(kontumtv.vn) – Cho rằng cha mẹ đánh đập để giáo dục con cái là tâm lý chung của nhiều người khiến các vụ việc nghiêm trọng không được phát hiện.
Thời gian gần đây, các vụ bạo hành trẻ em có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Điển hình là vụ người cha ở tỉnh Bắc Ninh dùng điếu cày đánh con trai 8 tuổi tử vong. Bạo lực xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra ngoài cộng đồng, trong nhà trường, mà ở ngay trong gia đình, nơi đáng ra phải là chốn an toàn nhất với trẻ.
Bé Đỗ Doãn Lộc ở Bắc Ninh – Nạn nhân của một vụ bạo hành trẻ em – khi được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức(Ảnh: Người lao động)

Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2012, cả nước xảy ra 1.509 vụ bạo hành trẻ em, có 1.682 đối tượng vi phạm và 1.682 trẻ em bị xâm hại; Năm 2013, cả nước xảy ra 1.771 vụ , tăng 262 vụ, có 2.662 đối tượng vi phạm, số trẻ bị xâm hại là 1.824. Tuy nhiên, số liệu trên đây chỉ phản ánh những vụ đặc biệt nghiêm trọng.

Những con số đau lòng trên đây khiến xã hội không khỏi bức xúc bởi trẻ em là đối tượng còn non nớt cần được xã hội bảo vệ, trong khi đó số vụ bạo hành trẻ em có xu hướng ngày càng tăng. Bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng số liệu trên chưa phản ánh đầy đủ vì ở những khu vực xa xôi hẻo lánh có những vụ do chính người thân của các em gây ra, cơ quan chức năng không biết và cũng không được thông báo. Con số thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều”.

Đánh con là việc riêng của mỗi gia đình

Nói về nguyên nhân khiến nạn bạo hành trẻ em ngày càng tăng, ông Đỗ Anh Tuấn – Phó trưởng Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em – Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội) cho rằng, dù với bất cứ lý do gì hành vi hành hạ, đánh đập trẻ em là không thể chấp nhận trong xã hội hiện nay. Bạo hành trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Trong rất nhiều lý do có nguyên nhân từ việc bố mẹ bươn chải kiếm sống, chịu áp lực ngoài xã hội về nhà trút giận vào những đứa trẻ. Không ít số vụ do bố mẹ nghiện ngập, say xỉn vô cớ đánh đập con em mình; hay nhiều ông bố bà mẹ coi việc đánh đập con cái là một biện pháp giáo dục. Đặc biệt, tâm lý này đã ăn sâu vào cách nghĩ của nhiều người, kể cả những người đại diện ở tổ dân phố, chính quyền, đoàn thể, xóm làng. Do đó, nhiều khi biết nhưng không ai can thiệp, chỉ những trường hợp vi phạm thân thể dẫn đến thương tích mới được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Bà Hồng cũng cho rằng trong xã hội Việt Nam, suy nghĩ việc dạy dỗ con cái là việc của gia đình người ta; ngay cả việc vợ chồng bất hòa, chồng đánh vợ cũng bị coi là chuyện nội bộ gia đình, không cần sự can thiệp từ bên ngoài. Tuy nhiên, suy nghĩ đó theo bà Hồng chỉ đúng trong một số trường hợp như cha mẹ nghiêm khắc để giáo dục con cái, cha mẹ có thể to tiếng nhưng không đánh con. Còn với những trường hợp như vụ cháu bé 8 tuổi ở Bắc Ninh, bố cháu bé có nhân thân không tốt, từng vào tù…, cộng đồng cần phải quan tâm đặc biệt bảo vệ cháu bé khi phát hiện có sự xô xát, có tiếng khóc của trẻ. Trẻ em đa phần còn dại, các bé trai lại rất hiếu động, thường hay nghịch, chơi theo ý thích của mình, không vừa lòng người lớn, người thân trong gia đình. Áp lực ngoài xã hội cùng với sự cáu giận trước sự ương bướng, nghịch ngợm của đứa trẻ tạo thành áp lực cộng dồn khiến cha mẹ không kìm được nóng giận mà trút lên con cái.

Xử lý nghiêm người đứng đầu địa phương để xảy ra bạo hành trẻ em

Pháp luật Việt Nam quy định trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em là của Nhà nước, gia đình và xã hội. Xã hội ở đây chính là cộng đồng dân cư cũng như hàng xóm láng giềng khi phát hiện vụ việc phải có trách nhiệm thông báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thực tế từ các vụ việc đáng tiếc xảy ra thời gian qua đều không được phát hiện kịp thời; cộng đồng dân cư thờ ơ; đến khi vụ việc xảy ra bắt đầu đùn đẩy trách nhiệm.

Bà Hồng cho rằng, chính quyền và cộng đồng làm chưa tốt, công tác tuyên truyền việc bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của mọi người, nếu bố mẹ lại xâm hại con cái thì hàng xóm, chính quyền địa phương phải lên tiếng. Còn theo ông Tuấn, sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng chưa nhịp nhàng với nhau. Chính vì thế khi có vụ việc xảy ra không biết báo cáo cho đơn vị nào. Chính vì vậy mới có sự đùn đẩy trách nhiệm.

Pháp luật cũng quy định địa phương nào để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có người đứng đầu nào chịu trách nhiệm và bị xử lý dù có những vụ nghiêm trọng dẫn tới tử vong như vụ ở Bắc Ninh mới đây. Liệu có sự né tránh trách nhiệm, thờ ơ của các cấp chính quyền hay không?.

Ông Tuấn kiến nghị, tới đây khi sửa đổi Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, cơ quan chức năng cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cấp chính quyền, của người đứng đầu thì khi vụ việc xảy ra mới dễ quy trách nhiệm. Bên cạnh đó, Luật cũng phải quy định rõ công dân khi phát hiện vụ bạo hành, xâm hại trẻ em phải có trách nhiệm thông báo cho cơ quan chức năng. Nếu không thông báo cho cơ quan chức năng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.

Thanh Hà/VOV online (ghi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *