(kontumtv.vn) – Nặng lòng với cồng chiêng và văn hóa truyền thống, không ít nghệ nhân tuổi dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng vẫn hết mình bảo tồn, gìn giữ hồn cốt dân tộc để tiếng chiêng, tiếng cồng Tây Nguyên được ngân vang mãi.

Trong số 15 nghệ nhân dân gian của tỉnh Kon Tum vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, người lớn nhất đã trên 80, nhỏ thì hơn 60 tuổi. Tuổi tác tuy có khác nhau nhưng với những nghệ nhân này, tình yêu và niềm đam mê với văn hóa truyền thống luôn cháy bỏng. Nghệ nhân A Luông, người Giẻ –  Triêng ở làng Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Đăk Glei là một điển hình. Ở tuổi 82, ông vẫn cần mẫn truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Bản thân ông cũng tích cực tham gia biểu diễn, dự các hội thi, liên hoan nhằm quảng bá, giới thiệu nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình đến bạn bè trong và ngoài tỉnh. Nghệ nhân A Luông chia sẻ: “Ở trên làng tôi dạy đứa nhỏ, đứa trẻ này, 16 – 17 tuổi là dạy cồng chiêng hết cho mấy đứa trẻ. Cả người già tôi cũng dạy hết. Lần đầu tiên thi đây nè, trước giờ có thi lần nào đâu. Bây giờ lần đầu tiên mới thi, coi như rủ anh em bà con, con cháu đi đây rất là đông, ba mươi mấy người đấy. Tôi thấy tôi thoải mái quá đi khi mà thành công, mình đánh chiêng được rồi, xong nhiệm vụ mình rồi thì thoải mái rồi.”

Có câu nói, ở Tây Nguyên, đời người dài theo tiếng chiêng, điều này hoàn toàn đúng với nghệ nhân A Pưh ở làng Kon Hra Chót, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum. 7 tuổi đã đánh chiêng, giờ 75 tuổi, già A Pưh vẫn say mê tiếng chiêng cồng. Gần đất xa trời, chỉ lo không có người kế tục nên 4 năm trở lại đây, già A Pưh dành phần lớn thời gian truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ. Và hễ thôn, làng có việc cần đến chiêng, già tham gia ngay không do dự. Với bà con làng Kon Hra Chót, già A Pưh như cây Kơ Nia vững chãi luôn tỏa bóng mát bên giọt nước trong làng. Nghệ nhân A Pưh cho biết: “Tôi tối nào cũng tập trung anh em bà con, thanh niên để học hỏi cồng chiêng. Ông già còn khỏe như bây giờ thì dạy để sau này con cháu học hỏi, để giỏi như ông già. Không phải thầy nhưng dạy lại cho mấy đứa sau nữa.”

Gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gần đây nhất, tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thi cồng chiêng – xoang các dân tộc thiểu số năm 2022. Tại Hội thi, 4 trong 6 thành viên Hội đồng giám khảo là các nghệ nhân dân gian ưu tú của tỉnh. Không chỉ có hàng chục năm đóng góp cho công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, những nghệ nhân này đã và đang nắm giữ tinh hoa nghệ thuật truyền thống. Như nghệ nhân ưu tú A Biu, người có thể dành hàng giờ đồng hồ nói về cái hay, cái đẹp của cồng chiêng mà không biết mệt, biết chán. Chính ông đưa ra quan điểm đánh chiêng kỹ thuật thôi chưa đủ, chiêng đánh phải từng âm, từng nốt bén được vào lỗ tai, làm thông suốt cái đầu và khiến trái tim rạo rực, đấy là hồn chiêng. Nghệ nhân ưu tú A Biu nhấn mạnh: “Cái hồn chiêng ở đây chỉ có ngũ âm thôi. Thí dụ đánh một cái chiêng ở đây gọi là tiết 8. Tiếng chiêng của Ba Na rất dịu dàng. Ví dụ pép – pép – pép – bùm – pép – pép – bùm, nó rất dịu dàng, còn Xê Đăng phải mạnh mẽ, Gia Rai thì dứt khoát.”

Cùng chung nỗi trăn trở về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, các nghệ nhân tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn và địa phương mở lớp truyền dạy văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ với mong muốn bản sắc dân tộc không mai một dần. Cũng chính những nghệ nhân này đang chạy đua với thời gian và tuổi tác để sớm đưa nghệ thuật truyền thống của Tây Nguyên đến gần hơn với công chúng./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *