(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum có nhiều lễ hội độc đáo của người DTTS, trong đó có lễ Ét Đông (còn gọi là Lễ ăn con Dúi). Vào đầu tháng mười hằng năm người Giơ Lâng – một nhánh của dân tộc Ba Na ở làng Kon BRắp Du, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy lại vui mừng chào đón lễ Ét Đông, một lễ hội thường niên của dân làng để cầu sức khỏe và mùa màng bội thu.
Sau khi già làng chọn ngày để tổ chức lễ hội, từ sáng sớm, mọi người dân trong làng đều di chuyển về nhà rông. Mỗi gia đình mang theo một ghè rượu cần và một con dúi đã chuẩn bị sẵn mang đến nhà rông của làng. Những ché rượu cần được đặt ngay ngắn ở ngăn giữ của nhà rông, kèm theo một con dúi buộc vào cây le trang trí thật đẹp mắt đặt cạnh ghè rượu. Anh A Nói hớn hở cho biết: “Gia đình cũng có đi lên rừng kiếm bắt con Dúi về để tham gia lễ hội phong tục Ét Đông. Lễ Ét Đông thường được tổ chức vào rằm tháng 9 âm lịch, gia đình cũng chuẩn bị từ lâu, mỗi nhà 1 con Dúi và 1 ghè rượu, cầu mong cho gia đình có sức khỏe và mùa màng sau bội thu.”
Lễ “Ét Đông” là một trong những lễ hội quan trọng đối với người Ba Na. Qua nhiều thế hệ những chi tiết trong lễ hội vẫn được gìn giữ phát huy và truyền lại cho thế hệ trẻ. Đến nay lễ Ét Đông vẫn duy trì tổ chức thường niên mỗi năm 1 lần vào tuần đầu tiên của tháng 10 dương lịch, khi cây lúa đang ngậm hạt và trổ bông. Vì tổ chức thường niên nên lễ hội thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Anh Lại Văn Toàn – khách du lịch đến từ tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Tôi rất thích lễ hội truyền thống của các địa phương và dặc biệt là lễ hội Ban Na ở đây còn giữ nguyên những nét đặc sắc của dân tộc họ từ già làng đến các gia đình và đến các trẻ nhỏ. Tôi đã háo hức đến đây từ rất sớm vào nhà Già làng A Jin Đen và được mời vào tham gia lễ cúng cùng gia đình. Tôi rất mong muốn lễ hội này được bảo tồn gìn giữ và phát huy văn hóa bản địa để cho các du khách đến tham quan và trải nghiệm văn hóa các phong tục trong làng.”
Lễ “Ét Đông” là một trong những lễ hội quan trọng đối với người Ba Na Giơ Lâng. Thông qua lễ cầu mong một năm mùa màng thuận lợi, mọi gia đình trong cộng đồng được ấm no, hạnh phúc. Theo già làng A Jin Đen, đây cũng là dịp để gặp gỡ nhau đối với người trong làng đi làm ăn xa, những người con đi lập gia đình ở làng khác trở về đoàn tụ. Theo quan niệm của người dân nơi đây, chỉ sau khi tổ chức lễ “Ét Đông” người dân mới được phép triển khai những việc lớn của gia đình, dòng họ như làm nhà mới, cưới hỏi và làm nhiều công việc trọng đại khác.
Lễ Ét Đông là dịp để cộng đồng làng có cơ hội nghỉ ngơi gặp gỡ sau những ngày tháng lao động mệt nhọc, có cơ hội vui chơi hàn huyên bên ché rượu cần. Đồng thời cũng là dịp để người lớn truyền dạy, giáo dục cho thế hệ trẻ biết hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, biết yêu quê hương, yêu núi rừng, luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau như anh em một nhà, cùng nhau kế thừa, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình./.
CTV Y Nhàn – Thành Trung