(kontumtv.vn) – Trong những năm qua, ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những mô hình hay, hiệu quả trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Điển hình như mô hình Nhóm cha mẹ có con dưới 10 tuổi, gọi tắt là nhóm U10 ở thôn Kon Rờ Long, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy. Đây là một trong những mô hình đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở một thôn vùng  dân tộc thiểu số.

Thôn Kon Rờ Long, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy hiện có hơn 50 trẻ em từ 0 đến 10 tuổi. Chính vì vậy Hội LHPN huyện, xã đã chọn thôn triển khai Dự án Làm cha mẹ có trách nhiệm về giới để chăm sóc và phát triển trẻ thơ. Dự án do tổ chức Plan tài trợ. Hội LHPN thôn, xã chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và điều phối mô hình. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy các nhóm cha mẹ tại cộng đồng tăng cường các hoạt động chăm sóc phát triển trẻ thơ toàn diện có đáp ứng về giới. Để thực hiện dự án đạt mục tiêu đề ra, Hội LHPN xã đã vận động các ông bố, bà mẹ có con dưới 10 tuổi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ chăm sóc trẻ em, gọi tắt là nhóm U10.

Nhóm U10 của thôn Kon Rờ Long sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần. Mỗi lần sinh hoạt, các thành viên của nhóm được tuyên truyền, phổ biến và trao đổi những kiến thức về chăm sóc trẻ em. Anh A Nghiêm –  thành viên của nhóm U10 ở  thôn Kon Rờ Long, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy cho biết, từ khi tham gia câu lạc bộ, anh luôn dành thời gian để vui chơi với các con nhỏ. Đây là cách để anh theo dõi sự phát triển của con và anh cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống.

Chị Y Sáu là thành viên của Nhóm U10 cho biết, do làm nương rẫy, công việc bận rộn nên trước đây chị chưa bao giờ chơi trò chơi cùng với các con của mình. Thế nhưng vài tháng trở lại đây thì đã khác, mỗi ngày chị luôn dành một khoảng thời gian để vui chơi với con. Sự thay đổi này là nhờ chị  tham gia sinh hoạt nhóm U10, được tuyên truyền, phổ biến những kiến thức để nhận biết sự phát triển trí thông minh, khả năng vận động và sự khéo léo của trẻ theo từng độ tuổi.

Cũng như chị Y Sáu, tham gia sinh hoạt nhóm U10, chị Y Thủy có sự thay đổi rõ nét trong việc chăm sóc các con. Chị đã chú trọng tăng gia, sản xuất để có nguồn thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng cho con trong các bữa ăn. Sau khi được các thành viên trong nhóm chia sẻ kinh nghiệm chị đã nuôi thêm chim cút, cải tạo một góc vườn tạp để trồng rau xanh. Chị Y Thủy nói: Tôi tham gia mô hình trẻ từ 0-10 tuổi là tôi cảm thấy tôi học được rất nhiều các kỹ năng, sáng kiến trong cách chăm sóc trẻ, học được cách chế biến thực phẩm dinh dưỡng cho con, động viên con trong học tập, vui chơi con. Tôi nuôi chim cút với trồng rau mục đích là cải thiện bữa ăn trong gia đình, cung cấp dinh dưỡng cho con, cho gia đình, để đảm bảo cho con một nguồn dinh dưỡng tươi, sạch, bổ dưỡng, cung cấp năng lượng cho con.”

Chị Y Xanh – Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy cho biết, từ khi  thành lập nhóm U10,  công tác chăm sóc trẻ em trong thôn Kon Rờ Long đã có sự chuyển biến rõ nét: “Khi mà chưa có, chưa thành lập nhóm U10 thì các ông bố, bà mẹ kiến thức người ta còn hạn chế rất là nhiều. Từ khi thành lập nhóm U10 thì hàng tháng được các tình nguyện viên tuyên truyền về kiến thức chăm sóc trẻ thì các ông bố, bà mẹ tham gia buổi sinh hoạt nhóm đã thay đổi rất nhiều trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc con cái mình tốt hơn.”

Thông qua  nhóm U10, các thành viên được cung cấp đầy đủ các kỹ năng làm cha mẹ, bảo đảm cải thiện môi trường chăm sóc trẻ tại gia đình. Chính vì vậy, mô hình này đã và đang có tác động tích cực, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả hơn công tác chăm sóc trẻ em tại thôn Kon Rờ Long – một thôn vùng sâu, vùng xa của huyện Kon Rẫy./.

Thanh Tùng – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *