(kontumtv.vn) – Những năm gần đây, xuất phát từ nhận thức và nghị lực, nhiều hộ người DTTS trên địa bàn huyện Đăk Hà đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy công tác giảm nghèo của địa phương được triển khai hiệu quả, xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thể hiện ý chí quyết tâm vươn lên trong cuộc sống của hộ nghèo.

Sau nhiều năm nằm trong diện hộ nghèo, anh A Bình, dân tộc Xê Đăng ở thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi làm đơn xin thoát khỏi diện hộ nghèo. Anh cho biết, trước đây, do thiếu vốn sản xuất, gia đình đã xoay xở nhiều công việc nhưng chưa tìm được hướng đi có hiệu quả. Năm 2019, từ nguồn quỹ sinh kế của thôn, anh được vay tiền để đầu tư cải tạo lại khu vườn, làm chuồng trại chăn nuôi heo sọc dưa và nuôi bò. Có nguồn thu nhập ổn định, anh xin thoát nghèo và xem đây là nguồn động lực để gia đình cố gắng hơn. Anh A Bình chia sẻ: “Bình thường làm nông thôi nhưng thôn vận động mình vay nguồn sinh kế từ rừng thì mình vay để chăn nuôi. Sau này thấy cũng được thì mình cũng làm cái đơn. Thấy mình đỡ hơn người khác thì mình xin thoát nghèo chứ cứ ở hộ nghèo thì nghèo mãi, có khi thoát nghèo mình sẽ suy nghĩ khác đi. Nhiều người nói mình vậy nên mình cố gắng.”

Đứng trước thực tế khi xin thoát khỏi hộ nghèo, đồng nghĩa với việc gia đình sẽ không được nhận các khoản hỗ trợ cho hộ nghèo như trước đây. Bên cạnh đó, việc đi học của các em học sinh cũng bị ảnh hưởng khi không còn được miễn giảm các khoản chi phí về học tập, phí bảo hiểm y tế… nhưng với gia đình anh A Bình và nhiều hộ dân khác trong thôn, đây lại chính là động lực để các gia đình quyết tâm xóa cảnh đói nghèo đã đeo bám nhiều năm. Anh A Bình bày tỏ: “Bây giờ ra khỏi hộ nghèo thì con cái đi học phải đóng tiền 100% hết, nhưng mình nói với vợ rồi, quan trọng là con cái học được không, nếu được thì mình cố gắng làm lụng rồi nộp tiền cho con để nó ra học ngoài kia đỡ ngại. Vì thoát nghèo là thoát nghèo phải bền vững nên khi xã với thôn rà soát thì mình mạnh dạn thoát nghèo luôn, để cho các hộ khác họ nhìn theo, học theo.”

Với trên 92% hộ dân là người DTTS, đến cuối năm 2021, xã Đăk Pxi có tổng số 514 hộ nghèo, chiếm gần 60% tổng số hộ toàn xã. Xác định muốn thoát nghèo, bên cạnh ý thức, động lực của người dân, xã đã chủ động lồng ghép nhiều nguồn lực, tạo cơ chế, xây dựng các mô hình hiệu quả để bà con phát huy tiềm năng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng. Ông U Lý – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết hiệu quả nhất là phát triển mô hình nuôi heo, nuôi bò, nuôi dê, thậm chí có nhiều hộ đã xây dựng được các trang trại chăn nuôi tại rẫy. Nhờ đó, đến cuối năm 2022,  xã có 222 hộ thoát nghèo, giảm trên 43% tổng số hộ nghèo so với đầu năm.

Tại thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi, trên thực tế những gia đình viết đơn xin thoát nghèo không hẳn vì đã khá giả, mà quan trọng hơn, đó là bước ngoặt rất lớn trong sự thay đổi về nhận thức tự vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Hơn thế, còn xuất phát từ sự đồng cảm, mong muốn chia sẻ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến đúng đối tượng, đến những hộ dân thực sự có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Ông Nguyễn Hữu Sơn – Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Đăk Rơ Wang cho hay: “Nhận thức của bà con khi họ đã có sự thay đổi giữa việc thuộc diện hộ nghèo hay không nghèo nó khác nhau như thế nào thì họ có thêm động lực để vươn lên. Đặc biệt là các hộ còn trẻ. Như thôn của tôi thì có nhiều hộ từ việc vay quỹ sinh kế ban đầu có 10 triệu thôi, nhưng sau này họ phấn đấu và làm hiệu quả thì có hộ đã có thu nhập hai ba trăm triệu đồng mỗi năm. Rồi người ta nhìn nhận và học hỏi nhau, từ đó mà nỗ lực để vươn lên và làm đơn xin thoát nghèo.”

Việc viết đơn xin thoát nghèo, không phải là chuyện xa lạ ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, đối với người DTTS tại các xã còn khó khăn, lại là tín hiệu đáng mừng đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy, nhận thức của người dân. Khi người dân chủ động xin thoát nghèo, có nghĩa đã có lòng tin và đặt ra mục tiêu phấn đấu để cuộc sống khá hơn, ổn định hơn. Điều này còn thể hiện việc triển khai các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo của các địa phương đã đi vào thực tiễn./.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *