(kontumtv.vn) – Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững. Những năm qua, huyện Ngọc Hồi đã đẩy mạnh công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ngọc Hồi là huyện đông dân cư, nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, đại bộ phận người dân sinh sống ở vùng nông thôn bằng nghề nông nghiệp, chưa được đào tạo nghề. Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ tới việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, huyện Ngọc Hồi đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí kinh phí cho các hoạt động đào tạo nghề. Chị Trần Thị Huyện, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Ngọc Hồi cho biết, thời gian qua, công tác đào tạo nghề đã được các cấp ngành, địa phương trong huyện đa dạng hóa với nhiều hình thức như đào tạo tập trung tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và đào tạo lưu động tại các thôn, làng. Thông qua các lớp học nghề đã giúp người lao động nông thôn từng bước nâng cao trình độ, tạo điều kiện tốt để tiếp nhận việc triển khai các mô hình, đề án phát triển sản xuất tại địa phương. Trong năm 2022, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó đã mở được 14 lớp cho 385 học viên. Học viên sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm ổn định, một số trường hợp đã vươn lên thoát nghèo.
Hiệu quả rõ nét nhất của công tác đào tào nghề cho lao động nông thôn ở huyện Ngọc Hồi là người dân đã biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm 2016, sau khi tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi heo do Phòng LĐ-TB&XH huyện Ngọc Hồi phối hợp tổ chức, anh Bloong Hóa ở thôn Đăk Si, xã Đăk Dục đã đầu tư 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại để chăn nuôi heo đen và heo siêu thịt. Về con giống, anh chọn những giống heo có nguồn gốc đảm bảo, phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương. Nhờ biết cách tiêm chủng, phòng bệnh nên đàn heo của anh phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Riêng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình anh đã xuất bán gần 100 con heo thịt, đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Hiện tại, gia đình anh đang tiếp tục tái đàn heo để phát triển kinh tế. Anh Bloong Hoá cho hay: “Học chăn nuôi heo về thì mình phòng, chống cái bệnh tật. Cái thứ hai là mình tiêm phòng cho heo. Một cái nữa là vừa giáo dục cho bà con ở đây trong cái cách phòng bệnh cho heo, cách tiêm phòng.”
Còn Chị Y Ái ở thôn Đăk Si, xã Đăk Dục lại lựa chọn nghề trồng, chăm sóc cây Mắc ca để theo học. Sau khi kết thúc khóa học và được cấp chứng chỉ, chị đã phá bỏ gần 1 ha cây bời lời kém hiệu quả để trồng cây Mắc ca xen canh cây cà phê. Nhờ được học kỹ thuật trồng, bón phân hay tưới nước nên vườn cây Mắc ca của gia đình chị hiện đang phát triển tốt. Mô hình trồng cây Mắc ca của gia đình chị Y Ái đã góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con trong thôn, làng. Chị Y Ái cho biết: “Trước mắt thì mình mong muốn cho cây phát triển tốt hơn. So với trước kia thì mình không biết chăm sóc, nhưng sau khi học lớp này thì thầy có hướng dẫn đầy đủ hết rồi thì mong sao mình cũng có điều kiện để làm được và mong muốn nó phát triển để phát triển kinh tế hơn.”
Có thể thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Ngọc Hồi đã mang lại hiệu quả nhất định. Người lao động được lựa chọn những ngành, nghề phù hợp với điều kiện thực tế của bản thân và gia đình, phát huy được những kiến thức, kỹ năng đã học để áp dụng vào quá trình sản xuất hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, huyện Ngọc Hồi sẽ tiếp tục khảo sát số lượng học viên tại các xã, thị trấn để tổ chức đào tạo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời phân bổ chỉ tiêu cho các xã, thị trấn; phối hợp với các đơn vị liên quan giới thiệu, giải quyết việc làm sau khi đào tạo./.
Đăng Huy – Văn Hiển