(kontumtv.vn) – Trong quá trình phát triển, tỉnh Kon Tum tiếp nhận thêm một số dân tộc phía Bắc như Tày, Mường, Thái đến sinh sống, mang theo những nét văn hóa riêng, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Trong tín ngưỡng, văn hóa của dân tộc Thái, thổ cẩm truyền thống không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống, trong các nghi lễ dân gian mà còn mang hồn cốt văn hóa dân tộc. Những sản phẩm dệt thổ cẩm gắn bó với mỗi người từ lúc sinh ra, đến khi lập gia đình và lúc cuối đời.

Với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm trên mảnh đất biên giới huyện Ia H’Drai, bà Lương Thị Hoa ở thôn 8, xã Ia Đal đã đưa khung cửi từ quê Nghệ An vào để dệt và truyền dạy cho nhiều người dân tại địa phương. Sinh ra và lớn lên tại bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, ngay từ bé bà Lương Thị Hoa được mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm. Hằng ngày bà thường ngồi xem mẹ dệt, từ đó tình yêu thổ cẩm cũng lớn dần. Đến năm 10 tuổi bà Hoa đã tự dệt để may trang phục cho bản thân và các thành viên trong gia đình.

Khác với thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, thổ cẩm của dân tộc Thái luôn có màu xanh của cây cối, màu hồng, trắng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi, người phụ nữ lại khéo léo kết hợp các màu sắc với nhau để tạo ra những tấm thổ cẩm phù hợp. Nếu là cô gái Thái đang tuổi hẹn hò luôn chọn thổ cẩm gam màu sáng, thêu những hoa văn uốn lượn, bay bổng, cuốn hút. Còn với thế hệ các bà, các mẹ thường chọn gam màu trầm làm chủ đạo, đường nét rắn rỏi và có sự chiêm nghiệm về cuộc sống. Bà Hoa cho hay: “Những họa tiết như con hươu, con nai, hoa mặt trời… là họa tiết truyền thống của dân tộc Thái. Qua quá trình dệt bà phối hợp các loại chỉ màu để tạo hoa văn trang trí, ngoài ra còn sáng tạo những hoa văn khác.”

Nhờ tâm huyết của bà Hoa trong việc khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống, trong thôn nhiều bạn trẻ đến nhà tham gia học dệt. Từ việc học dệt, may và mặc đồ truyền thống, thế hệ trẻ càng thêm tự hào và quyết tâm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Em Kha Thị Ngân, học sinh Trường TH-THCS Hùng Vương bày tỏ: “Em học dệt thổ cẩm vì đây là nghề truyền thống của dân tộc mình, mới đầu học dệt rất khó, nhất là cách kết hợp màu để tạo hoa văn trang trí. Vào các dịp như: lễ như khai giảng, ngày đại đoàn kết…. em được mặc trang phục dân tộc của mình. Em rất thích và tự hào khi được mặc chúng. Em mong rằng trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho tổ chức lớp học dệt thổ cẩm để nhiều bạn trẻ biết đến hơn và lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình.”

Trang phục thổ cẩm truyền thống được bà con dùng chủ yếu trong ngày lễ, tết. Muốn phát triển nghề dệt theo hướng hàng hóa bà Hoa tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo mẫu, làm ra các sản phẩm có hoa văn, màu sắc độc đáo để có thể bán tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, việc phát triển nghề dệt trên quê hương thứ hai Ia H’Drai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bà Hoa cho biết trước đây, ông bà muốn dệt vải phải trồng bông, để có sợi kéo dệt thành quần áo, váy để mặc… Ngày nay, không trồng được bông nữa, phải ra chợ mua chỉ màu rất tốn kém. Vì vậy mà ít người học dệt.

Ngày nay, với sự đa dạng của các sản phẩm hàng hóa khác nhau, nhưng những sản phẩm được làm từ thổ cẩm với hoa văn truyền thống như khăn piêu, những chiếc đệm, những tấm rèm che… vẫn được dân tộc Thái ở xã Ia Đal giữ gìn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, đồng thời giúp lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bà Nguyễn Thị Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Đal cho biết: “Để gìn giữ, phát huy nghề dệt truyền thống trên địa bàn, UBND xã sẽ triển khai một số giải pháp như quy hoạch, xây dựng làng nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc; đa dạng hóa các nguồn vốn, phương thức huy động vốn và cho vay hỗ trợ vốn cho các hộ trong làng nghề; phối hợp với các ban ngành mở các lớp đào tạo nghề, trong đó trú trọng nghề dệt thổ cẩm. Hỗ trợ làng nghề thông qua cung ứng nguyên vật liệu, trang thiết bị máy móc, liên kết tiêu thụ sản phẩm của làng nghề; cùng với đó tuyên truyền đến người dân việc mặc trang phục truyền thống của mình trong các hoạt động lễ hội, Tết, đó cũng là cách lan tỏa sản phẩm dệt thổ cẩm đến với cộng đồng.”

Nghề dệt trên địa bàn huyện Ia H’Drai là một nghề hoàn toàn mới và có tiềm năng. Với những tâm huyết của bà Lương Thị Hoa và chính quyền địa phương, hy vọng trong thời gian tới, thổ cẩm của dân tộc Thái sẽ được phát triển, trở thành một sản phẩm du lịch của địa phương./.

CTV Thu Hằng – Văn Hưởng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *