(kontumtv.vn) –  Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cùng với làm tốt công tác phòng, chống dịch, tỉnh Kon Tum đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giải ngân gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Hiện 03 nhóm đối tượng gồm người lao động bị ngừng việc, bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương đã tiếp cận và được nhận hỗ trợ theo quy định.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đến hết 05/9/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí trên 1,2 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 330 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, 04 lao động mang thai và 121 trẻ em, mỗi đối tượng được hỗ trợ thêm 01 triệu đồng. Đây đều là những lao động bị ngừng việc, bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Trường hợp chị Võ Đặng Thị Hồng Luận ở tổ dân phố 05, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum là một ví dụ. Sau khi tạm hoãn hợp đồng lao động với vị trí giáo viên mầm non của Trường Mầm non Mickey, chị nhanh chóng được nhà trường hướng dẫn hoàn tất thủ tục, hồ sơ gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Kon Tum để nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Số tiền chị Luận nhận được là 4,7 triệu đồng, trong đó, có 01 triệu đồng hỗ trợ thêm vì chị đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Chị Luận cho biết, dịch bệnh khiến cả 02 vợ chồng đều không có việc làm, vừa nuôi con nhỏ, lại ở nhà thuê, gia đình gặp không ít khó khăn. Khoản tiền hỗ trợ của Chính phủ đã giúp giải quyết phần nào những khó khăn của gia đình chị. Chị Luận chia sẻ: “Nghỉ ở nhà thì giáo viên không có lương và thật sự rất là khó khăn. Khi mà nghe kế toán nói Chính phủ hỗ trợ thật sự rất vui. Vì nói vậy chứ 3 triệu mấy nó rất to lớn lúc này. Từ lúc mà kế toán gọi điện thông báo đến lúc được nhận là khoảng 2 tuần, thực sự cũng không lâu. Lúc nhận được rất là vui, giải quyết được rất nhiều mối lo trong cuộc sống. Thấy hạnh phúc vì cảm thấy nhà nước quan tâm đến cả người lao động và con của người lao động.”

Không chỉ có ý nghĩa đối với người lao động đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, gói hỗ trợ của Chính phủ còn giúp giảm bớt phần nào gánh nặng về kinh tế cho các doanh nghiệp trong bối cảnh vừa phải duy trì hoạt động, vừa tìm cách phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch. Anh Phạm Thân, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục An Lành ở thành phố Kon Tum cho biết, đơn vị hiện có 19 lao động đã nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ với tổng số tiền trên 70 triệu đồng. Công ty đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho 11 lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ trong đợt 02. Anh Phạm Thân cho biết thêm: “Được Chính phủ hỗ trợ như thế và được địa phương hỗ trợ hết mình về các thủ tục, riêng doanh nghiệp cảm thấy rất mừng. Vì người doanh nghiệp họ rất quan trọng lực lượng lao động mà doanh nghiệp không tìm được việc làm cho người lao động tại thời điểm thì xem như là người lao động đó rất khó khăn trong tháng dịch như thế này. Mà Chính phủ đã đưa ra một Nghị quyết hỗ trợ cho người lao động thì cũng xem như hỗ trợ được cho doanh nghiệp. Trước mắt là đỡ được phần nào để doanh nghiệp bước tiếp sau những ngày hết dịch.”

Triển khai đồng bộ và kịp thời Nghị quyết 68 của Chính phủ, UBND tỉnh đã phân công từng sở, ngành, địa phương phụ trách các nhóm chính sách, nhóm đối tượng theo chức năng, nhiệm vụ liên quan.

Được giao thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ cho nhóm đối tượng người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, ngay từ giữa tháng 7, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh đã tiến hành rà soát danh sách người lao động, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện thẩm định, hoàn tất thủ tục, hồ sơ theo quy định, không để xảy ra tình trạng chậm giải ngân, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Hiện 45 lao động thuộc nhóm chính sách này đã nhận hỗ trợ với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Trong đó, 27 lao động có con nhỏ dưới 6 tuổi và 01 lao động mang thai, mỗi đối tượng được hỗ trợ thêm 01 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh cho hay: “Trung tâm đã chỉ đạo anh em hỗ trợ nhiệt tình, thực hiện nhanh chóng, phối hợp với các ngành rà soát đối tượng. Đối với những văn bản còn khó khăn, vướng mắc thì kịp thời trao đổi, chia sẻ thông tin, không đợi văn bản hoặc làm văn bản chờ đợi mất thời gian. Còn với những thủ tục chưa có ví dụ như xác nhận phụ nữ mang thai chẳng hạn. Thì trước đây, cơ sở y tế chưa xác định vấn đề này, như thế thì cũng khó khăn trong khâu xác lập hồ sơ. Anh em cũng trao đổi, thảo luận, làm cái văn bản sẵn cho người lao động chỉ cần điền tên rồi lãnh đạo Sở làm việc với ngành Y tế đề nghị các Trạm y tế xác nhận cho người lao động.”

Hiện tại, 875 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh đã phê duyệt hồ sơ hỗ trợ với kinh phí gần 4,9 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 874 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền hơn 4,8 tỷ đồng và hỗ trợ 01 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc cho 07 lao động, số tiền trên 21 triệu đồng. Như vậy, tổng kinh phí UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ tính đến hiện tại là trên 6 tỷ đồng./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *