(kontumtv.vn) – Lao động trẻ em luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Do hoàn cảnh gia đình, hiện nay, vẫn còn không ít trẻ em phải tham gia lao động sớm để trang trải cuộc sống, có thêm thu nhập. Ở tỉnh Kon Tum, thống kê của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho thấy, địa phương có trên 35 ngàn trẻ em sinh sống trong các gia đình thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo. Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc học tập, thụ hưởng những dịch vụ giáo dục, y tế thiết yếu cũng như khiến các em dễ tham gia lao động sớm. Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em là trách nhiệm của cả cộng đồng. Để hiểu rõ hơn về điều này, phóng viên Đài PT-TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Đam, Phó Trưởng Phòng Trẻ em – Bình đẳng giới – Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh.

PV: Thưa ông, lao động trẻ em là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Tỉnh Kon Tum chúng ta đã có những hành động cụ thể nào để phòng ngừa lao động trẻ em?

Ông Vũ Văn Đam: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 872, ngày 27/5/2021 về phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Sở LĐ – TB&XH là cơ quan thường trực đã xây dựng dự thảo lấy ý kiến các ngành, địa phương trình UBND tỉnh ban hành để triển khai giai đoạn tiếp theo. Với chức năng, nhiệm vụ của Sở LĐ-TB&XH là với quản lý nhà nước các vấn đề của trẻ em thì đã phối hợp, hướng dẫn các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành liên quan thu thập thông tin, tuyên truyền vận động gia đình, nhà trường, xã hội nâng cao nhận thức về vấn đề trẻ em lao động sớm để giảm thiểu lao động trẻ em.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh và những hậu quả các em gánh chịu khi phải tham gia lao động quá sớm để kiếm sống?

Ông Vũ Văn Đam: Tỉnh Kon tum là một tỉnh nghèo vì vậy tổng số trẻ em sống trong các hộ nghèo, cận nghèo là 35.308 em. Chính vì tỷ lệ hộ nghèo cao, trẻ em có tham gia lao động phụ giúp gia đình. Khi tham gia lao động phụ giúp gia đình thì ít nhiều gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ, đồng thời cản trở việc học hành của các em. Nhiều em bỏ học sớm, từ đó tác động tiêu cực tới tương lai của chính trẻ em cũng như việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, đồng thời tác động tới nguồn nhân lực tương lai của địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa phát hiện trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Trái quy định của pháp luật ở đây là lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không có doanh nghiệp sử dụng lao động trẻ em.

PV: Hiện nay, đại dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, cuộc sống của không ít gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Liệu điều này có khiến nhiều trẻ em phải tham gia lao động sớm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình?

Ông Vũ Văn Đam: Tình hình đại dịch Covid -19 ảnh hưởng ít nhiều đến kinh tế hộ gia đình. Đa số trẻ em lao động sớm trên địa bàn tỉnh là tham gia lao động trợ giúp gia đình. Ví dụ như làm cỏ cà phê, cỏ mì, kiếm củi… và tại địa bàn thành phố Kon Tum có trẻ em bán hàng rong và trẻ em đi lượm ve chai.

PV: Thưa ông, hoạt động truyền thông cần phải được triển khai theo hình thức, nội dung nào để đạt hiệu quả là nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là các chủ cơ sở sử dụng lao động trong việc phòng ngừa lao động trẻ em?

Ông Vũ Văn Đam: Truyền thông dưới nhiều hình thức như nói chuyện trực tiếp các chuyên đề về bảo vệ trẻ em; truyền thông thông qua hoạt động của 42 xã có hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, 21 mô hình Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em; ký kết hợp đồng trách nhiệm truyền thông với các ngành có liên quan; xây dựng các cụm pa nô, áp phích ngoài trời; sản xuất các bản tin, tờ rơi, băng đĩa truyền thông về công tác bảo vệ trẻ em; truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí về nội dung lao động trẻ em, mục đích là nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về ngăn ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

PV: Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, tỉnh Kon Tum tiếp tục có những giải pháp gì?

Ông Vũ Văn Đam: Tiếp tục truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng  lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật cho các tổ chức, cộng đồng, người sử dụng lao động, cha mẹ và trẻ em; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trong các doanh nghiệp, dịch vụ, các xưởng lò gạch sử dụng lao động trẻ em.

PV: Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *