(kontumtv.vn) – So với những chiếc mũ bảo hiểm chất lượng kém, hình ảnh những con sư tử đá ngoại lai ở các di tích, các không gian công quyền Việt Nam còn nguy hại hơn nhiều.

Như VOV.VN đã đưa tin, ngày 22/8, đôi sử tử lạ phương Bắc ở chùa Gia Quất (Hà Nội) đã được người cung tiến nhận về và vận chuyển trở lại xưởng đá. Mặc nhà chùa không nêu tên chủ nhân là ai, chủ nhân cũng không nói rõ xưởng đá là xưởng đá nào? Đây cũng là phương án mà bước đầu một số di tích có sư tử đá kiểu Trung Quốc dự kiến sẽ làm khiến dư luận đặt câu hỏi các xưởng đá lấy đâu mặt bằng mà chứa chấp hàng chục, hàng trăm cặp sư tử đá kiểu Trung Quốc đã xuất xưởng trong những năm qua? Liệu nhà nước có biện pháp, phương án khả dĩ nào để hỗ trợ việc làm sạch không gian tín ngưỡng, giữ gìn sự trong sáng của các di tích Việt?

Nhưng nội dung bài viết này chúng tôi muốn chất vấn về trách nhiệm của các cơ sở mỹ nghệ đã sản xuất ra những mẫu sư tử phương Bắc này.

Có thể dễ dàng nhận thấy sự đánh tráo khái niệm nghê và sư tử trên các trang mạng giới thiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất này. Theo thông tin của Công ty đá mỹ nghệ Thiên Sơn, Xuân Phúc thì nghê đá có hình dạng của sư tử Trung Quốc:

“Nghê thường được đặt vững chắc trên bệ đá. Con đực thường ôm quả cầu ngọc chỉ ra sự liên kết quan trọng của liên kết làm ăn trong phạm vi không gian toàn cầu và bảo vệ bạn bất kì đâu trên trái đất. trong khi con cái ôm một đứa con nhỏ, nói lên sự bảo vệ hôn nhân và bền vững của gia đình.”

Phía dưới ảnh minh họa sản phẩm là đôi sử tử đá Bắc Kinh.

Cũng là xưởng đá Ninh Vân, xưởng Phan Vinh giải thích:

“Mẫu nghê đá. Con Nghê có kỳ mà không có sừng, mình thon nhỏ, chân như chân chó, dáng thanh, trông rõ ràng dáng chó chứ không tròn mập như dáng như sư tử, đuôi Nghê dài, vắt ngược lên lưng, đuôi Lân ngắn, xòe như cánh chim hay cuộn tròn như đuôi thỏ.”

Cách giải thích lúc thì Nghê, lúc thì Lân khá lộn xộn. Trong khi mô tả Nghê dáng chó thì ảnh minh họa cũng lại là sư tử Bắc Kinh.

Khi vào trang tìm kiếm google, với từ chìa khóa “nghê”+ “Ninh Vân” thì đại đa số các kết quả là hình ảnh các sư tử đá phương Bắc với những dáng vẻ rất đặc trưng. Làng đá Ninh Vân, Ninh Bình là một trong những làng đá mỹ nghệ nổi tiếng từ xưa. Rất nhiều các hạng mục trang trí kiến trúc bằng đá ở Ninh Bình và một số địa phương ở miền Bắc là do những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nơi đây. Hình ảnh những đôi nghê đá ở đền vua Đinh đã từ lâu đi vào lịch sử nghệ thuật nước nhà lẽ nào các phường thợ ở đây không biết.

Đứng trên phương diện pháp lý, các xưởng đá mỹ nghệ hoàn toàn có quyền làm bất cứ kiểu dáng sư tử nào, dù là sư tử Ai Cập, La Mã hay Ba Tư, Trung Quốc. Nhưng họ không được đánh tráo hai khái niệm Nghê và Sư tử ( đặc biệt là sư tử phương Bắc). Tình hình cũng tương tự với làng đá mỹ nghệ Non nước. Khi tìm kiếm với từ chìa khóa “nghê đá” thì kết quả đầu tiên là đôi sư tử Bắc Kinh của Cơ sở điêu khắc Mai Vân.

Cách diễn giải của cơ sở này còn đi xa thêm một bước, trộn lẫn Nghê với Kỳ Lân và Sư tử:

“Tượng Kì Lân (Nghê) là con vật huyền thoại có từ rất lâu đời giống như Tượng Sư Tử. Tượng Kì Lân (Nghê) là con vật bảo vệ và canh giữ cửa ngôi nhà. Vì vậy trong mỗi đình chùa ta thường thấy tượng hai con nghê đá cạnh cửa. Trong phong thủy tượng nghê dùng trấn giữ cửa nhà, hóa giải hung khí chiếu tới khi đối diện với cửa nhà khác, bị ngã ba, ngã tư đường vòng hoặc góc nhọn chiếu vào cửa nhà. Nghê cũng dùng để hóa giải hung khí các sao sát khí chiếu mỗi năm.Nghê thường được đặt vững chắc trên bệ đá. Con đực thường ôm quả cầu ngọc chỉ ra sự liên kết quan trọng của liên kết làm ăn trong phạm vi không gian toàn cầu và bảo vệ bạn bất kì đâu trên trái đất. trong khi con cái ôm một đứa con nhỏ, nói lên sự bảo vệ hôn nhân và bền vững của gia đình.”


 

Qua tìm hiểu cách thức giới thiệu sản phẩm ở các xưởng chế tác đá mỹ nghệ ở Trung Quốc, chúng tôi thấy rõ ở đây có sự minh bạch và chính xác. Ở đây không hề có sự nhầm lẫn sư tử với Kỳ Lân hay bất cứ con vật nào khác. Việc giải thích nguồn gốc mẫu mã sẽ góp phần tư vấn cho khách hàng có sự lựa chọn chính xác. Sư tử đá ở miền Bắc Trung Quốc được ưa dùng là mẫu sư tử ở Tử Cấm thành Bắc Kinh thể hiện sự uy hiếp, áp đảo, chế nghị. Mẫu sư tử phía Nam nước này lại tỏ ra ôn hòa, mềm mại hơn, mặc dù đều là loại sư tử canh cổng, đặt ở lối vào dinh thự, nhà hàng, hay cơ quan công quyền.

Có lẽ những hòn đá quê hương sẽ rất buồn khi biết mình đã bị buộc phải mang thân phận một cách không chính danh vào hình dáng của những con sư tử phương Bắc lạc loài trong các di tích Việt. Quả là phận đá buồn! Không buồn sao được khi chỉ vì sự cẩu thả trong nhận thức, hay cẩu thả trong việc phân biệt kiểu dáng mà đã nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn khiến chúng có khả năng sẽ phải chịu số phận bị nghiền nát hay phải chế tác lại thành các sản phẩm mỹ nghệ khác. Cũng như việc quản lý sản xuất và tiêu thụ mũ bảo hiểm, nếu các tiêu chí chất lượng và việc kiểm tra, xử phạt được thực hiện thường xuyên liên tục thì sẽ tiết kiệm cho xã hội một khoản kính phí rất lớn. Nhưng so với những chiếc mũ bảo hiểm chất lượng kém, hình ảnh những con sư tử đá ngoại lai ở các di tích, các không gian công quyền Việt Nam còn nguy hại hơn nhiều. Sự nguy hại của nó làm méo mó hình ảnh văn hóa của một đất nước luôn tự hào có bề dài hàng nghìn năm văn hiến như Việt Nam. Chắc là nếu hòn đá mà biết nói năng thì nhiều chủ xưởng hàm răng chẳng còn!./.

CTV Trần Hậu Yên Thế/VOV.VN
Nhà nghiên cứu Mỹ thuật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *