(kontumtv.vn) – Tác phẩm cuối cùng của họa sỹ Lê Bá Đảng là một bức tượng tôn vinh người nông dân Việt Nam- “những người thợ không chuyên ONS” tại Pháp.

Họa sĩ Lê Bá Đảng, người làng Bích La Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, “bậc thầy hội họa của hai thế giới Đông Tây” qua đời tại Paris ngày 7/3, thọ 94 tuổi.

Nông dân Việt Nam tại Camargue (Ảnh tư liệu – nguồn Wikipedia)

Báo chí nước ta đã có nhiều bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Tuy nhiên dường như chưa báo, chí, đài hoặc mạng nào đề cập tác phẩm lớn cuối cùng của nhà danh họa, một công trình điêu khắc hoành tráng thể hiện tấm lòng của một nghệ sĩ sống và thành đạt ở nước ngoài mà luôn hướng về quê hương, gắn bó với những nông dân cùng sang Pháp một lần với ông khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, năm 1939.

Đó là những người lao động đã trải qua vô vàn khổ cực và góp nhiều công sức cho sự tỏa sáng của nước Pháp. Thời Pháp thuộc, họ được gọi bằng cái tên thông dụng ONS – viết tắt cụm từ Ouvriers non spécialisés, thợ không chuyên (!).

Chúng tôi xin giới thiệu mấy tấm ảnh chụp tượng đài sáng tác của Lê Bá Đảng và Lễ khánh thành diễn ra ngày 5/10/2014 tại thành phố Arles miền Nam nước Pháp, sáu tháng trước khi nghệ sĩ từ giã cõi trần. Đó chính là bức tượng đài tôn vinh những “người thợ không chuyên ONS” nói trên.

Bức tượng thể hiện hình ảnh một nông dân Việt Nam tư thế hiên ngang, đầu vấn khăn đầu rìu, tay nắm cán chiếc xẻng chổng ngược gác lên vai, mặt ngước nhìn trời cao, bên dưới vắt chéo qua đôi chân là một lượm lúa. Đế tượng đài đồ sộ khắc hai dòng chữ lớn:

TÔN VINH HAI VẠN LAO ĐỘNG DÂN SỰ NGƯỜI VIỆT NAM BỊ TRƯNG TẬP TỪ NĂM 1939 ĐẾN NĂM 1952

TƯỞNG NHỚ CUỘC ĐỜI CỦA HỌ VÀ CỦA TẤT CẢ NHỮNG AI ĐÃ ĐỂ LẠI MẠNG SỐNG CỦA MÌNH TRÊN ĐẤT PHÁP

Tranh quảng bá Lễ khai trương tượng đài, sáng tác của Lê Bá Đảng

Arles là tên một đơn vị hành chính cơ sở của Pháp (commune – xã), và là commune rộng nhất nước Pháp với với diện tích 759 km2, dân số 52.500 người (số liệu 2012), một trong những “xã” nằm ở vùng đầm lầy miền Nam nước Pháp có tên là Camargue, thuộc vùng hạ lưu nơi nước sông Rhône đổ vào Địa Trung Hải. Thành phố Arles, trung tâm vùng Camargue, cách cảng Marseille 20 km về phía Đông.

Trang mạng điện tử của thành phố Arles ra ngày 5-10-2014 đưa thông tin ngắn gọn, nội dung như sau: Trong khoảng thời gian từ năm 1939 đến năm 1952, hơn 20.000 người lao động quê ở nước Việt Nam ngày nay hầu hết bị nhà cầm quyền thuộc địa cưỡng bức đưa sang Pháp.

Họ được giao những công việc nặng nhọc nhất, công xá rẻ mạt. Tại Camargue họ sống trong những căn lều không điện không nước, thoạt đầu được giao thu hoạch muối, và cuối cùng họ đã thành công trong việc di thực vĩnh viễn cây lúa nước vào đầm lầy này.

Năm 2009, thị trưởng Arles, ông Hervé Schiavetti, là người đầu tiên chính thức công nhận sự hy sinh của những người lao động bị lãng quên ấy. Từ đấy nhiều communes khác bắt chước làm theo hành động chỉ mang ý nghĩa tượng trưng nhưng cần thiết đối với những người còn sống và các hậu duệ của họ, mà nhiều người thành đạt trên đất nước Pháp chúng ta.

Ngày 5/10/2014, vào lúc 11h diễn ra lễ khánh thành tượng đài do Lê Bá Đảng, nghệ sĩ Việt Nam định cư tại Pháp sáng tác, trong công viên phụ cận Trụ sở xã Salin-le-Giraud, với sự có mặt của các vị dân biểu, thành viên Hội Đài tưởng niệm những người lao động Việt Nam, gia đình những người lao động, cùng mấy trăm khách dự.

Nhật báo La Provence số ra ngày hôm sau, đăng bài tường thuật dài, có trích dẫn phát biểu của vị đại diện Việt kiều tại buổi lễ, cùng một số ảnh khác.

Ảnh A. Laugier – rút từ Trang mạng điện tử thành phố Arles
Ảnh in trên nhật báo La Provence
“Những người lính thợ không chuyên” trên đầm lầy Camargue (Ảnh tư liệu – Nguồn Wikipedia)
Tượng đài của Lê Bá Đảng (Ảnh A. Laugier)

Để sâu hơn hơn ý nghĩa của Đài tưởng niệm và sự tôn vinh muộn màng, có lẽ cần nói thêm: Vùng Camargue từ xưa vốn là đầm lầy ngập mặn, một phần được dùng làm đồng muối – ngày nay muối Camargue vẫn chiếm khoảng một phần tư sản lượng muối hằng năm của Pháp.

Trong vùng vốn có mọc một loại lúa hoang, chắc giống loại “lúa ma” tại đồng bằng sông Cửu Long ta thời trước, dân bản địa chỉ biết dùng làm thức ăn nuôi lợn.

Các cánh đồng lúa nước do nông dân Việt Nam tạo dựng nên hiện nay rộng 21.000 ha, cấy giống lúa japonica, nổi tiếng hơn cả là loại gạo màu đỏ, hạt hơi tròn, sản lượng năm 2010 đạt 120 000 tấn thóc, tính ra năng suất hơn 5,7 tấn thóc/ha.

Từ điển mở Wikipedia viết: “Từ Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Pháp đã cưỡng bức sang chính quốc nhiều người Đông Dương, nhờ có họ đã phát triển nghề gieo cấy lúa nước (la riziculture) tại vùng Camargue”.

Nhật báo Le Monde: “Bạn có biết gạo Pháp? Vâng, gạo Pháp. Nước Pháp nay là một nước sản xuất gạo lúa nước. Sản xuất không nhiều, đúng vậy, nhưng dù sao vẫn là một nước sản xuất gạo. Ý kiến kỳ quặc thật, bởi mọi người xưa nay vẫn nghĩ cây lúa nước mọc rất tốt là ở tận châu Á” – (Marie Kerouedan, ngày 20/10/2010).

Ảnh in trên báo Le Monde

Thành quả mà nước Pháp ngày nay tự hào là công lao của những “người thợ không chuyên”, hầu hết là nông dân không biết chữ, bị cưỡng ép sang Pháp, những người đã sống trong những căn lều không điện không nước, bán mặt cho đất bán lưng cho trời làm nên những cánh đồng lúa, ngày nay thuộc sở hữu hơn một chục trang trại lớn./.

Phan Quang/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *