(kontumtv.vn) – Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hơn 19%  người đang hút thuốc; đang hút thuốc hàng ngày là 14,9%; nam giới đang hút thuốc là 37% và ở nữ giới là 1,1%. Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện trong năm 2020. Vậy nghiên cứu này đã được thực hiện như thế nào và kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng hút thuốc lá cũng như tác hại do hút thuốc lá gây ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum có những vấn đề gì đáng lưu tâm? Phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã có cuộc trao đổi với BS CKII Phùng Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về vấn đề này.

PV: Thưa ông, được biết, năm 2020 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện một nghiên cứu về tình trạng hút thuốc lá cũng như tác hại do hút thuốc lá gây ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Vậy ông có thể cho biết, nghiên cứu đã được thực hiện như thế nào?

BS CKII Phùng Mạnh Dũng: Trong năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hợp đồng với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá- Bộ Y tế thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá tình hình triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại tỉnh Kon Tum năm 2020” với mục tiêu chung là: Mô tả thực trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành và tình hình thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tại tỉnh Kon Tum năm 2020. Đối tượng nghiên cứu là 1.200 người (nam giới) trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên sống tại các huyện Đăk Hà, Kon Plông và thành phố Kon Tum. Đây là lần đầu tiên, ở Kon Tum mới có một nghiên cứu cụ thể và ở quy mô diện rộng như thế này. Kết quả nghiên cứu của Đề tài lần này là cơ sở để để cung cấp các bằng chứng khoa học cho việc đánh giá và điều chỉnh các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh. Từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá.

PV: Thưa ông, với quy mô nghiên cứu như vậy thì  kết quả nghiên cứu có những vấn đề gì đáng lưu tâm?

BS CKII Phùng Mạnh Dũng: Qua kết quả của nghiên cứu, nổi lên một số vấn đề như sau:

  1. Tỷ lệ người đang hút thuốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum 19,2%; đang hút thuốc hàng ngày là 14,9%. Nam giới đang hút thuốc là 37% và ở nữ giới là 1,1%. Độ tuổi của nam giới đang hút thuốc lá là từ 45 – 64 tuổi và tập trung nhiều nhất ở nhóm người đang làm công việc tự do. Kết quả này hơn nhiều so với một số tỉnh có cùng khảo sát như Tuyên Quang, Quảng Nam.
  2. Về độ tuổi bắt đầu hút thuốc, trung bình là 29,4; ở nam là 28,3. Nhóm tuổi bắt đầu hút thuốc từ 20 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất với 60,5%. Đây đều là đối tượng trong độ tuổi sung sức, là lao động chủ yếu trong mỗi gia đình. Do đó, tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra những tác hại về sức khỏe và vấn đề phát triển kinh tế.
  3. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động chung là 14,0%; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở nhóm không hút thuốc là 10,5%.
  4. Và địa điểm mua thuốc lá của đối tượng nghiên cứu chiếm tỷ lệ cao nhất là ở siêu thị, kiốt, tạp hóa với 88,1%.

PV: Vậy với những vấn đề đáng lưu tâm mà ông vừa trao đổi như là tỷ lệ hút thuốc ở tỉnh cao hơn một số tỉnh thành, tỷ lệ hút thuốc lá trong độ tuổi lao động cao. Vậy  thì theo ông thời gian tới cần phải làm gì để nâng cao công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Kon Tum?

BS CKII Phùng Mạnh Dũng: Căn cứ vào những kết quả đáng lưu ý như trên, trong thời  gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu Sở Y tế và Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc tỉnh Kon Tum tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

  1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đến đối tượng là nam giới đang hút thuốc lá là từ 45 – 64 tuổi ở nhóm người đang làm công việc tự do dưới nhiều hình thức khác nhau như truyền thông tực tiếp, sinh hoạt nhóm và nhất là tuyên truyền qua Đài Phát thanh – Truyền hình của tỉnh; truyền thanh của các huyện, xã.
  2. Tham mưu Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc là tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND huyện, thành phố tăng cường giám sát việc thực hiện môi trường không thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị nhà nước; các trường học, cơ sở giáo dục; các nhà hàng, khách sạn và phương tiện công cộng và các tụ điểm công cộng khác… nhằm giảm ỷ lệ hút thuốc lá thụ động.
  3. Tham mưu Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc tỉnh tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát liên ngành, nhất là kiểm tra, giám sát việc buôn bán, kinh doanh thuốc lá tại siêu thị, kiốt, tạp hóa… đảm bảo các cơ sở kinh doanh buôn bán thực hiện đúng quy định của pháp luật, không bán thuốc lá lậu, không quảng cáo, buôn bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi…
  4. Tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường việc tư vấn, cai nghiện thuốc lá cho người đang hút thuốc lá có nhu cầu bỏ hút thuốc lá. Trong đó, nghiên cứu, xem xét mở dịch vụ cai nghiện thuốc lá tại các bệnh viện tuyến tỉnh.

 PV: Vâng, xin cảm ơn ông về những nội dung vừa trao đổi.

                                                                                    Thanh Tùng – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *