(kontumtv.vn) – Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã quan tâm đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để triển khai chương trình GDPT 2018. Trong năm học 2022 – 2023, ngành GD&ĐT địa phương tiếp tục thực hiện chương trình GDPT 2018 ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Tuy nhiên, việc triển khai chương mới tại những trường vùng DTTS trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Cô giáo Dương Thị Hạnh là giáo viên dạy lớp 3, trường PT DTBT Tiểu học xã Hiếu, huyện Kon Plông. Chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT 2018 như lộ trình, cô đã được tập huấn các mô đun, phương pháp dạy học. Đồng thời, cô còn chủ động tìm kiếm tài liệu, thông tin để trau dồi kinh nghiệm. Tuy nhiên, từ lý thuyết đi vào thực tiễn triển khai chương trình cho đối tượng học sinh người DTTS cô mới thấy điểm hạn chế. Ngoài ra, trường ở vùng sâu, cơ sở vật chất thiếu thốn cũng ảnh hưởng đến việc giảng dạy của cô và đồng nghiệp. Cô giáo Dương Thị Hạnh cho hay: “Trong quá trình tập huấn rồi ở thời gian hè thì chương trình mới đối với học sinh DTTS khó vì là chương trình mới này là tự học. Giáo viên chỉ có gợi mở các em chưa có ý thức đối với quá trình học ở nhà, cũng như tự học. Với chương trình mới này, trong quá trình dạy chúng tôi kết hợp cái mới, cái cũ đến thời điểm nay là đồ dùng học tập cũng chưa đầy đủ.”

Chương trình GDPT mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Trong đó, có ghép những nội dung liên quan tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục; phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên. Cô giáo Phan Thị Oanh, giáo viên trường Tiểu học Cao Bá Quát, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum nêu ví dụ, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc của lớp 3 chương trình mới là Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm, với tổng số 28 tiết mỗi tuần, nhiều hơn 5 tiết so với chương trình lớp 3 cũ. Qua thời gian dạy đầu năm học 2022-2023, cô giáo Phan Thị Oanh đánh giá tình hình truyền đạt kiến thức và năng lực tiếp thu của học sinh người DTTS: “Chỉ thấy chương trình nặng hơn, bài tập thì nhiều, nhất là môn toán, truyền thụ rất là nhiều thời gian so với chương trình cũ. Theo tôi nên giảm tải bớt một số bài tập khó khăn, giảm tải bớt đi cho học sinh nắm, chúng tôi cũng truyền tải kịp để hết thời gian truyền thụ trên lớp.”

Với nội dung chuyên môn, các trường vùng DTTS còn lo lắng khi thực hiện đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá của chương trình GDPT 2018. Như Trường THCS Pờ Ê, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông có 100% học sinh người DTTS. Năm học 2021-2022, trường dạy theo chương trình mới ở lớp 6. Qua nhiều nỗ lực trường đảm bảo hoàn thành chương trình đúng kế hoạch. Tuy nhiên, kết quả học tập của học sinh lớp 6 năm vừa rồi không cao. Trong 39 em, chỉ có 1 em đạt loại Tốt, 3 em xếp loại Khá. Thầy  giáo Nguyễn Thanh Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Pờ Ê, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông cho biết: “Chương trình GDPT 2018, thì chúng ta đánh giá theo thông tư 22, qua 1 năm học mà đến nay thực hiện năm thứ 2, về công tác giảng dạy của giáo viên thì những giáo viên mà đi tập huấn thì họ có kinh nghiệm và truyền thụ tốt, kể cả một số giáo viên hợp đồng thì nhà trường đã triển khai và tập huấn lại. Đối với vùng DTTS khó mà đạt danh hiệu học sinh giỏi và học sinh xuất sắc, bởi vì từ 8 môn trở lên đạt trên 8 phẩy thì mức học của các em ở đây là chưa đạt được.”

Vì mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, các trường vùng DTTS trên địa bàn tỉnh đang rất cần những giải pháp hỗ trợ của các cấp, các ngành để triển khai hiệu quả chương trình GDPT năm 2018 trong thời gian đến./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *