(kontumtv.vn) – Bắt đầu vào cao điểm mùa vụ, một số địa phương trên địa bàn huyện Sa Thầy (Kon Tum) rộ lên tình trạng bà con nhân dân phá rừng, phát nương làm rẫy. Đặc biệt ở xã biên giới Mo Rai, tình trạng này diễn ra khá phổ biến và khó kiểm soát.

Cách đường quốc lộ 14C khoảng 5 km, men theo các triền đồi đi sâu vào trong sẽ thấy cánh rừng le thuộc địa phận Làng Rẽ, xã Mo Rai. Ở đây, vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3, lực lượng kiểm lâm địa bàn đã phát hiện vụ việc người dân phá rừng làm nương rẫy. Ước khoảng hơn 5.000 m2 rừng bị phát đốt trước khi lực lượng chức năng ngăn chặn. Cách khu vực rừng le không xa, trên một quả đồi khác, một phần diện tích rừng non khoảng 6.000 m2 cũng bị đốn hạ. Tại thời điểm phóng viên có mặt ở hiện trường, những cây gỗ có đường kính khoảng 8 – 10 cm nằm chỏng chơ trên đồi vẫn đang cháy âm ỉ. Anh Ngô Xuân Trường, Kiểm lâm địa bàn xã Mo Rai, Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy xác nhận: “Diện tích xâm canh chủ yếu là diện tích rừng non phục hồi sau nương rẫy và những rừng lồ ô bỏ lại 2 đến 3 năm. Người ta cứ nghĩ rừng lồ ô với rừng non sau nương rẫy là không vi phạm”.

Chị Nguyễn Thị Trọng Hương, một người dân ở thị trấn Sa Thầy đến thuê đất tại làng Rẽ đang canh tác gần đó cho biết, tình trạng xâm canh trái phép diễn ra khá phổ biến ở đây nhưng để xác định ai đốt, ai phá thì rất khó: “Nói chung hồi họ phát thì mình không có ở đây nên mình cũng không biết họ phát lúc nào. Rẫy thì lâu lâu mới lên, 5 – 10 ngày mới lên. Thì giờ lên mới thấy đốt rồi, thành ra cái rẫy rồi”.

Theo lãnh đạo UBND xã Mo Rai, bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán, Kon Tum bước vào mùa khô, đây chính là thời điểm bà con nhân dân tiến hành phát đốt nương rẫy, chuẩn bị gieo trồng các loại cây lương thực, nhất là cây mỳ. Đây cũng là lý do khiến tình trạng phá rừng để làm nương rẫy chủ yếu diễn ra trong thời gian này. Ông A Yer, Phó Chủ tịch UBND xã Mo Rai cho biết: “Người dân phá rừng làm nương rẫy làm mất đi diện tích rừng và nó sẽ dẫn đến cái hạn hán và môi trường sinh thái bị ảnh hưởng bởi cái phá rừng của người dân, đặc biệt là nguồn nước. Nếu dân phá rừng đầu nguồn thì gây hạn hán, lũ lụt, gây hậu quả về sau này”.

Thời điểm hiện tại, huyện Sa Thầy chưa có thống kê cụ thể về diện tích rừng bị xâm canh trái phép. Thực tế, công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, phát nương làm rẫy đang khiến ngành chức năng ở đây gặp nhiều khó khăn, thậm chí là loay hoay trong cách xử lý. Nội dung này sẽ tiếp tục được phản ánh trong bản tin Thời sự của Đài PT-TH tỉnh Kon Tum.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *