(kontumtv.vn) – Trong những năm gần đây, thiên tai diễn biến bất thường và có xu hướng cực đoan hơn. Do đó, tình hình lũ lụt, mưa bão, hạn hán trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt, tại tỉnh Kon Tum lần đầu tiên xuất hiện loại hình thiên tai mới, đó là hiện tượng động đất.

Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, từ đầu năm 2022 đến nay, tại khu vực huyện Kon Plông và các vùng lân cận đã xảy ra hơn 60 trận động đất với tần suất thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, là trận động đất mạnh nhất vào ngày 18/4/2022 có độ lớn 4,5 độ richter đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho một số người dân sinh sống trong khu vực. Chị Y Em, thôn trưởng thôn Rô Xia, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông nói: “Tình hình hiện nay thì qua tình trạng gọi là rung đất thì hầu như là ngày nào cũng có, ngày thì có 1 lần, ngày thì có 2 lần. Thì cũng mong muốn là kiến nghị cấp trên là có những giải pháp nào, để cho người dân biết, hiểu về cái này và cũng là quan tâm đến dân nhiều hơn trong tình trạng như thế này để cho người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế”.

Qua kiểm tra, rà soát, trên địa bàn huyện Kon Plông chưa ghi nhận thiệt hại về người và công trình hạ tầng. Tuy nhiên, trước tình hình động đất trên địa bàn, huyện đã ban hành sổ tay về thông tin ảnh hưởng và công tác phòng tránh, ứng phó động đất chuyển về các xã, thị trấn để hướng dẫn cho người dân. Già A Cường ở thôn Rô Xia, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông cho biết: “xã có tuyên truyền, tuyên truyền có sổ tài liệu, ví dụ như tuyên truyền cho bà con đang ở trong nhà thì chạy ra ngoài  nhà tôn nó đỡ, còn cái nhà ngói nếu mà rớt xuống thì dính người gây thương tích, thì xã có tuyên truyền như thế”.

Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết thêm, huyện đã chủ động điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống thiên tai năm 2022; xây dựng các phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai trong tình hình mới. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát việc vận hành, điều hành công trình thủy điện lớn, nhỏ trên địa bàn huyện. “Thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương, cũng như là các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh thì đối với chính quyền địa phương chúng tôi đã phối hợp với các chủ đầu tư và các đơn vị quản lý công trình trên địa bàn để phối hợp rà soát, đánh giá hiện trạng của các công trình, cũng như mức độ ảnh hưởng qua các đợt dư chấn trên địa bàn, các tác động để có phương án phù hợp để ứng phó kịp thời trong việc là an toàn hồ đập trên địa bàn”, ông Bình cho hay.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp cho biết, động đất tại tỉnh Kon Tum trong thời gian qua được xác định là loại hình thiên tai mới và chưa thể dự báo trước được. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, ngoài sự vào cuộc của các Bộ, ngành trung ương thì cần có nghiên cứu sâu hơn về động đất trên địa bàn huyện Kon Plông để đưa ra các giải pháp ứng phó lâu dài cũng như tiến hành đánh giá mức độ rủi ro; xây dựng các kịch bản ứng phó có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và vùng lân cận nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại do động đất gây ra. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp cho biết: “UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị khu vực để sơ tán cho những người dân, chủ động xây dựng kế hoạch sơ tán đến từng thôn làng và sẵn sàng triển khai khi động đất xảy ra. Có kế hoạch chuẩn bị các lực lượng tại chỗ để hỗ trợ ứng phó kịp thời khi tình huống xảy ra. Đồng thời cũng có kế hoạch huy động lực lượng vũ trang hỗ trợ trong tìm kiếm cứu nạn khi động đất có cường độ lớn, xảy ra trên phạm vi rộng và tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các kỹ năng để phòng, chống động đất”.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn, tỉnh Kon Tum đang bước vào mùa mưa với lượng mưa trong năm 2022 có xu hướng gia tăng và đến sớm hơn so với quy luật nhiều năm. Điều này đòi hỏi các địa phương và các đơn vị nhanh chóng triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai bão lũ để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thiên tai xảy ra ngày một nghiêm trọng và khó lường, phá vỡ quy luật thường niên. Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã phải chịu nhiều thiên tai nguy hiểm như mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, lốc xoáy, hạn hán…gây thiệt hại lớn cho các địa phương. Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Giám đốc Đài Khí tượng – Thủy văn tỉnh cho biết: “Mùa mưa năm nay đến sớm hơn trung bình nhiều năm và phổ biến từ cuối tháng 4. Mùa mưa năm nay thì bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới thời tiết tỉnh Kon Tum vào khoảng tháng 7 – 8 trở đi. Ở phía các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông thì thường vào tháng 10 – 11 thì xảy ra lũ quét và sạt lở đất nhiều nhất. Đài khí tượng thủy văn đã ra những bản tin cảnh báo và dự báo kịp thời và gửi đến các Sở ban ngành để phục vụ địa phương”.

Ngày 22/5 hàng năm là Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam với mục tiêu nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai. Đồng thời tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng về phòng, chống thiên tai đến người dân tại cơ sở, hướng tới xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *