(kontumtv.vn) – Việc bỏ một tội danh đã lỗi thời không đồng nghĩa với việc phi hình sự hóa một hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm bỏ lọt tội phạm.

Trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Chính phủ đề xuất bỏ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165) mà thay thế tội danh này bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế. Việc sửa đổi này nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm sự minh bạch và an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh.

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, thảo luận về nội dung này, Đại biểu Quốc hội có 2 luồng quan điểm: quan điểm thứ nhất, ủng hộ việc bỏ tội danh này với lý do các hành vi vi phạm trong quản lý kinh tế cần được cụ thể hóa thành các tội phạm cụ thể. Quan điểm thứ hai cho rằng vẫn cần tiếp tục duy trì tội danh này vì không thể dự liệu và cụ thể hóa được tất cả các vi phạm trong quản lý kinh tế, nếu bỏ tội danh này sẽ bỏ lọt tội phạm, đặc biệt là tội tham nhũng.
.
luat su ung ho bo toi danh "co y lam trai quy dinh nha nuoc" hinh 0
Phiên tòa sơ thẩm xét xử Dương Chí Dũng và đồng bọn về tội tham ô tài sản và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

Không thể “quy nạp” một nhóm tội vào một điều luật chung chung

Ủng hộ phương án nên xóa bỏ điều luật này và thay thế bằng các điều luật cụ thể nhằm xử lý tội phạm trong lĩnh vực quản lý kinh tế, Luật sư Hoàng Văn Dũng (Văn phòng luật sư Bross và các cộng sự) phân tích: “Xét dưới góc độ khoa học luật hình sự, một người chỉ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự khi họ vi phạm một hoặc một số tội đã được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, nhìn vào Điều 165 Bộ luật Hình sự hiện hành chúng ta thấy chủ thể của tội phạm rất rộng và khách thể thì rất chung chung. Thực tiễn đã cho thấy, rất nhiều tội phạm về chức vụ cũng được “mang” sang áp dụng ở nhóm tội phạm xâm phạm trật tự, trong đó có tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” vì khó hoặc không thể chứng minh được dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm (động cơ, mục đích)”.

Theo Luật sư Dũng, điều này tạo ra một tiền lệ xấu là cơ quan áp dụng pháp luật, đặc biệt là Tòa án có thể đã quá linh động, sáng tạo dẫn đến vi phạm quyền con người của người bị nghi là tội phạm, thậm chí làm oan cho họ. Bên cạnh đó, vì là điều luật có phạm vi điều chỉnh rộng nên nó có thể được suy diễn một cách tùy tiện theo hướng bất lợi để làm phương hại cho bị can, bị cáo – trái với nguyên tắc suy đoán vô tội đã và đang được cả thế giới văn minh áp dụng.

Dưới góc độ xây dựng pháp luật, Luật sư Dũng cho rằng, việc bỏ một tội đã lỗi thời (về kỹ thuật lập pháp) không đồng nghĩa với việc phi hình sự hóa một hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm bỏ lọt tội phạm như nhiều người lo nghĩ mà ở đây là cụ thể hóa ra thành nhiều điều luật sao cho dễ hiểu và dễ áp dụng nhằm khắc phục những nhược điểm nêu trên.

Xây dựng pháp luật là trách nhiệm của Nhà nước, không thể vì không dự liệu hết các tình huống trong thực tiễn đời sống (và thực tế không bao giờ dự liệu được hết) mà chúng ta dung túng cho cách làm luật “quy nạp” hết một nhóm tội vào một điều luật chung chung để rồi tha hồ suy diễn khi áp dụng; tương tự, không thể để công dân gánh phần khó, phần rủi ro khi trách nhiệm minh bạch hóa và cá thể hóa đó thuộc về nhà nước.

Thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội

Với những ý kiến băn khoăn việc bỏ Điều 165 có thể bỏ lọt tội phạm, Luật sư Dũng khẳng định phải ngăn chặn vấn đề này ngay từ khâu lập pháp, tức là khâu xây dựng pháp luật, mà sửa đổi Bộ luật Hình sự là một việc làm cụ thể. Tuy nhiên, theo Luật sư Dũng, chỉ có thể cố gắng ngăn chặn tối đa việc bỏ lọt tội phạm chứ không thể loại bỏ được thực trạng này, dù nhà lập pháp muốn hay không thì thực trạng bỏ lọt tội phạm vẫn cứ xảy ra. Việc ngăn chặn tình trạng bỏ lọt tội phạm luôn phải cân bằng với việc không được làm oan người vô tội.

“Vì thế, nhận thức ở góc độ nhân văn, tôi đồng ý với quan điểm cho rằng, thà để lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội ngay ở khâu xây dựng pháp luật, mà cụ thể là ở lần sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này”, Luật sư Dũng nói./.

Điều 165 dễ gây hoài nghi cho người dân

Theo Luật sư Tạ Quốc Long (Công ty Luật Đức Bảo), chủ thể của tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” có các dấu hiệu về chức vụ, quyền hạn giống như chủ thể tội phạm quy định trong chế định các tội phạm về chức vụ quy định trong Bộ luật Hình sự mặc dù nó được đặt trong Chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Trong thực tiễn, ranh giới khi thực hiện xử lý tội phạm giữa tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và các tội khác như: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ hay Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản…có sự mong manh và tạo sự hoài nghi cho nhân nhân.

Trong tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” có xuất hiện yếu tố vụ lợi như nhiều tội danh về chức vụ khác nhưng mức độ chế tài của tội này nhẹ hơn rất nhiều.Người phạm tội chỉ phải chịu hình phạt đến 20 năm tù hoặc được cải tạo không giam giữ trong khi ở các tội khác hình phạt có thể là chung thân hoặc tử hình. Sự mong manh của ranh giới giữa tội này và các tội khác có thể tạo ra sự không thống nhất khi áp dụng pháp luật và tạo kẽ hở cho tội phạm thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

“Trong thời điểm hiện nay, công tác phòng và chống tham nhũng được Nhà nước coi là trọng tâm và cấp bách như chống giặc nội xâm, theo tôi cần phải ủng hộ việc sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng bỏ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và xử lý hành vi phạm tội bằng các tội danh cụ thể sẽ đảm bảo tính nghiêm minh và thống nhất khi áp dụng và tuân thủ pháp luật”, Luật sư Long đề nghị.

 

Thanh Hà/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *