(kontumtv.vn) – Đã 46 năm trôi qua nhưng cứ đến dịp 30/4, những kỷ niệm về thời khắc lịch sử miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước lại trào dâng trong kí ức của các cựu chiến binh thành phố Kon Tum. Họ là những người đã tham gia vào chiến dịch mùa xuân năm 1975; đã sống, chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Từng trực tiếp tham gia trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ông Hà Huy Liễu (tổ dân phố 2, phường Trường Trinh, thành phố Kon Tum) luôn cảm thấy tự hào về điều này. Với vai trò là bộ đội thông tin đơn vị C18,  B28, thuộc Trung đoàn 28, ông và đồng đội chịu trách nhiệm đảm bảo thông tin đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Ông cho biết, được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc chiến thắng vào lúc 11h30 phút ngày 30/4 của 46 năm về trước là một niềm may mắn, hạnh phúc và cũng vô cùng đau xót cho những đồng đội đã ngã xuống ngay trước giây phút chiến thắng. Ông Hà Huy Liễu nói: “Trung đoàn tôi có nhiều cán bộ chiến sĩ hy sinh, trung đoàn tôi có 3 xe tăng đánh cháy khu vực này và đến ngay ngã tư Bảy Hiền thì đại đội tôi có hai đồng chí hy sinh trưa ngày 29/ 4. Đến 10h 30 ngày 30/4 chúng tôi nhận được tin trung đoàn tôi, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 28 cùng với xe tăng đã đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn bộ Bộ Tổng tham mưu Ngụy”.

Đối với Đại tá Võ Mạnh Thắng, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân đoàn 3, từng tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường như chiến trường Lào, chiến dịch Tây Nguyên, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì ông không còn gì nuối tiếc trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tá Võ Mạnh Thắng là lính bộ binh thuộc đơn vị 316, Quân đoàn 3, trực tiếp đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 29/4/1975 và giải phóng cửa ngõ Sài Gòn. Giờ đây, khi nhớ về giây phút Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, cảm xúc trong Đại tá Võ Mạnh Thắng như chỉ mới ngày hôm qua: “Anh em chúng tôi sau khi giải phóng Sài Gòn, sân bay Tây Sơn Nhất tiến vào Dinh độc lập, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì đây là một niềm tin khát vọng và cảm xúc vỡ òa của người lính lúc đó và miền Nam chúng ta thống nhất rồi, non sông thu về một dải và từ đó tiếp tục sự nghiệp để bảo vệ tổ quốc”.

Dù không trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhưng trong lòng cựu chiến binh Trần Viết Truy (tổ dân phố 9, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum), ngày chiến thắng 30/4 mãi là một ngày đặc biệt. Ông từng thuộc lực lượng thông tin vô tuyến của Bộ tư lệnh Quân Khu 5, phục vụ chiến dịch Tây Nguyên vào tháng 3 năm 1975. Lúc đó, nhiệm vụ của lực lượng thông tin vô tuyến là đảm bảo thông tin liên lạc và tạo tin giả để lừa địch. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã mở ra thời cơ để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn tiến đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Ông Trần Viết Truy cho biết, niềm vui khi nhận được tin báo Sài Gòn đã giải phóng không có gì so sánh được: “Giải phóng Sài Gòn 30/4, khi được cái tin đó là cả đơn vị tôi rơi lệ khóc, người ta khóc sung sướng, khóc vì sống còn như vậy chiến dịch này kết thúc, mình còn rồi được về với gia đình, đây là cái chỗ sung sướng, phấn khởi, thắng lợi của Đảng của dân tộc như vậy là tự hào”.

Chiến thắng 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc – Nam thống nhất. Nhờ bao thế hệ cha anh đã cống hiến công sức, hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc mà lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình. Đây sẽ là động lực để thế hệ trẻ vươn lên xây dựng đất nước. Anh Trịnh Văn Hà, Phó Bí thư Đoàn phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum cho biết: “Bản thân tôi, thế hệ trẻ được sinh ra sau chiến tranh, có được nền độc lập, hòa bình như ngày hôm nay cũng rất là biết ơn các cô chú, anh chị, các bậc cha anh đã hy sinh giành độc lập tự của Tổ quốc. Thế hệ trẻ chúng tôi luôn quyết tâm học tập trau dồi kiến thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, luôn sẵn sàng tiếp bước các bậc cha anh để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc”.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc, Việt Nam đã có nhiều đổi mới và đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội. Cuộc sống hòa bình, dù rất phấn khởi khi được thấy sự phát triển của đất nước nhưng các cựu binh vẫn đau đáu nhớ về đồng đội đã hy sinh đến nay chưa tìm thấy hài cốt. Cựu chiến binh Trần Viết Truy ở tổ dân phố 9, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum bày tỏ: :Bản thân tôi sau khi giải phóng thấy từng bước phát huy của Đảng, nhưng tâm tư của bọn tôi là muốn làm thế nào Đảng nghiên cứu, phát triển khoa học kĩ thuật để tìm kiếm cho được các hài cốt liệt sĩ và đặc biệt là danh tính của những người đã hy sinh trong chiến tranh thì lúc đó mới thấy thoải mái, mãn nguyện”.

46 năm trôi qua, dẫu tuổi có già, sức có yếu, nhưng những tháng ngày cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự cho cho dân tộc vẫn mãi đậm ghi trong lòng những cựu binh tại Kon Tum. Những kí ức về thời chiến sẽ góp phần giáo dục cho các thế hệ sau hiểu được sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, biết nhìn lại lịch sử để trân trọng giá trị của hòa bình ngày nay.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *