(kontumtv.vn) – Đảm bảo sự tham gia của luật sư ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng đã được ghi nhận rõ trong luật nhưng việc thực hiện luôn gặp vướng mắc.

Cùng với việc hoàn thiện pháp luật, quy chế, xác định rõ vị trí pháp lý của từng chủ thể trong quá trình tố tụng, việc có những cơ chế kiểm soát chặt chẽ là điều kiện để đảm bảo sự liêm chính trong hoạt động tư pháp, góp phần làm nên thành công của cải cách tư pháp. Đây là vấn đề được các chuyên gia quan tâm góp ý nhất là khi tình trạng oan sai, những tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan tư pháp đang là rào cản trong quá trình chúng ta phấn đấu thực hiện cải cách tư pháp.

Đảm bảo sự tham gia của luật sư ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng đã được ghi nhận rõ trong luật nhưng việc thực hiện luôn gặp vướng mắc. Luật sư có được tham gia vào giai đoạn điều tra hay không, trong nhiều trường hợp phải được sự đồng ý của điều tra viên. Luật sư muốn được cung cấp các thông tin về vụ án, về bị can, bị cáo trong không ít trường hợp gặp phải sự bất hợp tác của các cơ quan tiến hành tố tụng.

luat su co duoc tham gia vao giai doan dieu tra hay khong? hinh 0
Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Hương Lan, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Thái Bình cho rằng những bất cập thực tiễn này cần được giải quyết rõ ràng hơn trong các văn bản luật. Vai trò của luật sư cần được tôn trọng. Luật sư phải được tham gia quá trình hỏi cung bị can để đảm bảo khách quan, không dùng nhục hình. Các thủ tục tham gia tranh tụng rườm rà như hiện nay cần được loại bỏ. Ngay cả chỗ ngồi, trình tự trình bày trong phiên tòa nhiều khi cũng không tạo thuận lợi cho luật sư trình bày ý kiến của mình.

Bà Nguyễn Hương Lan đề nghị: “Thẩm phán, chủ tọa hay Hội đồng xét xử không có định kiến trước về kết quả xét xử để luật sư, kiểm sát viên cùng trình bày, cùng đánh giá chứng cứ và những kết luận của hội đồng xét xử luôn có đánh giá khách quan có xem xét những ý kiến của luật sư trong phán quyết của mình. Hiện nay, có tình trạng luật sư cứ tranh tụng còn ý kiến của luật sư có được ghi nhận không thì khó xác định được. Khi cải cách thủ tục tố tụng, những vấn đề đó phải được làm rõ, vai trò luật sư phải được ghi nhận phù hợp hơn để bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận vị trí, vai trò của thẩm phán, công tố viên, luật sư, bị can, bị cáo, bảo đảm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Kết luận của Hội đồng xét xử phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Đồng thời pháp luật phải xác định các cơ chế bảo đảm liêm chính trong từng khâu tố tụng.

“Phải kiểm soát được việc thực thi quyền tư pháp. Có hai phương thức là kiểm soát trong nội bộ, có giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với hoạt động của cơ quan tư pháp và thanh tra của nhà nước và kiểm tra, giám sát trong nội bộ của từng hệ thống. Phương thức thứ hai là kiểm soát từ ngoài xã hội đối với cơ quan tư pháp. Kiểm soát của mặt trận với vai trò giám sát, phản biện và giám sát của nhân dân thông qua khiếu nại, tố cáo của nhân dân đối với cơ quan tư pháp. Nếu giải quyết tốt thì cũng đảm bảo liêm chính trong hoạt động tư pháp”.

Liêm chính tư pháp là đòi hỏi cơ bản của công dân của mỗi quốc gia về một nền tư pháp trong sạch, với đội ngũ cán bộ tư pháp liêm khiết và dấn thân cho việc duy trì và bảo vệ lẽ phải và công lý. Chúng ta đã đặt ra nhiều nguyên tắc để đảm bảo hoạt động của các cơ quan tư pháp liêm chính nhưng việc thực hiện chưa được đảm bảo. Chính vì lẽ đó, nhiều ý kiến đề nghị cần có cơ chế rõ ràng hơn đảm bảo tăng cường giám sát của cơ quan dân cử và của người dân đối với hoạt động tư pháp./.

Vân Hồng/VOV1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *