(kontumtv.vn) – Xác định nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo học sinh dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, trong những năm qua huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã thực hiện nhiều biện pháp từng bước nâng cao chất lượng đối tượng học sinh này.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngọc Wang có tổng số hơn 1.000 học sinh, trong đó trên 85% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, để nâng cao học lực học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, duy trì đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của học sinh trước thềm năm học mới được Ban Giám hiệu, giáo viên nhà trường thực hiện mỗi dịp đầu năm học. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia học tập, trường đã tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, tổ chức các hoạt động phong trào, tạo điều kiện cho học sinh có sân chơi bổ ích, phát triển cả về thể chất, thêm vui, thêm yêu trường, yêu lớp. Thầy giáo Mai Văn Viên, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ngọc Wang nói: “Sau 1 đến 2 tuần học nhà trường tổ chức khảo sát lập danh sách học sinh hỏng kiến  thức cần phải phụ đạo, phân công các đồng chí giáo viên trực tiếp giảng dạy, mỗi đồng chí phụ trách 5 đến 10 em để đảm bảo việc tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp trong các dịp học sinh hay nghỉ học”.

Xác định công tác đổi mới phương thức dạy học, ôn tập, củng cố nâng cao kiến thức cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng trong mỗi năm học, trường đã triển khai những giải pháp phù hợp với học lực và điều kiện thực tế học tập tại nhà trường. Trong đó, công tác dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số được chú trọng, giúp các em có thêm vốn từ giao tiếp, tạo hành trang cần thiết để bước vào bậc học Tiểu học. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên nhà trường cho biết: “Trong quá trình dạy học một số  em lên lớp 1 thì các em chưa hiểu hết tiếng Việt, vốn tiếng Việt của các em còn hạn chế, giáo viên cố gắng để tổ chức các hình thức dạy học phong phú, cũng như tổ chức các trò chơi chơi để các em cảm thấy hứng thú, coi một ngày đến trường là một ngày vui của các em”.

Năm học 2020 – 2021, huyện có 43 đơn vị trường học với tổng số trên 21.000 học sinh, trong đó gần 12.500 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ gần 60% tổng số học sinh. Để tiếp tục nâng cao chất lượng học sinh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện lựa chọn và đào tạo giáo viên là người dân tộc thiểu số, đưa giáo viên giàu kinh nghiệm về công tác tại các đơn vị trường có tỷ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số cao. Đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học; đội ngũ giáo viên chủ động đổi mới các phương pháp giảng dạy; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng sống. Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách hỗ trợ đối với học sinh DTTS. Cô giáo Trịnh Thị Nhẫn, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đăk Ui, huyện Đăk Hà nói: “Ngay từ khi bắt đầu nhận lớp giáo viên cần phải khảo sát tìm hiểu so với giáo viên chủ nhiệm năm trước để nắm bắt tình hình học tập của học sinh, sau đó mình phân loại đối tượng học sinh đối với em nào hoàn thành tốt, em nào ở mức độ khá, những năm nào chưa hoàn thành giáo viên xây dựng kế hoạch công tác chủ nhiệm cũng như kế hoạch bài soạn cho phù hợp với đối tượng của lớp mình để giảng dạy”.

 “Để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường tổ chức các hội thảo, chuyên đề, giao quyền chủ động cho giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch bài giảng cho phù hợp với đối tượng học sinh lớp mình. Ngoài ra chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường để thu hút học sinh đến trường và học tập tốt hơn”. Cô giáo Hồ Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đăk Ui cho biết.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ những giải pháp dạy và học, chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đăk Hà có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động trẻ dân tộc thiểu số 5 tuổi học mẫu giáo đạt 100%; trẻ được chuẩn bị các điều kiện vào lớp 1 đạt 100%; 12/16 trường mầm non tổ chức cho trẻ ăn bán trú, đạt tỷ lệ 75%. Ở bậc phổ thông, tỷ lệ học sinh 6 tuổi ra lớp đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt gần 99%. Bà Y Sương, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Hà nói: “Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, Phòng Giáo dục tham mưu với UBND huyện, UBND tỉnh cũng như các sở ngành tiếp tục bổ sung các chỉ tiêu biên chế đảm bảo theo quy định, tăng thời lượng dạy học, đổi mới có hiệu quả đối với việc đổi mới phương pháp dạy học cũng như là đánh giá học sinh”.

Với những giải pháp triển khai hiệu quả, chất lượng học tập của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đăk Hà đã có những bước chuyển biến tích cực, tạo tiền đề để huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.

                 CTV Minh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *