(kontumtv.vn) – Chiều ngày 24/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) tổ chức hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế”.

Đón hơn 8.500 khách quốc tế

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch đóng góp 10% vào GDP cả nước, là ngành kinh tế được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát, ngành du lịch chịu tác động nặng, tổn thất hết sức nặng nề, bị “đóng băng”, “xuống đáy”.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL yêu cầu doanh nghiệp du lịch, Tổng cục Du lịch đánh giá về thị trường khách quốc tế.

Do đó, để chuẩn đón khách quốc tế, Việt Nam cần nhìn lại, đưa ra thông điệp, thời điểm đón khách quốc tế, những việc cần làm, tính được bài toán điều kiện cần và đủ để mở cửa đón khách quốc tế. Quán triệt phương châm: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19… để cánh cửa du lịch quốc tế mở nhưng vẫn đảm bảo an toàn và phát triển.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách.

Về doanh nghiệp đăng ký tham gia đón khách, đến nay đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.

Đối với công tác xử lý sự cố y tế, trong quá trình triển khai Chương trình thí điểm, đã có tổng cộng 27 trường hợp xét nghiệm dương tính với COVID-19, trong đó 17 trường hợp tại Phú Quốc (Kiên Giang) và 10 trường hợp tại Khánh Hòa.

Tuy nhiên, chỉ có 1 trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế tại Rạch Giá (Kiên Giang), các trường hợp còn lại đều không có triệu chứng, được cách ly theo dõi tại khách sạn và có kết quả xét nghiệm âm tính sau 3-5 ngày. Tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 đều được xử lý theo đúng các quy định về hướng dẫn phòng chống dịch, đảm bảo không làm lây lan ra cộng đồng, khách du lịch sau khi điều trị đã được bố trí về nước an toàn.

“Từ nay đến 30/4/2022, tiếp tục Chương trình thí điểm giai đoạn 2. Từ 1/5/2022 sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới”, ông Khánh kiến nghị.

Kiến nghị thời điểm mở cửa sớm hơn

Từ góc độ địa phương, về thời điểm mở cửa đón khách quốc tế, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng: Thời điểm mở cửa đón khách quốc tế nên từ 1/4 để có 1 tháng cho công tác chuẩn bị.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân, Ban IV cho rằng; Doanh nghiệp hiện rất khó khăn và để khởi động lại thị trường khách quốc tế thì nên mở cửa từ 1/2/2022.

Còn từ góc độ Hội đồng tư vấn du lịch, ông Trần Trọng Kiên cho rằng nên mở cửa đón khách quốc tế từ 1/3/2022 và có sự thống nhất chính sách đón khách quốc tế xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Còn ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: Việc mở cửa đón khách quốc tế có thể thực hiện luôn từ hôm nay, bởi thực tế thí điểm vừa qua, lượng khách quốc tế vào Việt Nam ở mức độ khiêm tốn, mở cửa chưa chắc đã có khách. Do đó, việc mở gắn liên với công tác xúc tiến, quảng bá làm việc với đối tác. Nếu không có thời gian mở cửa cụ thể, doanh nghiệp khó chương trình xúc tiến quảng bá.

Ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cho rằng: Cục ủng hộ việc mở cửa lại du lịch quốc tế. Từ tháng 10/2021, Bộ đã nghiên cứu mở lại các chuyển bay quốc tế. Hiện nay, chúng ta đã mở lại đường bay tại 10 thị trường. Hiện nay còn Trung Quốc chưa đồng ý. Những thị trường Đông Bắc Á chúng ta đã mở 14 chuyến/tuần. Hiện chúng ta đang đàm phán, thương thảo với một số quốc gia châu Âu như Nga, Đức.

Ông Trần Văn Dự- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an): Trong số trên 8.500 quốc tế theo báo cáo thì đến một nửa là người Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chưa về được qua chuyến bay thường kỳ, những người bắt buộc phải về cùng với người nước ngoài có vợ, chồng ở Việt Nam…. Thực tế đặt ra vấn đề người nước ngoài có nhu cầu vào du lịch ở Việt Nam như thế nào? Họ có sợ quay lại nước thì bị cách ly không?… Đây là bài toán mà ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch có lời giải…

Từ ý kiến đóng góp của các đơn vị có liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các doanh nghiệp du lịch, Tổng cục Du lịch phải có những nghiên cứu cụ thể về nhu cầu thị trường khách để khi mở cửa đón khách quốc tế đạt hiệu quả. Bộ sẽ tổng hợp ý kiến các Bộ ban ngành, doanh nghiệp, địa phương, chuyên gia để báo cáo Chính phủ về thời điểm, lộ trình và công tác chuyển bị để khi mở cửa đón khách quốc tế đảm bảo an toàn, khôi phục lại hoạt động du lịch

Bài, clip: XM/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *