(kontumtv.vn) – Áp lực tài chính với những con số đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng khiến cho quyết định tổ chức không hề dễ dàng…

Tuần qua, vấn đề tổ chức Asiad 18 tại Việt Nam vào năm 2019 tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Từ câu hỏi “Liệu Việt Nam có đủ khả năng tổ chức Asiad?”, nay vấn đề đã trở thành “Nên hay không nên tổ chức Asiad tại Việt Nam?”. Nguyên nhân chính đằng sau những câu hỏi đó chính là bài toán đầu tư liên quan đến những rủi ro trị giá cả chục nghìn tỷ đồng Việt Nam và giá trị sử dụng của những công trình cơ sở hạ tầng phục vụ Asiad sau khi sự kiện kết thúc.

Trong phạm vi của bài viết này, phóng viên VOV xin điểm lại một vài con số được lãnh đạo các Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Olympic Việt Nam đề cập, khi thuyết trình về vấn đề Việt Nam nên hay không nên tổ chức Asiad 18 vào năm 2019.

Tháng 12/2012, phát biểu trong chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hoàng Tuấn Anh, khẳng định: “Từ nay đến 2020, yêu cầu đặt ra là phải tăng chi đầu tư ngân sách nhà nước cho đào tạo VĐV và xây dựng cơ sở vật chất, thì 150 triệu USD là từ ngân sách nhà nước và cộng với nguồn lực xã hội hóa”.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh khẳng định kinh phí tổ chức Asiad có phát sinh cũng là điều bất khả kháng (ảnh: Tuổi Trẻ)
Đề cập về vấn đề trong các khoản phát sinh, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Chúng tôi xác định là không vượt dự toán này. Còn tất nhiên, giá nhân công, vật liệu tăng lên thì bất khả kháng. Mà các nước có thể tăng 10-20%. Còn chúng ta ý thức được cần phải tiết kiệm, làm sao sử dụng các công trình hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất, không để thất thoát và có sự giám sát”.

Hai năm sau đó, kinh tế – xã hội đất nước đã có nhiều biến động. Trả lời báo chí vào chiều ngày 1/4 vừa qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng thừa nhận rằng: “Tình hình khó khăn nên bây giờ đang ở thế có người nói tiến thoái lưỡng nan”.

Đề án tổ chức Asiad 18 vào năm 2019, do Bộ VHTT&DL xây dựng chưa đệ trình Chính phủ phê duyệt, vẫn giữ nguyên mức kinh phí 150 triệu USD. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều con số khi được nêu lên, người dân hẳn có cơ sở để lo ngại.

Trong phiên giải trình của Chính phủ về “việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thể thao thành tích cao” trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vào tháng 3 mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Theo dự kiến của Bộ VHTT&DL, nguồn thu từ tổ chức Asiad khoảng 1.131 tỉ đồng. Ngân sách nhà nước sẽ phải đảm bảo 5.475 tỉ đồng, tương đương 300 triệu USD, tăng gấp hai lần so với 150 triệu USD là kinh phí cần thiết trong đề án của Bộ. Mà dự toán này chưa bao gồm kinh phí đào tạo VĐV vào khoảng hơn 820 tỉ đồng”.

Ngay cả khi Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định Việt Nam đã đạt được 80% số đầu công trình phục vụ việc tổ chức Asiad, thực tế cũng không hoàn toàn như vậy.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã nêu rõ: “Đứng về mặt số lượng thì đạt được 80%, nhưng số tiền để duy tu, nâng cấp, sửa chữa vào khoảng 2.600 tỉ đồng. Còn tiền để đầu tư xây mới cần trên 3.000 tỉ đồng nữa. Trong đầu tư mới, ngân sách địa phương là 2.100 tỷ đồng, còn lại là ngân sách trung ương. Trung bình 5 năm tới, mỗi năm sẽ phải đầu tư 1.200 tỷ đồng cả Trung ương và địa phương, nhưng mức đầu tư này là khả thi, không ảnh hưởng tới cân đối vĩ mô, không làm tăng dư nợ”.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết, trong đề án mà Bộ VHTT&DL sắp trình Chính phủ phê duyệt có 2 yếu tố đầu tư rủi ro lên tới con số 12 nghìn tỷ đồng: “Về quan điểm tài chính, chúng tôi cho là có 2 rủi ro: làng VĐV phải sớm có quyết định, sân lòng chảo trị giá 10 nghìn tỷ đồng – tổng cộng lại là khoảng 12 nghìn tỷ đồng rủi ro cần phải có phương án khác”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cũng chia sẻ quan điểm này với lãnh đạo Bộ Tài chính: “Vấn đề đầu tư làng VĐV phải xem xét lại. Hiện tại có nhiều nhà ở tại Pháp Vân và đại lộ Thăng Long còn để không, thì chúng ta có thể thuê lại để bố trí chỗ ăn nghỉ cho VĐV, HLV. Thứ 2 là xây dựng sân lòng chảo cũng phải xem xét và xác định nhà đầu tư là nếu họ đầu tư được thì ta mới đăng ký môn đua xe lòng chảo, nếu không chúng ta cũng không nhất thiết phải đăng ký tổ chức môn thể thao này”.

Nếu kinh phí bỏ ra cho cơ sở hạ tầng phục vụ Asiad không được đầu tư một cách hợp lý với mục đích lâu dài, sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí (ảnh minh họa: Tuổi Trẻ)
Không khó để nhận thấy, khi tính các phương án tài chính tổ chức Asiad 18 tại Việt Nam, Bộ VHTT&DL trông cậy vào 3 nguồn: ngân sách đầu tư từ trung ương và địa phương, ngân sách từ xã hội hóa và ngân sách từ lệ phí tham dự của các đoàn, khai thác bản quyền truyền hình và các thương quyền marketing khác của đại hội.

Tuy nhiên, như trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Văn Nên rằng “ngành thể thao tính phần xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư ngoài nhà nước, kể cả địa phương tham gia nhưng dù địa phương hay trung ương thì cũng là ngân sách”, và nếu điều kiện của nhà đầu tư “xung đột pháp luật của mình, mình chưa dễ gì chấp nhận được”.

Lịch sử các kỳ Asiad từng chứng kiến tiền lệ 2 quốc gia đã trả lại quyền đăng cai cho Hội đồng Olympic châu Á. Áp lực tài chính với những con số đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng không hề nhẹ.

Nhưng như người đại diện Chính phủ đã khẳng định: “Đây là sự kiện thể thao lớn ở châu Á, thể thao không chỉ mang ý nghĩa thể thao mà mang ý nghĩa khác”, thì dư luận mong rằng “trong bối cảnh tình hình đất nước và hoàn cảnh chúng ta hiện nay, người lãnh đạo sẽ cân nhắc”./.

Thành Lương/VOV- Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *