(kontumtv.vn) – Theo luật sư, quy định TNHS của pháp nhân là chế định hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ nên thực thi cần thận trọng để tránh sai sót.

Góp ý dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi),  luật sư Hoàng Văn Dũng,  Văn phòng luật sư Bross và các cộng sự cho biết, một trong những vấn đề ông quan tâm trong dự thảo luật lần này là quy định về trách nhiệm hình sự (TNHS).

Quy định TNHS của pháp nhân là phù hợp với thực tiễn

TNHS của pháp nhân luôn là đề tài có rất nhiều tranh cãi, với nhiều ý kiến trái chiều. Các quan điểm đồng thuận hay phản đối đều có những cơ sở thực tiễn và lý luận riêng. Theo luật sư Hoàng Văn Dũng, việc Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này quy định TNHS của pháp nhân là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, bởi nền kinh tế – xã hội nước ta đang phát triển mạnh mẽ, sự phát triển của nền kinh tế thì trường đã thúc đẩy các pháp nhân, đặc biệt là các pháp nhân hoạt động kinh doanh được thành lập và hoạt động ngày càng nhiều, đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, không ít các pháp nhân, vì mục tiêu lợi nhuận, hoặc các lợi ích khác mà đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, có mức độ nguy hiểm lớn cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Những hành vi vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện đang diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý kinh tế, thị trường tài chính…  Trong khi đó, việc áp dụng các chế tài hành chính, dân sự đối với các hành vi trái pháp luật của pháp nhân cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, không đủ sức răn đe, nhiều pháp nhân sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục vi phạm, làm giản hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước.

quy dinh trach nhiem hinh su cua phap nhan: luat su noi gi? hinh 0
Luật sư Hoàng Văn Dũng, Văn phòng luật sư Bross và các cộng sự 

Theo luật sư Hoàng Văn Dũng, trong các loại trách nhiệm pháp lý thì TNHS được quan niệm là chế tài có tính nghiêm khắc nhất. Mặc dù, về mặt hình thức thì hình phạt áp dụng khi truy cứu TNHS pháp nhân có thể không khác so với xử lý vi phạm hành chính (phạt tiền, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép…). Tuy nhiên, khi các chế tài này được áp dụng với tư cách là hình phạt (chế tài pháp lý hình sự) sẽ mang tính nghiêm khắc hơn, thể hiện tính cưỡng chế nhà nước cao hơn. Mặt khác, khi bị truy cứu TNHS thì pháp nhân, người đại diện của pháp nhân sẽ phải tham gia hoạt động tố tụng hình sự, trực tiếp chịu tác động của một quy trình tố tụng nghiêm khắc, và có tính giáo dục, răn đe cao nhất của Nhà nước, đặc biệt là thông qua hoạt động xét xử công khai tại phiên tòa hình sự thì tính răn đe và phòng ngừa vi phạm pháp luật đối với pháp nhân sẽ cao hơn.

Chế định mới: Thực hiện như thế nào?

Luật sư Hoàng Văn Dũng cho rằng, quy định TNHS của pháp nhân là một xu thế phổ biến của các nước trên thế giới. Các nước theo truyền thống pháp luật Anh – Mỹ (như Anh Mỹ, Cannda, Australia…) hoặc theo truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sỹ…), hoặc gần chúng ta như Trung Quốc đều quy định TNHS đối với pháp nhân. Nhiều Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc phê chuẩn (Công ước của Liên Hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng) đều có khuyến nghị các quốc gia thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân.

“Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu của việc hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nói riêng (tội phạm về khủng bố, rửa tiền, buôn lậu, môi trường…) đòi hỏi sự tương thích, phù hợp nhất định của hệ thống pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế và pháp luật các nước khác trên thế giới. Do đó, việc nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, từng bước hoàn thiện chế định về TNHS của pháp nhân trong Luật Hình sự Việt Nam là một yêu cầu tất yếu khách quan”- luật sư Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên,  theo luật sư Dũng, quy định TNHS của pháp nhân là chế định hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ nên chắc chắn trong quy định của pháp luật, cũng như việc thực thi trên thực tế sẽ không thể tranh khỏi những thiếu sót, hạn chế và  vướng mắc nhất định. Đơn cử như trong trường hợp pháp nhân bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì quyền lợi của người lao động, của chủ nợ, các đối tác đang có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với pháp nhân này sẽ được giải quyết như thế nào. Những vấn đề này Dự thảo luật không có quy định, điều đó sẽ tạo ra khó khăn không nhỏ khi thực hiện pháp luật trên thực tế. Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa Dự thảo luật, có những bước tiến hành thận trọng, phù hợp, tránh những hậu quả tiêu cực có thể phát sinh./.

Hòa Hà/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *