(kontumtv.vn) –  Sáng ngày 16/11, Hội thi cồng chiêng – xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất năm 2022 đã bước vào ngày thi đầu tiên với sự tham gia của 04 đoàn nghệ nhân đến từ thành phố Kon Tum và các huyện Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ Rông.

Mở màn Hội thi là tiết mục trình diễn của Đoàn nghệ nhân huyện Kon Plông. Các nghệ nhân đã tái hiện sinh động Lễ Mừng Nhà Rông mới của người Mơ Nâm – một nhánh dân tộc Xê Đăng ở làng Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen. Hòa trong điệu chiêng, nhịp cồng là vòng xoang uyển chuyển với bước chân và những động tác tay nhịp nhàng, đẹp mắt. Nghệ nhân ưu tú Y Lim cho biết, chuẩn bị cho Hội thi, đội cồng – chiêng xoang đã luyện tập suốt 03 tuần. Là đội thi đầu tiên, các nghệ nhân vẫn hết mình biểu diễn với mong muốn mang đến những tiết mục đặc sắc cống hiến cho khán giả, qua đó quảng bá về vùng đất Măng Đen, về lễ hội truyền thống của bà con nơi đây.

Theo quy chế của Ban Tổ chức, mỗi đội nghệ nhân tham gia Hội thi được đăng ký 03 tiết mục biểu diễn với thời gian tối đa 30 phút. Hội đồng giám khảo gồm 7 thành viên sẽ căn cứ vào các phần trình diễn để đánh giá và cho điểm. Tại phần thi sáng nay, các nghệ nhân người Giẻ – Triêng ở làng Đăk Wâk, xã Kroong, huyện Đăk Glei đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả khi tái hiện Lễ Mừng lúa mới mang đậm bản sắc dân tộc. Ở phần thi nhạc cụ dân tộc, bà con Giẻ – Triêng ở huyện Đăk Glei tiếp tục cho thấy nét tài hoa và sự khéo léo trong hòa tấu các nhạc cụ truyền thống. Già làng A Khanh, nghệ nhân lớn tuổi nhất trong đoàn cho biết: “Đó là ting ning, cái đó mình tự làm từ hồi xưa rồi. Còn cái ống mình tự làm. Mình đánh giống với đánh chiêng á. Đánh chiêng thì nhiều người, cái này mình đánh 3 – 4 người thôi. Thế rồi mình đánh bài hát, tức là nhớ ơn Đảng, ơn Bác Hồ.”

Đánh giá phần thi của các đoàn nghệ nhân trong ngày đầu tiên của Hội thi, Nhạc sĩ, NSƯT A Đuh, thành viên Hội đồng giám khảo bày tỏ niềm phấn khởi trước những nỗ lực, cố gắng hết mình của các nghệ nhân, đặc biệt là nghệ nhân trẻ tham gia Hội thi: “Tôi rất ấn tượng phần thi như đội ở Đăk Glei chẳng hạn, nó thể hiện đúng, bài bản truyền thống lễ hội ngày xưa. Ví dụ những vấn đề cần thiết phải đưa ra sân khấu, những vấn đề không cần thiết không phải chúng ta bỏ nhưng phải giữ cho ra hồn dân tộc của mình.”

Với nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền đến từ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, ông cho rằng, Hội thi cồng chiêng – xoang các dân tộc tỉnh Kon Tum lần thứ nhất năm 2022 là một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa di sản cồng chiêng Tây Nguyên. Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền nhấn mạnh: “Đây là cuộc thi có thể nói là lần đầu tiên đi tiên phong trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Tôi đánh giá rất cao ý tưởng này của tỉnh Kon Tum. Tức là bây giờ chúng ta bảo tồn cồng chiêng trong không gian văn hóa của nó rất khó. Nhưng chúng ta phải hiểu là cái lõi của nó là nghệ thuật cồng chiêng. Mà nghệ thuật cồng chiêng đã xác định rất rõ là giá trị đỉnh cao của nhân loại thì cách làm của Kon Tum tách nó ra khỏi cộng đồng, đưa nó vào cuộc thi mà thực chất nó là liên hoan để khích lệ, khuyến khích tình yêu của lớp trẻ với cồng chiêng Tây Nguyên thì mục tiêu đề ra đó của Kon Tum tôi đánh giá rất cao và tôi tin rằng các tỉnh khác cũng sẽ học tập.”

Sau phần thi sáng ngày 16/11 của các đoàn nghệ nhân, lễ khai mạc Hội thi cồng chiêng – xoang các dân tộc tỉnh Kon Tum đã diễn ra vào 20h10 phút tối cùng ngày. Trong 02 ngày 17 và 18/11, các đoàn nghệ nhân tiếp tục tham gia trình diễn các tiết mục và thi chỉnh âm cồng chiêng./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *