Nếu hỏi cây cầu nào đẹp nhất Hà Nội, thậm chí cả Việt Nam, thì câu trả lời của rất nhiều người là cầu Long Biên.
Nếu hỏi cây cầu nào nhiều tuổi mà có số phận thăng trầm, vất vả nhất, thì câu trả lời cũng là…cầu Long Biên.
Cây cầu biểu tượng cho không gian và ký ức Hà Nội
Không phải chờ đến hàng chục năm qua những thăng trầm của thời gian và khói lửa chiến tranh hay hơn một trăm năm – cho đến tận bây giờ, cầu Long Biên mới là biểu tượng. Ngay từ khi hoàn thành (năm 1902), cầu Long Biên đã là biểu tượng của nghệ thuật kiến trúc, khoa học kỹ thuật của thế giới đầu thế kỷ XX. Và đương nhiên, cầu Long Biên cũng là biểu tượng của Hà Nội.
Cầu Long Biên lãng mạn trong ráng chiều (Ảnh: Hà Thành) |
Khi ra đời, cây cầu thép đầu tiên vượt qua sông Hồng này là cây cầu thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á, và là cây cầu dài thứ hai trên thế giới (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ). Dự án xây cầu vượt sông Hồng thời đó đã vấp phải sự hoài nghi và chễ giễu bởi đó như là một việc làm không tưởng. Nhưng rồi, nó đã trở thành hiện thực trong sự kinh ngạc không chỉ của người Hà Nội bản xứ mà của cả nhiều người Pháp ở Đông Dương.
Sự xuất hiện của cầu Long Biên Hà Nội đã kết nối tuyến giao thông huyết mạch quan trọng từ nội đô Hà Nội với bờ bắc sông Hồng, với khu vực Đông Bắc. Sự xuất hiện của cầu Long Biên cũng làm thay đổi bộ mặt và ảnh hưởng tới cấu trúc, cảnh quan đô thị Hà Nội mang nhiều yếu tố tích cực. Cũng vì là cây cầu đầu tiên và có mặt từ rất sớm nên Long Biên trở thành cây cầu gắn bó, quen thuộc với người Hà Nội. Hơn 100 năm qua, Long Biên không chỉ là cây cầu gánh vác chức năng giao thông lâu nhất, bền bỉ nhất, mà còn là nhân chứng với những đổi thay, thăng trầm của thủ đô Hà Nội.
Với nhiều người Hà Nội, cầu Long Biên không chỉ là cây cầu bắc qua sông nối mạch giao thông… Từ bao giờ, ở cầu Long Biên hình thành nên một không gian xã hội rất đặc thù, có thể đẹp một cách tự nhiên – giản dị, và nhiều khi cũng đầy ám ảnh. Đó là hình ảnh những người lao động vội vã trên cầu trong nắng sớm, đó là một xóm chài lam lũ neo đậu dưới chân cầu, đó là mùa màng xanh ngắt ở bãi giữa, đó là bóng người đi về trong hoàng hôn…
Cầu Long Biên như thể một xã hội, một Hà Nội thu nhỏ, chất chứa trong mình những vất vả nhọc nhằn qua năm tháng. Cầu là nơi đi về, cầu là chợ mua bán, cầu là nơi người già tập thể dục, là nơi những đứa trẻ chơi đùa trò sông nước mùa hè… Cầu là nơi hóng mát, tâm tình hò hẹn, cầu cũng là chốn cưu mang cho nhiều số phận bất hạnh vô gia cư…
Cầu Long Biên – đường về của những người lao động nghèo (Ảnh: Hà Thành) |
Cầu Long Biên thực sự đã trở thành một hình ảnh tiêu biểu, một biểu tượng của Hà Nội. Cây cầu đã bắc qua 3 thế kỷ và đã chứa đựng đậm đặc những giá tri lịch sử, văn hoá, xã hội, là một phần của thủ đô Hà Nội.
Hơn 100 năm tồn tại và chưa bị “nghỉ hưu”, chưa nằm yên trong bảo tàng – chỉ riêng yếu tố thời gian thôi, Long Biên xứng đáng nhận danh hiệu di sản. Thế nhưng trên thực tế, cầu Long Biên chưa có một danh hiệu chính thức nào. Có lẽ bởi vậy, với nhiều người, nhiều năm nay, Long Biên – ở góc độ nào đó – vẫn được nhìn nhận như một cây cầu, một phương tiện giao thông thuần tuý. Chính điều đó làm ảnh hưởng tới những góc nhìn khác về một cây cầu Long Biên mang ý nghĩa di sản.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong lòng người Hà Nội và trong cái nhìn của nhiều nhà lịch sử, văn hoá, Long Biên đã là một di sản – một di sản không danh hiệu. Nhiều khi, di sản trong lòng người ấy nó còn lớn lao, có ý nghĩa hơn rất nhiều với một di sản được phong tặng hành chính thuần tuý.
Nhưng cũng không thể không nhìn thấy rằng, chính vì không được mang danh hiệu di sản, nên với hành lang pháp lý yếu ớt, cầu Long Biên có nguy cơ bị phá dỡ, bị biến dạng, bị huỷ hoại… trong một bài toán giao thông và kinh tế.
Số phận nào cho cầu Long Biên?
Số phận cầu Long Biên đã được đề cập đến cách đây ngót 10 năm, từ năm 2004, với những phương án bảo tồn, được thực hiện với sự cộng tác từ phía Cộng hoà Pháp. Những tưởng sẽ có một tương lai sáng cho cây cầu già nua mang trên mình vết thương chiến tranh. Nhiều người đã mơ ước sẽ được nhìn thấy Long Biên nguyên vẹn như thủa ban đầu. 10 năm trôi qua và hiện tại, số phận cầu Long Biên đang rối lên và rơi vào bế tắc…
3 phương án “định đoạt” cầu Long Biên mà Bộ GTVT mới đây đưa ra đều không được “lòng dân”, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận báo chí, giới nghiên cứu lịch sử – văn hoá, những kiến trúc sư… nặng lòng và tâm huyết với Hà Nội. Điều đó đủ để thấy cầu Long Biên có ý nghĩa như thế nào đối với Hà Nội, với người dân thủ đô.
Bản thân những phương án Bộ GTVT đưa ra cũng chưa thấu đáo hết mọi nhẽ. Ví dụ như phương án 2: Dỡ cầu Long Biên cũ và xây dựng một cây cầu mới có tim trùng cầu Long Biên hiện tại, với kiến trúc giống như cầu Long Biên. Ở phương án này, ngoài việc bị phản đối vì việc làm “hàng giả cổ” thì dự án cũng không đưa ra giải pháp xử lý với phần cầu cũ dỡ bỏ (di dời và dựng lại gần đó như phương án 1, hay đưa về bảo tàng, hay tận dụng lại…???).
Phối cảnh phương án 1 của Bộ GTVT |
Xét một cách tỉnh táo và khách quan, các phương án mà Bộ GTVT đưa ra đều không sai, có lý riêng; đúng với đầu bài đã được đặt ra là giữ nguyên điểm kết nối đường sắt hai đầu hiện tại. Tuy nhiên, sai lầm – nếu có thể gọi như vậy – chính là cách tiếp cận vấn đề. Và sai lầm này đã xuất hiện ở ngay đề bài.
Chúng ta cần phải tiếp cận vấn đề từ góc độ bảo tồn di sản trước, tiếp theo mới là bài toán giao thông. Khi mà cách tiếp cận vấn đề chưa đúng thì phương án nào cũng không ổn – như một chuyên gia bảo tồn đã nhận định. Và cái cách nhìn, cách tiếp cận vấn đề mang tính bảo tồn của đơn vị lập dự án cũng trái với nguyên tắc bảo tồn. Đó chính là phương án 1: Di dời 9 nhịp cầu Long Biên về thượng lưu để bảo tồn.
Cầu Long Biên đang là một bảo tàng sống, di sản sống mà lại đưa nó về di sản chết!? Cầu Long Biên chỉ tồn tại có ý nghĩa khi nó đúng là một cây cầu, tại đúng vị trí lịch sử của nó. Chứ nếu đem 9 nhịp dỡ ra rồi lắp lại ở chỗ khác (không phải là một cây cầu nối đôi bờ sông) thì nó cũng chỉ như là một đống sắt vụn mà thôi. Đổi một di sản sống thành di sản chết, làm mất tính lịch sử hiện vật (vị trí), bắc một cây cầu lửng lơ đến… giữa sông. Đó thực sự là một ý tưởng hết sức kỳ cục và nực cười!
Hình như 10 năm về trước, hay lâu hơn nữa, những người làm quy hoạch giao thông cho Hà Nội chưa nhìn thấy vấn đề nghiêm trọng này, chưa nhìn thấy giá trị của cầu Long Biên và những hệ luỵ liên quan đến cây cầu lịch sử. Và hệ quả là tới ngày hôm nay, số phận Long Biên vẫn nằm trong sự toan tính giằng xé của bao người. Biết là mọi việc rất khó, và không có phương án nào là toàn ưu điểm. Nhưng có thể nhận thức được rằng: giải quyết thoả đáng được một vấn đề văn hoá – lịch sử – xã hội khó hơn nhiều so với một bài toán về giao thông và kinh tế.
Nếu nghĩ được như vậy, hẳn đã có thể dễ dàng thay đổi đề bài!…/.
CTV Nguyễn Trần Đức Anh/VOV online
(Kiến trúc sư)