(kontumtv.vn) – TAND Tối cao đã có chỉ đạo soạn văn bản hướng dẫn về điều luật xử lý tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Chiều 21/4, Cảnh sát điều tra Công an quận 4 TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) để điều tra hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, theo Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của báo Tuổi Trẻ, thì đến chiều nay, hồ sơ đã được chuyển qua VKSND quận 4 để thực hiện các thủ tục tố tụng tiếp theo.

Tuy nhiên, sau 21 ngày xảy ra vụ việc và cơ quan tố tụng đã thụ lý tin báo tố giác tội phạm thì cơ quan điều tra mới khởi tố vụ án bởi khiến dư luận bức xúc.

Một số ý kiến cho rằng do các văn bản hướng dẫn luật chưa được cụ thể khiến cho việc khởi tố bị chậm trễ vì e ngại dẫn đến oan sai.

lung tung xu ly toi dam o, tand toi cao chi dao ra van ban huong dan hinh 1
Hình ảnh ông Nguyễn Hữu Linh và cháu bé trong thang máy.

Điều luật đã mở rộng hơn nhiều

Ông Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao, cho rằng dù chất lượng của clip được cho là thấp, nhưng người xem rõ ràng đã nhận thấy hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh lao vào ôm và hôn bé gái khiến bé gái hoảng sợ chạy ra ngoài ngay sau khi cửa thang máy mở.

Như vậy, rõ ràng cháu bé hoàn toàn không đồng ý đối với hành vi của ông Linh. Thậm chí hành vi đó khiến cháu bé sợ hãi.

Nếu là yêu thương, cưng nựng thì cháu bé không sợ hãi đến thế, nhất là đối với một người hoàn toàn lạ mặt.

Về căn cứ khởi tố bị can, ông Độ cho rằng hiện nay, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng cứ áp dụng những hướng dẫn của tội dâm ô trong BLHS 1999 là hoàn toàn không đúng.

Việc nhận thức về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi ở cả các nước trên thế giới và Việt Nam đã khác rất nhiều so với điều luật cũ.

Hành vi của ông Linh xảy ra tại thời điểm BLHS 2015 đang có hiệu lực pháp luật và hành vi đã được mở rộng hơn so với điều luật cũ.

 

Do đó, nếu cứ áp dụng các hướng dẫn trước đây là tự bó hẹp lại các hành vi và dù có điều luật mới cũng không thể khởi tố được tội phạm.

 

Theo ông Độ, điều luật dâm ô đối với người dưới 16 tuổi của BLHS 2015 chưa có văn bản hướng dẫn như thế nào là “hành vi tình dục khác”.

Tuy nhiên, khi góp ý xây dựng điều luật, thì hành vi tình dục khác đã được đưa ra phân tích mổ xe nhiều lần và đã phân tích rõ. Do đó, việc dùng miệng để thỏa mãn nhu cầu tình dục cũng là hành vi được liệt vào hành vi tình dục khác ngoài mục đích giao cấu.

Bởi vậy, ông Độ cho rằng “chỉ căn cứ vào điều luật sẵn có hoàn toàn có thể khởi tố được bị can. Việc chưa có văn bản hướng dẫn không phải là trở ngại mà chính là cơ hội để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng điều luật mới trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử”.

Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo gấp rút làm văn bản hướng dẫn

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó chánh án TAND Tối cao, cho biết sau khi xảy ra một số vụ việc có dấu hiệu xâm hại tình dục trẻ em mà các cơ quan tố tụng lúng túng vì điều luật mới vẫn chưa có hướng dẫn, thì lãnh đạo TAND Tối cao đã có chỉ đạo đối với các phòng nghiệp vụ nghiên cứu để ra văn bản hướng dẫn áp dụng điều luật này.

Theo ông Tuệ, việc bảo vệ trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của một ngành hay một cấp nào, mặc dù văn hoá của người Việt là thích ôm ấp, hôn hít, sờ má nắm chân tay các em bé để thể hiện tình cảm, tuy nhiên, ở một giới hạn nào đó.

Và để tôn trọng quyền trẻ em thì các hành vi có dấu hiệu xâm hại đến trẻ cần phải được xem xét và xử lý thích đáng./.

Theo Hoàng Điệp/Tuổi trẻ/’VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *