(kontumtv.vn) – Sự thờ ơ đối với các giá trị tinh thần nhân văn ít nhiều liên quan đến tình trạng vô cảm, suy thoái đạo đức trong xã hội hiện nay.

Nhà tư tưởng Karl Marx từng có một câu nói nổi tiếng với con gái của mình: “Điều yêu thích nhất của cha là lục tìm trong sách vở”. Đúng vậy, đọc sách luôn đem lại nguồn cảm hứng và sáng tạo vô tận đối với những người muốn khai thác chúng và có thể nói một nền văn hóa muốn phát triển tiên tiến và hiện đại thì không thể không có một văn hóa đọc kèm theo nó.
Nhiều hoạt động của Ngày sách Việt Nam 2014 hướng đến độc giả trẻ

Nhìn từ lịch sử, dân tộc ta có truyền thống thi thư hiếu học. Về giáo dục Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có trường Đại học sớm nhất khu vực – Quốc Tử Giám. Suốt gần nghìn năm tồn tại, nền giáo dục phong kiến Việt Nam đã sản sinh nhiều nhân tài kiệt xuất như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du… Với một xã hội có tới hơn 90% là nông dân như Việt Nam xưa, những người có chữ thánh hiền rất ít và luôn được coi trọng. Thời ấy, thầy còn được xếp sau vua (Quân-Sư-Phụ).

Tuy nhiên, nếu trong xã hội cổ truyền, giáo dục và sách vở không dành cho số đông thì trong thời đại ngày nay, ai không đọc sách, không thường xuyên nạp tri thức sẽ lập tức bị tụt hậu. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học cho biết, so với các nước phát triển trên thế giới, Việt Nam chưa phải là cường quốc đọc, nếu không muốn nói là chúng ta đi sau họ rất xa. Ở nước ta hiện nay, mặc dù các chủng loại sách, báo đã phong phú hơn, nhưng số lượng từng loại được xuất bản còn ít. Nạn đạo văn, vi phạm bản quyền có chiều hướng gia tăng, quảng cáo sách không phù hợp với nội dung và chất lượng sách…đã gây tác dụng tiêu cực đến người đọc.

Theo kết quả điều tra xã hội học do Viện Văn học tiến hành năm 2010 ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM với đối tượng thanh niên có độ tuổi từ 15 đến 30 thì cứ 100 thanh niên có gần 30 người thường xuyên đọc; 56 người thỉnh thoảng đọc; 10 người hiếm khi đọc và 10 người không bao giờ đọc. Từ đây suy ra có thể thấy những đối tượng khác, địa bàn khác tỷ lệ người ít đọc và không đọc sẽ còn cao hơn.

Tuy nhiên, đây không phải là thực trạng của riêng Việt Nam. Theo Quỹ Nghệ thuật Quốc gia Mỹ (NEA), kết quả hơn 40 cuộc điều tra trên qui mô nước Mỹ thì chưa đến 1/3 trẻ em ở lứa tuổi 13 có hứng thú đọc sách hàng ngày (giảm 14% so với 2 thập kỷ trước). Trong khi đó, sau 2 năm, thanh niên ở tuổi 17 không thích đọc sách tăng gấp đôi.

Tương tự, các cuộc khảo sát tại 2 quốc gia Tây Âu là Pháp và Đức năm 2010 cũng xác nhận thực trạng xuống cấp của văn hóa đọc. Ở Nga, trong nhiều chục năm trước đây luôn luôn là nước đứng đầu về tỷ lệ người đọc sách. Nhưng đến những năm gần đây thói quen đó cũng không còn được duy trì như cũ. Ở tàu điện ngầm nước này xuất hiện dòng chữ: Đọc để học, đọc để làm người! – điều mà trước đây vài chục năm không cần phải vận động.

Rõ ràng, sự xuống cấp của văn hóa đọc, đặc biệt là đọc sách văn học đang là một hiện tượng phổ biến ở hầu hết các quốc gia thế giới.

Không phải ngẫu nhiên mà sau Đại hội đồng lần thứ 28 (1995), tổ chức UNESCO quyết định lấy ngày 23/4 hàng năm là “Ngày sách và Bản quyền thế giới”. Trong khoảng 10 năm qua, đã có 150 nước, trong đó có Việt Nam, hưởng ứng quyết định này.

Ảnh: H.P

Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến 2020, Việt Nam xác định một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của ngành văn hóa là phải: “Xây dựng lại phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”. PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: Điều này cho thấy chúng ta đã ý thức rất rõ việc phải nhanh chóng xây dựng xã hội đọc và xây dựng xã hội học tập suốt đời. Không thể phát triển đất nước cường thịnh nếu trình độ dân trí thấp. Có thể nói, sự thờ ơ của người đọc đối với các giá trị tinh thần nhân văn chắc chắn ít nhiều liên quan đến tình trạng vô cảm, suy thoái đạo đức trong xã hội hiện nay.

Vì thế, việc ra đời và lần đầu tiên tổ chức thành công Ngày sách Việt Nam 2014 trên phạm vi cả nước có một ý nghĩa quan trọng, chính là một hành động thiết thực thiết lập ý thức tự giác về một xã hội đọc đang bắt đầu hình thành ở Việt Nam./.

Trà Xanh/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *