng tôi biết thì có khoảng 1/3 số hộ đã hỗ trợ sinh kế phát huy được rất tốt và họ đã thoát nghèo. Chủ yếu là ở địa bàn thành phố Kon Tum và một số hộ ở Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Rẫy”.

Ông Nguyễn Hữu Bảng, Chủ tịch UBND xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi cho hay: “UBND xã vận động, tạo điều kiện để các đối tượng được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con nhân dân ở các thôn, làng quan tâm hơn nữa các đối tượng tàn tật trong xã hội. Đến thời điểm này, trên địa bàn cũng đã có 32 địa chỉ đỏ được các tổ chức, cá nhân chăm lo hàng tháng từ 300.000đ – 500.000đ/tháng. Qua các năm, các đối tượng được bảo trợ rồi giúp đỡ, đến nay, điều kiện, hoàn cảnh của các đối tượng cũng đỡ hơn nhiều, cũng đã vượt khó và có những đối tượng đã thoát nghèo”.

Hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật, điều quan trọng là khuyến khích, động viên, tạo mọi điều kiện để người khuyết tật bình đẳng, tự tin hòa nhập cộng đồng. Có như vậy họ mới phát huy hết khả năng, có thêm nghị lực, ý chí tự vươn lên trong cuộc sống.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *