(kontumtv.vn) – Hai khó khăn lớn nhất của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khi triển khai chương trình  GDPT năm 2018 là về cơ sở vật chất và nhân lực. Năm học 2022 – 2023 sắp tới, triển khai CT mới ở lớp 10,tỉnh Kon Tum có nguy cơ thiếu giáo viên dạy các môn tự chọn Âm nhạc, Mĩ thuật thuộc nhóm Công nghệ -Nghệ thuật.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện Đăk Tô có 2 cấp học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông (THCS, THPT). Theo đó, trường có sẵn giáo viên và một số thiết bị của môn Âm nhạc và Mỹ thuật từ cấp THCS nên đã triển khai 2 môn này theo chương trình mới ở lớp 10. Năm học tới, trường xây dựng 4 tổ hợp môn cho học sinh lớp 10. Trong đó, 3 tổ hợp có môn Nghệ thuật. Cô giáo Vũ Thị Hồng Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cũng có vấn đề đặt ra cho trường là giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS phải tăng tiết và đáp ứng quy định tiêu chuẩn giáo viên THPT. “Khi triển chương trình này cũng có những phần bộ môn mới như là mĩ thuật âm nhạc thì đội ngũ nhà trường, giáo viên cũng đã đầy đủ, giáo viên đã được tập huấn chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, các mô đun của Sở GD&ĐT, riêng về phía nhà trường trên định hướng của Sở GD&ĐT thời gian tới, các giáo viên này sẽ được bồi dưỡng các chứng chỉ nghiệp vụ chương trình giáo dục phổ thông”,cô Minh cho biết.

Tỉnh Kon Tum hiện có 26 trường THPT với 17 trường THPT và 9 trường THPT có cấp THCS. Thời gian qua, chương trình bậc THPT không dạy môn Nghệ thuật là Âm nhạc và Mỹ thuật nên không biên chế giáo viên. Theo chương trình lớp 10 mới, ví dụ bố trí tối thiểu 1 giáo viên cho mỗi môn này thì toàn tỉnh cần 52 giáo viên.Tại Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Ngọc hiện có 74 giáo viên của 13 bộ môn theo chương trình cũ, đủ định mức hơn 2 giáo viên/lớp. Dựa trên nguồn nhân lực và các điều kiện khác trường xây dựng phương án tuyển sinh. Các tổ hợp môn lớp 10 năm học tới chủ yếu thuộc nhóm khoa học tự nhiên. Khoa học xã hội, riêng nhóm Công nghệ – Nghệ thuật chỉ triển khai môn Công nghệ, Tin học. “Thực hiện việc việc lựa chọn xây dựng tổ hợp môn đối với chương trình lớp 10 năm 2018 thì trường cơ bản thuận lợi tuy nhiên có một cái khó khăn là hiện nay nhà trường chưa có giáo viên dạy môn mỹ thuật và âm nhạc cho nên là nếu học sinh có lựa chọn môn học này thì nhà trường có khó khăn”, thầy giáo Nguyễn Đức Cảnh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nếu học sinh đăng ký nguyện vọng học môn Âm nhạc, Mỹ thuật, trường chưa thể đáp ứng.

Âm nhạc và Mỹ Thuật là 2 môn mới trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 10 và thuộc nhóm môn học sinh được lựa chọn theo sở thích, định hướng nghề nghiệp tương lai. Do đó, vì mục tiêu giáo dục, giúp học sinh phát triển năng khiếu, việc dạy Âm nhạc và Mỹ thuật trong nhà trường thật sự rất cần thiết. Hiện nay, với biện pháp phát huy đội ngũ giáo viên hiện có dạy liên cấp mới có khoảng 1/3 đơn vị có thể đáp ứng.Để triển khai dạy liên trường, thỉnh giảng và hợp đồng giáo viên cho môn Nghệ thuật hiện các trường gặp nhiều khó khăn. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Duyệt, Hiệu trưởng Trường THPT Kon Tum cho biết: “Những người trên địa bàn thành phố Kon Tum những người đi dạy mỹ thuật, âm nhạc khó quá cho nên trường tạm gác năm học này không tuyển sinh 2 môn này. Trước mắt nhà trường đang đi tìm hiểu giáo viên trong tỉnh, ngoài tỉnh về chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trên tinh thần chuẩn bị một chiến lược lâu dài

Thầy giáo Nguyễn Đức Cảnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Ngọc Hồi thì cho rằng: “Hướng giải quyết là hợp đồng giáo viên THCS trên địa bàn để dạy cho học sinh, về vấn đề này sở cũng đã có văn bản hướng dẫn nhưng để thực hiện cũng tương đối khó. Vì khó để tìm được giáo viên đủ điều kiện để dạy 2 môn học này ở cấp THPT và cơ chế hợp đồng giáo viên kinh phí cũng có hạn chế”.

Thực trạng thiếu giáo viên dạy môn tự chọn Âm nhạc, Mĩ thuật ở thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 10 cho thấy, ngành GD&ĐT chưa thật sự chủ động trong xây dựng đội ngũ giáo viên ở những bộ môn mới./.

Cát Tiên – Văn Hiển

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *