(kontumtv.vn) – Ông Trần Thức, chuyên viên nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, sức mạnh hành chính cộng với sức mạnh của những người gia công sẽ đẩy lùi dần những ảnh hưởng ngoại lai.

60 mẫu sư tử, nghê thuần Việt có niên đại từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến thời Nguyễn đang được giới thiệu đến công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa của những người làm văn hóa trong nỗ lực ngăn chặn sự xâm nhập của các linh vật ngoại lai và tìm chỗ đứng cho linh vật thuần Việt trong đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc.

Tại sao không sử dụng linh vật thuần Việt? Đó là câu hỏi của rất nhiều nhà nghiên cứu lẫn khách tham quan sau khi xem triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Nam Định tổ chức tại Hà Nội mới đây.


Nghê sành thế kỷ 19 được trưng bày tại triển lãm

Theo PGS.TS mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, sư tử và nghê là những linh vật sớm xuất hiện, tồn tại và trở nên gần gũi trong tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa của dân tộc. Việc giới thiệu hơn 60 hiện vật, hình tượng nghê, sư tử do những nghệ nhân Việt Nam chế tác, trong suốt chiều dài lịch sử nước nhà là việc làm thiết thực, ý nghĩa của ngành văn hóa trong bối cảnh không gian di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo… đang bị xâm lấn bởi linh vật, hình tượng ngoại lai.

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo nhận định: “Về sư tử kiểu Trung Quốc, ta thấy bao giờ cũng dữ tợn hơn. Ở đây, ta cũng thấy một vài con vật thể hiện cơ bắp, nhưng tính cơ bắp ấy không như lối thể hiện của thợ người Trung Quốc. Trong khi đó, với hình tượng linh vật Việt, như con nghê thì thể hiện cơ bắp nhưng tất cả chân, tay, đầu, cổ chỉ là giả định. Cho nên, ta có cảm giác linh vật này không có thật. Nhưng cái không có thật ấy tạo nên tính linh thiêng, sự tôn trọng tín ngưỡng. Tôi thấy hình tượng này hay nhất và thuần Việt nhất”.

Do nhận thức chưa đúng về di sản nghệ thuật truyền thống nên một bộ phận người dân và cả cán bộ làm văn hóa cơ sở đã sử dụng linh vật ngoại lai làm vật trang trí tại các di tích, công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, làm dấy lên quan ngại về một cuộc “lai căng văn hóa”.

Ông Nguyễn Văn Thư – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho rằng, triển lãm chuyên đề giới thiệu linh vật truyền thống của Việt Nam đến công chúng được xem như “ một liều thuốc kháng sinh” chống lại sự xâm nhập văn hóa ngoại lai. Tuy nhiên, ngoài việc tuyên truyền, giới thiệu đến công chúng thì các cán bộ văn hóa là những người đi đầu trong công cuộc chống văn hóa ngoại lai này.

“Tôi nghĩ, đã là cán bộ văn hóa, đặc biệt ở mảng di sản thì ít nhất anh phải trang bị cho mình kiến thức về điều đó, chứ cán bộ nào không hiểu thì đó là khiếm khuyết. Bởi vì, cán bộ văn hóa là tham mưu cho các cấp chính quyền, việc quản lý di sản, việc tiếp nhận cái đó thì phải giải thích. Có một số cán bộ vì nể doanh nghiệp hay cán bộ khác mà chấp nhận đưa linh vật vào. Nếu họ trả lời, trong thâm tâm, chúng tôi biết tượng linh thú ấy không phù hợp nhưng vì nể mà đưa vào là không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Văn Thư cho biết.

Còn ông Trần Thức, chuyên viên nghiên cứu mỹ thuật của Viện Bảo tàng Mỹ thuật và Viện Mỹ thuật Việt Nam nhận thấy, sự xâm nhập của sư tử đá ngoại lai là một hệ lụy tất yếu của thời kỳ hội nhập. Sự ưa chuộng của người dân, nhu cầu cao của thị trường đã dẫn đến hệ quả là các làng nghề ồ ạt sản xuất các hình tượng linh vật ngoại lai. Vì vậy, tuyên truyền, giới thiệu các linh vật truyền thống của dân tộc tới các nghệ nhân, doanh nghiệp sản xuất mỹ nghệ ở Ninh Bình, Thanh Hóa hay Non Nước (Đà Nẵng)… là việc làm cần thiết.

Nghê gỗ đền Độc Bộ (Nam Định) thế kỷ 17-18.

Ông Trần Thức nhấn mạnh: “Muốn phổ biến đời sống văn hóa cổ truyền của người Việt Nam thì phải mời chính những nghệ nhân đang sản xuất đích thân đến đây xem. Người ta thấy đẹp, thấy tin tưởng, bản thân trong đầu người ta có tâm hồn Việt Nam rồi thì nhịp điệu trong chạm khắc cũng biểu hiện được trong nghệ thuật, phù hợp với văn hóa Việt Nam. Một sức mạnh hành chính cộng với sức mạnh của những người gia công thì sẽ đẩy lùi dần những ảnh hưởng ngoại lai”.

Sau triển lãm tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ giới thiệu những hiện vật này ở 2 địa phương là Đà Nẵng và Ninh Bình, nơi có các làng nghề sản xuất nhiều linh vật ngoại lai lớn nhất cả nước.

Bộ VHTT&DL cũng sẽ tiến hành kiểm tra việc trưng bày các biểu tượng, linh vật ở đình, đền, chùa, di tích tại khu vực phía Nam, xuất bản sách cẩm nang nhận diện linh vật ngoại lai tại các nơi thờ cúng, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân hiểu hơn về ý nghĩa hình tượng linh vật truyền thống, để có cách ứng xử đúng mức, trả lại không gian văn hóa truyền thống cho các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc./.

Hồng Bắc/VOV- Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *