(kontumtv.vn) – Nỗi đau da cam kéo dài âm ỉ, từ thế hệ này sang thế hệ khác, không chỉ là gánh nặng kinh tế mà những mất mát từ nỗi đau trở thành nỗi ám ảnh của những gia đình có thân nhân nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ rải xuống. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam vừa là trách nhiệm, vừa là tiếng nói lương tâm của cả cộng đồng.

Ở tuổi 70, ông A Wô là cựu chiến binh bị nhiễm chất độc hóa học, hiện ở làng Đăk Long, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà vẫn mỗi ngày bón từng thìa cơm cho cô con gái đã hơn 20 tuổi. Con của ông từ lúc sinh ra không thể tự đi lại. Hàng ngày, ngoài công việc nương rẫy, vợ chồng ông dành tất cả thời gian để chăm sóc cho cô con gái tật nguyền. Nỗi buồn này, ông A Wô hiểu hơn ai hết, ông tâm sự: “Con sinh ra đã yếu lắm rồi, cứ đau liên tục. Nhà có bao nhiêu tiền đều chạy chữa nhưng không thấy khỏi. Bác sĩ bảo không khỏi được. Bao nhiêu năm rồi con bé vẫn không biết cái gì. Bác sĩ nói do tôi bị nhiễm chất độc hóa học nên lây sang cho con. Mong Nhà nước quan tâm, hỗ trợ thêm cho gia đình”.

Nhà bà Y Đông ở xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy có tất cả 04 thành viên. Chồng của bà là nạn nhân da cam, mỗi khi trái gió trở trời, cơn đau từ vết thương chiến tranh lại hành hạ. Bà Y Đông sinh được 03 người con, người con cả đã mất, 02 người còn lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi di chứng của chất độc hóa học. Cả hai đều đã hơn 30 tuổi nhưng không thể tự sinh hoạt như người bình thường. Nỗi đau chồng chất nỗi đau và cái vòng luẩn quẩn của nghèo khổ vẫn đeo bám mãi ngôi nhà nhỏ của bà Y Đông. “Vất vả, khổ cực lắm. Việc nương, rẫy mình đều phải làm, vừa làm, vừa trông con. Hai đứa nó lớn nhưng chẳng biết gì nên mình lo lắm, không biết sau này vợ chồng già yếu, chết đi rồi thì ai chăm”, bà Y Đông buồn rầu kể.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum có gần 8 ngàn người bị nhiễm chất độc da cam/điôxin, trong đó, trên 01 ngàn người đang hưởng chế độ trợ cấp da cam hàng tháng của Nhà nước. Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều trường hợp người phơi nhiễm chất độc hóa học và những thế hệ tiếp theo của nạn nhân da cam hiện nay chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nguyên nhân bởi công tác giám định tỷ lệ thương tật hoặc việc hoàn tất thủ tục, hồ sơ chứng nhận nạn nhân nhiễm chất độc hóa học còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, tỉnh Kon Tum đã có một bước đi hết sức mạnh dạn, đó là, trong khi chờ Trung ương hoàn thiện, bổ sung các quy định liên quan đến việc giải quyết chính sách cho đối tượng nhiễm chất độc hóa học thế hệ thứ 3, thứ 4, HĐND tỉnh Kon Tum đã ban hành Nghị quyết 68 ngày 14/12/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội, đối tượng khó khăn khác chưa được quy định tại Nghị định 20 của Chính phủ. Theo Nghị quyết này, người khuyết tật là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh Kon Tum cho biết: “HĐND tỉnh đã thông qua và ban hành NQ 68, trong đó, tại khoản 1, điều 1, điểm 3 có quy định về những đối tượng khuyết tật thuộc thế hệ thứ  3, cháu của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, đây là một trong những điểm mới và được hội viên nạn nhân và gia đình nạn nhân rất quan tâm. Trong khi chờ các cơ quan xác lập hồ sơ, tỉnh hội đã triển khai đến các huyện, thành hội cũng như đến các nạn nhân, gia đình nạn nhân sẽ nắm bắt kịp thời tình hình thực tế tại địa phương, cố gắng phát hiện ra các đối tượng đang còn bỏ sót”.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, những năm qua, các cấp ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống cho những nạn nhân nhiễm chất độc hóa học. Từ nguồn Qũy hỗ trợ nạn nhân da cam/điôxin, tỉnh đã giúp đỡ khoảng 14 ngàn lượt nạn nhân da cam thông qua các hoạt động như thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ vốn sản xuất, tặng máy lọc nước, khám chữa bệnh miễn phí. Không chỉ vậy, việc HĐND tỉnh thống nhất ban hành Nghị quyết 68 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội, đối tượng khó khăn khác chưa được quy định tại Nghị định 20 của Chính phủ càng cho thấy nỗ lực của tỉnh trong triển khai công tác chăm lo cho nạn nhân da cam trên tinh thần trách nhiệm và lương tri của cộng đồng./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *