(kontumtv.vn) – Vở chèo  “Ngọc Hân công chúa” của tác giả Lưu Quang Vũ đã gợi lên  biết bao suy ngẫm trong những ngày tháng mùa thu độc lập của nước nhà hôm nay.

LTS:Nhân kỉ niệm 28 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ (29/08/1988), bài viết tưởng nhớ đến ông qua vở kịch “Ngọc Hân công chúa”. Những vở diễn khai thác đề tài lịch sử đó của Lưu Quang Vũ ra đời trong thời điểm cả nước đang quán triệt tinh thần đổi mới từ Đại hội Đảng lần thứ 6, với những bài học và thông điệp vẫn giá trị cho đến ngày nay.

Vở chèo “Ngọc Hân Công Chúa” đã chuyển tải nhiều ưu tư, trăn trở của nhà viết kịch tài ba họ Lưu với đất nước.

Vở chèo nói về mối tình đẹp giữa công chúa Ngọc Hân và vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đã không được trọn vẹn khi Nguyễn Huệ ra đi từ năm 40 tuổi, để lại sự dang dở trong công cuộc xây dựng cải cách đất nước, và để lại sự thương tiếc của nhân dân về một tình yêu giai nhân anh hùng: “Hai người thương nước, hai người yêu nhau. Nghe câu hát cứ xôn xao nỗi niềm”….

Vở chèo khắc hoạ thời điểm Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc đánh Thăng Long với danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh”.  Chúa Trịnh đã chạy trốn khỏi thành Thăng Long nhưng bị dân bắt và đem nộp Tây Sơn. Sau đó, Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long yết kiến Vua Lê Hiển Tông và Vua Lê Hiển Tông đã gả công chúa Lê Ngọc Hân cho vị anh hùng áo vải.

Ngọc Hân công chúa lúc bấy giờ nổi tiếng là học vấn tài năng nên khi bị ép duyên với Nguyễn Huệ- người mà ban đầu nàng cho là “Chỉ biết cầm gươm” đã không đành lòng. Nhưng tình yêu của họ đã được ươm mầm thăng hoa bằng sự đồng cảm chí lớn và đặc biệt cùng chung tư tưởng “Trân trọng hiền tài”.  Trong vở kịch có đoạn, Ngọc Hân nói với chồng rằng muốn biết phẩm cách của một vị tướng, một ông Vua hay của cả một thời người ta nhìn vào việc thời ấy, triều Vua ấy đối xử với kẻ sĩ, người hiền tài ra sao?!

Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, chèo, Ngọc hân công chúa, Nguyễn Huệ
Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh Ảnh tư liệu

Tác phẩm của Lưu Quang Vũ đã nêu bật được một trong những dấu ấn trong công cuộc cải cách xây dựng đất nước của Nguyễn Huệ là trọng dụng nhân sĩ. Ông biết rằng sau khi dẹp yên nước nhà, thống nhất giang sơn đã đến lúc không phải cầm gươm giỏi nữa mà là lúc  xây dựng giang sơn và đổi thay xã tắc.

Trong vở chèo, Nguyễn Huệ đã nhờ vợ mình đi tìm lại những bậc danh sĩ, tinh hoa của đất nước để về cùng ngài chung tay gây dựng lại giang sơn. Ngọc Hân đã hỏi chồng: “Nếu có những bậc tài sĩ giỏi hơn, hiểu biết hơn lệnh phu thì ngài có dám dùng không?”, Nguyễn Huệ đã không ngần ngại nói “chỉ có những kẻ bất tài vô hạnh mới sợ kẻ có tài, ta muốn có những người thông tuệ hơn ta miễn họ biết cùng ta vì nghĩa lớn”.

Cảm kích trước câu nói đó của Nguyễn Huệ, Ngọc Hân đã ra đi để tìm hiền tài. Đất nước bấy giờ loạn lạc rối ren, kẻ sĩ chưa có đất để vẫy vùng nên những người như Tiến sĩ Phan Huy Ích thì lưu về quê ở Sơn Tây, Ngô Thì Nhậm thì ẩn mình vùng nào không biết…

Và may mắn thay, trong hành trình rong ruổi đi tìm nàng cũng gặp được Ngô Thì Nhậm và một số hiền sĩ, sau này dần dần Nguyễn Huệ triệu tập được đông đảo lực lượng tài trí theo mình. Ông đã thuyết phục Ngô Thì Nhậm, khi đó đang trong tâm trạng bế tắc, rằng đây là lúc không thể ngồi chờ thời được nữa. Là lúc góp sức góp tài để đổi thay thời thế. “Đi với tôi, các thầy sẽ có lực thực hiện ý định của mình”, Vua Quang Trung đã thuyết phục như vậy.

Hình như, thời nào thì với các bậc danh sĩ luôn mang trong mình lòng tự trọng và trăn trở với những vấn đề lớn lao của đất nước. Ngô Thì Nhậm bộc bạch thêm: “Liệu chúng tôi có còn được là mình nữa không? Có được nói những điều mình nghĩ, có được nghĩ những điều mình tin hay phải uốn cong ngòi bút, bẻ cong lương tri?”

Lại một lần nữa Nguyễn Huệ đã thể hiện được tầm nhìn chính trị, một lãnh tụ lỗi lạc bên cạnh tài lãnh đạo quân sự của mình: “Lương tri kẻ sĩ là ánh sáng của nước non, không có văn hiến, không có người tài và không có lời nói thật thì xã tắc ắt suy vong. Tôi cần lưong tri của các thầy, Huệ tôi có thanh gươm, các thầy có ngòi bút, làm sao cho đất nước thanh bình, dân hết lầm than”.

Lúc bấy giờ Nguyễn Nhạc cho rằng việc quy tụ kẻ sĩ của Nguyễn Huệ là có ý đồ, nhưng ông đã giải thích trong việc dùng người, xếp đặt cất nhắc người nếu vì lợi riêng mới phải kéo vây kéo cánh, còn nếu vì nghĩa cả nước dân thì phải cần người có đức có tài. Việc tụ họp những người tài trí không phải là kết bè kéo cánh.

Chính sử còn ghi lại, ngự trị ngai vàng chỉ trong thời gian ngắn nhưng ông đã làm được nhiều việc lớn như đại phá quân Thanh, lên ngôi Hoàng đế, ban bố chiếu khuyến nông, chiếu lập hồng, kén tuyển hiền tài. Và còn bao chí lớn còn dang dở như mở mang bách nghệ, thương thuyền xưởng thợ…. đưa nước Nam như con thuyền dương buồm trên biển mới sánh vai, không thua kém thiên hạ.

Có thể nói “Ngọc Hân công chúa” là một kịch bản khá đặc biệt của Lưu Quang Vũ. Hai năm gần đây, các vở kịch của ông đã dần được phục dựng lại trên các sân khấu. Nhưng cũng từ đó để thấy rằng, sân khấu hôm nay cần thêm những tác phẩm kể lại câu chuyện  lịch sử, nêu bài học yêu nước, đưa những tác phẩm có tư tưởng lớn đến với công chúng, đặc biệt lớp trẻ hôm nay. Để dần dần từ đó bồi đắp lòng yêu nước.

Gần kết vở kịch, Ngọc Hân đã khóc chồng bằng một tình cảm sâu thẳm đáy lòng: “Đi xa thế biết đến bao giờ anh trở lại…Tiếng đàn em, không quên lãng bao giờ”.

Cũng như Lưu Quang Vũ đã rời xa nhân gian mãi mãi. Tiếc nhớ ông, tưởng nhớ ngày Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh ra đi 29/8/1988, để suy ngẫm về những trăn trở, những thông điệp Lưu Quang Vũ đã gửi gắm qua các tác phẩm của mình.

Những vở diễn của ông thời đó đã làm sống động tinh thần đổi mới Đại hội Đảng lần thứ 6, nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên rằng kịch của Lưu Quang Vũ đặt ra một vấn đề lúc nào cũng đáng quan tâm: quản lý xã hội, lương tâm, trách nhiệm của những người cầm quyền với nhân dân của họ, là những điều lúc nào cũng nóng bỏng.

  • Lan Anh/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *