(kontumtv.vn) –  Suốt chặng đường 110 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Kon Tum đạt nhiều thành tựu quan trọng như hiện nay, trong đó có những đóng góp rất lớn của các già làng, người có uy tín ở thôn, làng. Sự gương mẫu, đi đầu trong các phong trào cùng với tuyên truyền, vận động của già làng, người có uy tín đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của bà con vùng dân tộc thiểu số, giúp công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh gặt hái nhiều kết quả tích cực.

Ở làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa thầy, già làng A Ling luôn là người nhận được sự tín nhiệm, yêu mến của bà con dân làng. Từng làm cán bộ xã phụ trách công tác Mặt trận, sau đó nghỉ hưu về lại làng, ông A Ling được bầu là già làng vào năm 2000. Không chỉ có kiến thức, sự hiểu biết xã hội, ông còn làm tốt công tác vận động, tuyên truyền bà con nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đạt kết quả tích cực. Điển hình như đóng góp của ông đối với việc tuyên truyền bà con trên địa bàn tăng gia sản xuất, nhất là chủ động tìm kiếm việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Già làng A Ling chia sẻ: “Tôi nói nếu mà là nông dân mình á là không có đồng tiền thì mình đâu có sống được. Mình đâu có biết buôn bán như anh em người Kinh. Anh em người Kinh là ngày nào người ta có thu, người ta có chi. Còn mình mình không đi làm, ở nhà không không làm gì mà có. Nhà nước là tạo công ăn việc làm đối với mấy hộ gia đình ở nhà không có cái gì làm, không có đất này, không có cao su này, không có cà phê này. Những người làm thật như thằng Wu này, nhà đằng sau này làm 2, 3 cái nhà rồi làm cái vòm, bộ bàn ghế đàng hoàng mà người mới có hai mấy tuổi nhưng làm ăn như thế là được.”

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương, nỗ lực vận động của già làng A Ling, đến nay, Rờ Kơi tiếp tục là xã dẫn đầu huyện Sa Thầy về số lượng lao động người dân tộc thiểu số đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với khoảng 400 lao động. Thu nhập ổn định từ công ty đã giúp nhiều lao động vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ một xã biên giới đặc biệt khó khăn, đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt hơn 35 triệu đồng, gấp gần 4 lần so với năm 2011. Với quyết tâm xây dựng thành công nông thôn mới tại địa phương, già A Ling tiếp tục cùng với cấp uỷ, chính quyền tuyên truyền bà con tích cực thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên phát triển kinh tế, góp phần xây dựng xã Rờ Kơi ngày một vững mạnh.

Trên chặng đường 110 thành lập tỉnh Kon Tum, sự phát triển KT-XH đến thời điểm này ghi nhận nhiều đóng góp của các già làng, người có uy tín. Gần đây nhất, trong triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, tiếng nói của già làng, người có uy tín càng được phát huy trong thực tiễn. Theo ông Bùi Duy Trung – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, dựa vào tiếng nói của những người có uy tín, nhất là những già làng, những người biết cách làm ăn, công tác tuyên truyền nhất định sẽ đạt được hiệu quả. Từ xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, vận động bà con nhân dân tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác đến việc phát triển cây dược liệu để tăng thu nhập… đều được già làng, người có uy tín tuyên truyền hết mình để bà con nghe, hiểu và làm theo. Ông A Tai, người uy tín ở Làng Đăk Chum 01, xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông cho hay: “Theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con, giờ mình phải làm những cái gì có lợi cho mình, đỡ vất vả một tý. Xã Tu Mơ Rông có 02 thôn được hưởng dịch vụ môi trường rừng, tổng diện tích thôn Đăk Chum 01 là 295 ha, thôn Tu Mơ Rông thì 187 ha. Tiền dịch vụ môi trường rừng trong 01 năm, Nhà nước chi trả cũng được 200 – 300 triệu. Tiền dịch vụ môi trường rừng đó, một số bà con mua mắm, muối, một số thì để mua cây giống Sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng để bảo vệ rừng cho nó tốt.”

Tỉnh Kon Tum hiện có 700 già làng, người uy tín, là cầu nối quan trọng, giúp đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với bà con nhân dân nhanh và hiệu quả. Trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Kon Tum hôm nay, già làng, người có uy tín tiếp tục đồng hành, phát huy vai trò là cây cao, bóng cả ở địa phương để góp phần khăng khít hơn khối đại đoàn kết các dân tộc, giúp giữ vững an ninh, quốc phòng toàn dân./.

Thu Trang – Công luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *