(kontumtv.vn) – Thực hiện ăn chín uống sôi, tạm thời không sử dụng các thực phẩm lên men, ủ chua, muối chua, tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, đây là khuyến cáo của Sở Y Tế tỉnh Kon Tum trong cuộc họp khẩn bàn giải pháp cách bách tìm nguyên nhân chùm ca bệnh ở xã Măng Cành vào sáng 27/3.

Liên quan đến chùm ca bệnh nghi ngờ ngộ độc độc tố Clostridium botulinum từ xã Măng Cành, huyện Kon Plông nhập viện cấp cứu từ ngày 25-27/3, Sở Y tế tỉnh Kon Tum chỉ đạo các đơn vị như Trung tâm Y tế huyện Kon Plông, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường, phát hiện ca bệnh, cấp cứu kịp thời và đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân để ngăn chặn các vụ ngộ độc có thể xảy ra trong thời gian tới. Tiến sĩ, Bác sỹ CK II Võ Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết: :Ngành Y tế tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung về công tác vệ sinh môi trường rồi phát hiện các ca bệnh để mà theo dõi, xử lý cấp cứu kịp thời, hội chẩn với các bệnh viện tuyến trên để có tư vấn về mặt chuyên môn, rồi hỗ trợ các xét nghiệm để phát hiện nguyên nhân nguồn lây để có hướng điều trị chính xác hơn”.

Qua điều tra ban đầu của các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Y tế, các bệnh nhân ở thôn Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông đều có yếu tố dịch tễ chung đó là cùng ăn món cá chua do bà con tự làm, có đến ăn uống, làm việc tại thôn Kon Kum, khu vực trước đó có các ca nhiễm độc tố Clostridium botulinum làm hai người chết. Chị Y Liên, vợ bệnh nhân A Long cho biết, chồng chị chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Kon Plông xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ ngày 25/3. Trước đó, vợ chồng chị có đến thôn Kon Kum, xã Măng Cành để trồng mì và chồng chị có ăn uống tại đây. Chị Y Liên kể lại: “Vợ chồng em ở xã Đăk Long qua Măng Cành trồng mì, ở đó nhậu rượu ghè với mắm chua. Ngày 21 về xã Đăk Long A Long bị đau bụng, ngày 25 chuyển sang Trung tâm Y tế, tôi rất lo lắng, mong chồng mau khỏi bệnh”.

Bác sĩ Chuyên khoa II Võ Văn Thiện, Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Kon Tum cho biết, liên quan đến chùm ca bệnh tại thôn Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, đến sáng ngày 27/3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đang cấp cứu 4 trường hợp tại Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc. Đó là các bệnh nhân A Long, sinh năm 1999; A Đoàn, sinh năm 2010; Y Xuân, sinh năm 1956 và bệnh nhân A Hoàng, sinh năm 2010. Tình trạng các bệnh nhân đều rất nặng. Theo bác sĩ Võ Văn Thiện, việc điều trị các bệnh nhân nghi nhiễm độc tố Clostridium botulinum đang gặp khó khăn do thiếu thuốc đặc hiệu kháng độc tố botulinum. Đó là chưa kể thuốc đặc hiệu này có giá lên đến 8.000 USD mỗi liều. Vì vậy, biện pháp lọc máu đã được đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum áp dụng. Đây là phương pháp dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế. Bác sĩ Võ Văn Thiện cho biết: “Các bệnh nhân này đều có triệu chứng giống nhau đó là sau khi ăn món mắm cá suối, cá chua thì xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói, mắt nhìn mở, khó nói, khó thở, yếu tay chân và đã nhập bệnh viện Kon Plông và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh”.

Việc thôn Kon Du, xã Măng Cành tiếp tục xuất hiện các ca bệnh nghi nhiễm độc tố Clostridium botulinum cho thấy nguy cơ xuất hiện mới các ca ngộ độc ở khu vực này rất cao nếu cơ quan chức năng không tìm ra được căn nguyên để có hướng giải quyết triệt để.

                          Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *