(kontumtv.vn) – Theo nhiều ý kiến, trẻ bây giờ phát triển rất sớm nên việc quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự là rất cần thiết.

Trong điều 12 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”.

Dự thảo Bộ luật lần này, Điều 12 kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành nhưng chỉ rõ hơn những tội phạm cụ thể mà người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội cướp tài sản, tội cưới giật tài sản và tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng theo các quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, việc quy định chung chung như Luật hiện hành các em rất khó hiểu, mà người lớn cũng không thể hình dung ra tội nào là tội rất nghiêm trọng do cố ý, tội nào là tội đặc biệt nghiêm trọng. Từ đó việc giáo dục các em trong nhà trường, trong môn GDCD còn hạn chế. Dự thảo luật lần này đã nói rõ, các em từ đủ 14 đến 16 tuổi là phải chịu trách nhiệm về 22 tội cụ thể, mà ở lứa tuổi đó các em nhận thức được. Ví dụ như các tội rất cụ thể như giết người, cướp của, hiếp dâm, trộm cắp, cướp giật…

sua luat hinh su: du 14 tuoi chiu trach nhiem hinh su la phu hop? hinh 0
Ông Nguyễn Túc

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng, trẻ bây giờ phát triển rất sớm kể cả vấn đề sinh lý, kể cả vấn đề cơ thể nên việc quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng là rất cần thiết.

Cần tăng cường giáo dục phòng ngừa hơn xử lý hình sự

Theo Giáo sư Nguyễn Lang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế, Ủy Ban Trung ương MTTQ  Việt Nam, trong những năm gần đây,  tình hình tội phạm là người vị thành niên có chiều hướng tăng lên nên cần thiết phải có quy định từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

sua luat hinh su: du 14 tuoi chiu trach nhiem hinh su la phu hop? hinh 1
Giáo sư Nguyễn Lang

Theo ông Nguyễn Văn Chương, Phó ban Pháp luật, Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ những tội cụ thể mà người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, bởi theo quy định hiện hành, diện các tội phạm mà trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự là khá rộng. Cùng với đó, trong thực tế số trường hợp trẻ em từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi tự mình thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng là không nhiều, chủ yếu tập trung vào một số tội thuộc nhóm các tội phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người… Vì vậy, việc xử lý hình sự đối với trẻ vị thành niên trong những trường hợp này có phần quá nghiêm khắc, ít có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, giúp các em nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của bản thân.

“Ban soạn thảo cần khoanh lại một số tội mà người chưa thành niên ở độ tuổi này hay thực hiện, đồng thời quy định rõ những tội danh cụ thể thuộc một số nhóm tội phạm mà người đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, như: các tội phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người; các tội phạm về ma túy; tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội”- ông Nguyễn Văn Chương kiến nghị.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Ban Chính sách pháp luật, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì cho rằng, cần xem xét đến đặc điểm tâm sinh lý của trẻ chưa thành niên, biện pháp thay thế sẽ mang tính chất nhân văn. Ví dụ, trong một vụ án, người phạm tội và nạn nhân đều là trẻ vị thành niên thì cần phải xem xét cụ thể. Dự án Luật cần có quy định cụ thể để bảo đảm quyền lợi chính đáng và sự công bằng giữa hai bên, người phạm tội vị thành niên và nạn nhân vị thành niên. “Đối với trẻ em phạm tội, cần tăng cường các biện pháp giáo dục phòng ngừa hơn là chính sách xử lý hình sự vì thực tế, việc xử lý hình sự nhiều khi không có tác dụng so với các biện pháp khác trong thực tiễn”./.

Thanh Hà- Minh Hòa/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *