(kontumtv.vn) – 2020 có thể nói là năm đặc biệt bởi nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của tỉnh diễn ra. Đây cũng là năm thế giới đối mặt với một đại dịch mới, đại dịch Covid-19. Trước những thách thức do dịch bệnh gây ra, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quyết liệt triển khai các giải pháp vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Tại tỉnh Kon Tum, trên tinh thần quán triệt các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định chính trị, hạn chế thấp nhất sự tác động của thiên tai, dịch bệnh đến đời sống nhân dân. Trong năm, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, cho thấy nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong thực hiện các nhiệm vụ năm đã đề ra.

Đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Điều này làm gia tăng số lao động bị mất việc làm, không tìm được việc trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do thực hiện giãn cách xã hội. Trước tình hình này, cơ quan chuyên môn quyết liệt phối hợp với các cấp ngành triển khai đồng bộ giải pháp để người lao động được hưởng Bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Ông Huỳnh Anh Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, trong năm, tỉnh Kon Tum có trên 1.700 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả gần 25 tỷ đồng: “Số người lao động thất nghiệp tăng so với năm 2019 là 262 người. Đây là một sự lo lắng chung của cả nước và của tỉnh Kon Tum nói riêng. Trước tình hình như thế, Trung tâm chúng tôi có giải pháp là kết nối thông tin việc làm trống đến Phòng Lao động các huyện, thành phố để từ đó, phối hợp chỉ đạo thông tin kịp thời đến các xã, phường, thị trấn. Chúng tôi thấy rằng đây là trách nhiệm của cơ quan được Đảng, Nhà nước giao về chính sách việc làm”.

Trước những khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây ra, tháng 4 năm nay, Chính phủ thống nhất thông qua gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng hướng đến các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19. Tại tỉnh Kon Tum, hơn 133 ngàn người có công, người nghèo, người cận nghèo, đối tượng lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thụ hưởng chính sách với tổng số tiền gần 113 tỷ đồng. Đến nay, tất cả 10 huyện, thành phố đều hoàn thành chi trả trợ cấp cho 7 nhóm đối tượng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Tiền hỗ trợ đã kịp thời động viên tinh thần, tạo thêm động lực để người dân từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định cuộc sống. Anh Nguyễn Hoàng Phú, hộ nghèo ở tổ dân phố 9, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum nói: “Sau mùa dịch, bán vé số cũng bấp bênh, không được như trước kia. Trước kia ngày bán được 100 vé thì sau mùa dịch bán được 50 – 70 vé. Thì nhận được hỗ trợ của Nhà nước nói chung cũng đỡ nhiều các khoản chi phí trong gia đình”.

Đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn, các cấp ngành, địa phương tập trung triển khai giảm nghèo bền vững, nhất là nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác giảm nghèo hiện nay. Giai đoạn 2016 – 2020, tổng kinh phí thực hiện Đề án giảm nghèo trên toàn tỉnh khoảng hơn 8.400 tỷ đồng. Nguồn lực được phân bổ, tỉnh ưu tiên phát triển kinh tế ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, thực hiện lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hộ nghèo từ chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình dự án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng. Trên cơ sở nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương, người nghèo trong tỉnh có điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tiếp tục giảm khoảng 3,5%. Cùng với hàng trăm hộ dân vươn lên thoát nghèo, không ít thôn, làng đặc biệt khó khăn đã giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo, trở thành điển hình tiêu biểu trong thực hiện giảm nghèo bền vững tại địa phương. Ông Nguyễn Khắc Dũng, Thôn trưởng thôn 1, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai phấn khởi nói: “Sau 6 năm được thành lập đến nay, bà con trên địa bàn thôn 1 ngoài làm công nhân cao su còn tận dụng bờ lô hợp thủy, đất dư thừa của công ty chưa sử dụng để tận dụng trồng cây ngắn ngày kết hợp với làm lúa nước, ao hồ nuôi trồng thủy sản. Đến giờ phút này có thể nói đời sống bà con địa bàn thôn 1 tương đối ổn định và có thể tin tưởng rằng càng ngày càng phát triển”.

Hiện nay, thu nhập bình quân của hộ nghèo trên địa tỉnh gần 700 ngàn đồng/tháng, đạt hơn 120% so với mục tiêu tăng thu nhập bình quân hàng năm của hộ nghèo theo Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. 100% các huyện, thành phố có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân. Kết quả này một lần nữa khẳng định quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

 Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *