(kontumtv.vn) – Để những chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở không chỉ làm nhiệm vụ là chiếc cầu nối đưa ý Đảng đến với lòng dân, mà còn là người trực tiếp nắm bắt và truyền tải tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng và Nhà nước. Đối với một địa phương có đến 65% là đồng bào dân tộc thiểu số như huyện Kon Rẫy, việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ ở cơ sở là vô cùng quan trọng.

Thôn 11, xã Đăk Ruồng có 95% là người Ba Na nhánh Jơ Lâng sinh sống. Dịch Covid – 19 bùng phát, để bà con quen với việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay hay giữ khoảng cách chẳng phải chuyện dễ. Để thay đổi thói quen của bà con, cùng với các cán bộ xã, Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng A Tơi đã nhiều lần đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà nhắc nhở và tuyên truyền bà con. Tin, nghe theo lời cán bộ, dân làng nay đã quen dần với việc đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập đông người. Bà Nguyễn Thị Tâm, thôn 11, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy nói: “Cũng thường xuyên tuyên truyền bà con giữ khoảng cách, không tụ tập đông người. Thậm chí nhà bà là phải dọn hết bàn ghế lại một chỗ. Bao giờ hết Covid-19 thì các cháu hãy đến nhà bà chơi hoặc là uống nước. Quy định cứ 9 giờ nhà bà đã đi nghỉ rồi chứ không tụ tập đông người”.

Ông A Tơi, Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng thôn 11, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy cho biết: “Trong các nghi lễ của làng như tôn giáo cũng ngưng hoạt động không cho tập trung đông người. Công tác chuẩn bị cho bầu cử nếu khi đi bầu cử bỏ phiếu phải đeo khẩu trang đầy đủ, giãn cách xã hội không tập trung đông người”.

Xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy có gần 70% là người dân tộc thiểu số, hơn 40% trong số đó theo đạo, chủ yếu là Công giáo. Những buổi đi xuống cơ sở là dịp để bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng có thể gần dân và hiểu dân hơn. 12 năm gắn bó với từng thôn, làng, bà cho biết, giảm nghèo và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là một thách thức với địa phương. Bà Nguyễn Thị Lan nói: “Một trong những giải pháp quan trọng nhất là luôn gần gũi, sát dân, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của dân, trên cơ sở đó có giải pháp giải quyết những ý kiến này kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế địa phương và đảm bảo các quy định của pháp luật”.

Huyện Kon Rẫy có 49 thôn thuộc 6 xã và 1 thị trấn với nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống. Để những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào đời sống, công tác tuyên truyền, vận động được phát huy tối đa. Trong đó, 52 già làng, người có uy tín của toàn huyện trở thành một trong những lực lượng nòng cốt thực hiện vai trò cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân. Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy cho biết: “Vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số là một trong những yếu tố quyết định thành công trong công tác tuyên truyền, vì trong cộng đồng người dân tộc thiểu số thì người già làng, người uy tín, lời họ nói ra người dân sẽ cảm nhận được và thực hiện, người đó do chính nhân dân bầu ra, làm sao phát huy được đội ngũ này và có kế hoạch bồi dưỡng hàng năm đối với đội ngũ này”.

Năm 2016, huyện Kon Rẫy đạt được thành quả đầu tiên trong xây dựng nông thôn mới khi xã Đăk Ruồng về đích nông thôn mới. Để tiến tới mục tiêu đưa xã Đăk Ruồng đạt nông thôn mới nâng cao vào giai đoạn 2020 – 2025, bên cạnh việc phát triển kinh tế – xã hội, địa phương chú trọng phát huy tối đa vai trò của đội ngũ cán bộ ở cơ sở, đặc biệt là tạo nguồn cán bộ tại chỗ và chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù của địa phương.

Ông Trương Hồng Doanh, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy cho biết: “Chúng tôi đã quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ người DTTS tại chỗ, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ càng được nâng lên rõ rệt. Các đồng chí cán bộ cũng đã thể hiện được vai trò của mình trong từng lĩnh vực chuyên môn được giao. Nhất là đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, đội ngũ cán bộ khối đoàn thể đã thực hiện công tác dân vận, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thi đua phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo”.

Tỉnh Kon Tum có gần 54% đồng bào các dân tộc thiểu số với 46 dân tộc anh em cùng chung sống. Việc đào tạo, bồi dưỡng và phát huy tốt vai trò đội ngũ cán bộ ở vùng DTTS là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Chung Loan – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *