Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Đức Lượng đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời báo chí sáng 30/10.

Nạn tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp đã trở thành một thách thức đối với Việt Nam. Làm thể nào để phòng chống tham nhũng là câu hỏi lớn. Bên lề cuộc hội thảo trước Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 12, ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời phỏng vấn của báo giới về vấn đề này.

PV: Doanh nghiệp vừa là nạn nhân và cũng là nguyên nhân của nạn tham nhũng. Theo ông, doanh nghiệp cần phải hành động thế nào?

Ông Trần Đức Lượng: Đã có nhiều nghiên cứu về thực trạng tham nhũng và đề xuất các giải pháp phòng chống tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp. Theo một kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp phải chi phí không chính thức chiếm khoảng 5% tổng chi phí.

 

Ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ

Con số 5% rất lớn đối với doanh nghiệp. Nếu như tiết giảm được 1%, người tiêu dùng đã được hưởng lợi. Các kết quả nghiên cứu cho thấy việc đưa hối lộ không phải mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Từ giai đoạn 2005-2012, nhiều doanh nghiệp đã cho rằng, việc đưa hối lộ không mang lại lợi ích.

Vậy nên, theo như Ngân hàng Thế giới đã đề xuất, phải minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình. Trong điều hành sản xuất kinh doanh, công khai, minh bạch rất quan trọng. Tiếp đến là xây dựng các quy tắc ứng xử trong nội bộ doanh nghiệp, quan hệ ứng xử của các doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước và với các doanh nghiệp khác.

Ngân hàng Thế giới có đưa ra khẩu hiệu “Tuân thủ hay là chết”. Có thể ví dụ, những doanh nghiệp, hay người tham gia giao thông chủ động đưa hối lộ thì phần lớn là do có vi phạm pháp luật. Nếu tuân thủ pháp luật, họ sẽ không gặp phải sự nhũng nhiễu, gây phiền hà của những người có chức năng.

Cho nên, muốn tránh được tham nhũng, trước hết trong nội bộ doanh nghiệp phải đảm bảo sự minh bạch, công khai, tuân thủ pháp luật, xây dựng đạo đức kinh doanh. Chúng tôi rất mong muốn “nói không với tham nhũng”, phi tham nhũng trong kinh doanh.

PV: Vậy nếu làm đủ các khâu, điều kiện như ông nói, liệu doanh nghiệp có thể không đưa hối lộ và có ngăn chặn được tham nhũng không, thưa ông?

Ông Trần Đức Lượng: Thể chế kinh tế của chúng ta ngày càng hoàn thiện, đạo đức kinh doanh tốt hơn, chắc chắn sẽ giảm tham nhũng. Tham nhũng là một nguy cơ làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nếu hiệu quả kinh doanh kém đi, doanh nghiệp sẽ dần không tồn tại. Vì vậy, doanh nghiệp phải tìm cách xây dựng quản trị doanh nghiệp để giảm tham nhũng, hối lộ.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của chuyên gia quản trị cao cấp của Ngân hàng Thế giới, thể chế càng tốt, tham nhũng càng giảm. Cho nên Đảng, Nhà nước đã chọn 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó có khâu hết sức quan trọng là hoàn thiện thể chế cho phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, chất lượng nguồn nhân lực được hiểu là nguồn nhân lực tổng thể của xã hội, bao gồm cả chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, cả xã hội nói chung, đặc biệt là quản trị doanh nghiệp và những người lao động nói riêng. Khi chất lượng nguồn nhân lực, nhận thức được nâng lên, nhất là nhận thức pháp luật, chắc chắn tham nhũng sẽ giảm. Doanh nghiệp cũng nhận thức được việc dùng kinh phí để “bôi trơn” không giải quyết được vấn đề. Vậy doanh nghiệp chỉ bằng cách cải thiện sản xuất kinh doanh, quản trị kinh doanh tốt hơn, thay cho việc “bôi trơn”.

PV: Thực tế, tình trạng tham nhũng trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, chẳng hạn như vụ Vinalines và Vinashin. Theo ông, cần làm gì để xử lý tình trạng này?

Ông Trần Đức Lượng: Việc tham nhũng ở Vinalines, trước hết do sự tha hóa của người quản trị doanh nghiệp. Thứ hai, về cơ chế, chính sách có những chỗ chưa chặt chẽ. Thứ 3, vai trò kiểm tra, kiểm soát của các bộ ngành, cơ quan nhà nước quản lý lĩnh vực đó chưa hiệu quả, hoặc phát hiện ra nhưng xử lý chưa nghiêm. Cuối cùng, việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ quản trị doanh nghiệp chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả.

Nếu đã tìm được nguyên nhân, cần phải sửa. Đó là phải xem lại cách phân cấp đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước, các thiết chế về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hiệu quả hơn. Đặc biệt, kiểm soát nội bộ cần phải được đẩy mạnh hiệu quả.

PV: Ông có ý kiến như thế nào về việc dư luận cho rằng, ở nước ta, xử lý các vụ tham nhũng chưa nghiêm?

Ông Trần Đức Lượng: Việc phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật trước hết phải tuân thủ pháp luật. Lỗi ở mức độ nào sẽ xử lý theo mức độ đó. Luật pháp của nước ta đã có chế tài xử lý các sai phạm, nhưng thường được áp dụng những tình tiết giảm nhẹ, trong đó, có trường hợp áp dụng đúng, có trường hợp áp dụng sai. Khi áp dụng những tình tiết giảm nhẹ, việc xử lý cũng không nghiêm.

Thứ nữa, người đứng đầu có trách nhiệm tổ chức công tác phòng chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của mình. Nếu để xảy ra sai phạm thì bản thân người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì đã để xảy ra vi phạm trong phạm vi của mình quản lý. Tâm lý chung là khi xử lý các vi phạm thường xử lý nhẹ đi, giảm trách nhiệm cho chính người đứng đầu.

PV: Theo ông, việc xử lý trách nghiệm người đứng đầu cần được thực thi như thế nào?

Ông Trần Đức Lương: Hiện nay, Bộ Nội vụ đã được giao nghiên cứu, sửa đổi Nghị định của Chính phủ trước đây về quy định trách nhiệm người đứng đầu. Nghị định này, Chính phủ cũng đã cho ý kiến. Hiện nay các cơ quan cũng đang tiếp thu ý kiến của các thành viên Chỉnh phủ để hoàn thiện và trình Thủ tướng trong thời gian tới. Khi Nghị định được ban hành, chúng ta sẽ tìm hiểu một cách đầy đủ, chi tiết hơn.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta vẫn phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu, về trách nhiệm chính trị, pháp lý, kể cả trách nhiệm về đạo đức, nghề nghiệp. Cần tăng thiết chế kiểm soát người đứng đầu, thực hiện trách nghiệm người đứng đầu. Phải tăng kiểm soát người thực hiện quyền lực công, sẽ thúc đẩy người đứng đầu thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình./.

Thu Thủy/VOV online (ghi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *