(kontumtv.vn) – Với mong muốn truyền tải thông tin đến khan, thính giả, độc giả một cách kịp thời, chính xác nhất, đội ngũ người làm báo luôn nỗ lực hết mình. Nghề báo dẫu vất vả, khó khăn, thậm chí là gian khổ nhưng điều đó càng thôi thúc những người làm báo thêm yêu nghề, say nghề. Đây cũng là tâm sự chung của đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã và đang trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường, trong các sự kiện.

Bước vào nghề báo năm 25 tuổi, nhà báo Thiên Hương, phóng viên của Phòng Kinh tế – Văn hóa – Xã hội, Báo Kon Tum vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp, xen lẫn niềm vui khó tả khi những tin, bài đầu tiên chị viết được đăng tải trên báo chí. 13 năm trong nghề cũng là 13 năm của vất vả nhưng cũng đầy trái ngọt trong nghiệp cầm bút. Lắng lại những suy nghĩ về nghề báo, có biết bao nỗi niềm tâm sự của một nhà báo nữ, chị đã chọn ra điều giản dị nhất nhưng không thể thiếu khi một phóng viên tác nghiệp. Nhà báo Thiên Hương – Báo Kon Tum tâm sự: Với một nhà báo, những vật dụng bất ly thân có thể nói còn quan trọng hơn bất kể một thứ gì tiền bạc, đó là cuốn sổ, thứ 2 là máy ảnh, thứ 3 là máy tính. Một lần mà quên cuốn sổ thôi, tôi có thể hốt hoảng chạy lại và rất may là người ta cũng cất giùm nữa. Tôi cảm thấy với phóng viên những cái đó còn quý hơn chính bản thân mình, đó là tư liệu, rồi tất cả nguồn cảm hứng đều nằm ở đó nên mình không thể xa rời và không thể thiếu được”.

Sự nghiêm túc, khả năng phân tích, tổng hợp, kết nối thông tin, tính tò mò, ham học hỏi và đam mê trong việc theo đuổi sự kiện, nguồn tin là những từ thường dùng khi nói đến nhà báo, những người làm báo. Chính thức nhận công tác trong vai trò phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Kon Tum từ tháng 5/2020, nhà báo Dư Toán có nhiều kỷ niệm đáng nhớ về khoảng thời gian tác nghiệp ở địa bàn này, đơn cử như việc đưa tin chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh diễn ra gần đây nhất trong tháng 4/2022. Nhà báo Dư Toán – Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Kon Tum cho hay: “Trong sự kiện này tôi được gặp, trò chuyện, phỏng vấn trực tiếp 2 Trung tướng anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Thước và Khuất Duy Tiến, được nghe các anh hùng lực lượng vũ trang kể về quá trình chiến đấu cũng như chúng ta đã đổ biết bao xương máu để dành được chiến thắng, độc lập tự do hôm nay. Đó là điều tôi không bao giờ quên được. Và để chuẩn bị cho sự kiện lớn như vậy, tôi đã đọc rất nhiều tài liệu liên quan để có thể nắm vững tất cả kiến thức, lối đánh của chúng ta trong Đăk Tô – Tân Cảnh và Điểm cao 1015, 1049, qua đó, đưa ra bài viết chất lượng, đầy đủ, đảm bảo thông tin chính xác vì đó là những dữ liệu lịch sử quan trọng, không chỉ thế hệ hôm nay mà còn cho cả thế hệ mai sau nữa.) 

Đối với người làm báo, nghề báo cho phép bản thân đến những vùng đất mới, làm quen, gặp gỡ với nhiều người, qua đó, có được những trải nghiệm phong phú về văn hóa, xã hội, góp phần bồi đắp thêm tâm hồn, vốn sống và đó chính là nguồn tư liệu quý giá phục vụ hiệu quả cho những trang viết, bài viết. “Tỉnh Kon Tum là tỉnh có tỷ lệ ĐBDTTS cao nhất khu vực Tây Nguyên, vì thế nên cũng rất khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Mỗi một phong tục, tập quán của mỗi người dân thì tôi cũng phải tìm hiểu lại từ đầu và để phục vụ cho việc này, tôi cũng đã cùng các anh em trong cơ quan học thêm tiếng Ba Nar để bổ sung kiến thức, qua đó, cũng góp phần giúp chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về phong tục, tập quán của bà con để có thể tác nghiệp một cách tốt hơn”, Nhà báo Dư Toán – Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Kon Tum cho biết thêm.

Trước mỗi sự kiện, để làm tốt công việc của mình, kinh nghiệm của các phóng viên là chuẩn bị thật kỹ càng về mọi mặt, từ tư liệu, trang thiết bị tác nghiệp đến tâm lý sẵn sàng theo đuổi thông tin, nguồn tin. Tùy vào tính chất của sự kiện, dưới sự chỉ đạo, định hướng từ cơ quan chủ quản, các phóng viên chủ động tác nghiệp theo từng góc nhìn, khía cạnh khác nhau của vấn đề. Nhà báo Thiên Hương – Báo Kon Tum nói: “Chúng tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm truyền tải đầy đủ thông tin đến cho độc giả một cách chính xác, trung thực và đảm bảo tính định hướng. Ngoài việc thực hiện đúng định hướng của ban biên tập, bản thân cũng lên ý tưởng, tìm hiểu kỹ những cái gì mình có thể đưa và đăng để đề xuất lên Phòng, Ban biên tập để tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn của thông tin”.

Sự chuyển đổi về công nghệ số đang tạo ra những thay đổi rõ rệt trong cách thức tiếp cận cũng như truyền tải thông điệp của thông tin. Chính điều này cũng đòi hỏi đội ngũ người làm báo không ngừng tư duy, bắt kịp với thời đại để tạo ra những sản phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống. Với người làm báo, sự nóng hổi, mới mẻ và tính thời sự của thông tin vừa là mục tiêu, vừa là động lực để mọi người tiến lên phía trước./.

Thu Trang – Công Luận

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *