(kontumtv.vn) – Rằm tháng 7 là cái Tết lớn thứ 2 trong năm của người Nùng quê ở Cao Bằng. Họ gọi đây là Tết “Pây tái”, nghĩa là “về ngoại”. Vào ngày này, những người con gái sau khi đi lấy chồng sẽ cùng chồng và con cái trở về thăm và báo hiếu bố mẹ bên ngoại. Ngoài ý nghĩa đoàn viên, thể hiện sự biết ơn đối với đấng sinh thành, Tết “Pây tái” ngày nay còn là cách để những người dân tộc Nùng lưu giữ giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Sáng 14 tháng 7 âm lịch, không khí làng Đăk Xuân, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà rôm rả hơn thường lệ. Ngôi nhà già làng Luân Quang Phượng nằm giữa thôn hôm nay vui hơn mọi khi. Từ chiều 13, những cô con gái nhà ở ngoài thị trấn đã cùng chồng con, tay xách nách mang nào vịt gà, nào bánh trái về nhà ngoại ăn Tết. Sáng sớm, khi mặt trời chưa ló dạng, tiếng trò chuyện, tiếng giã bột làm bánh đã rộn ràng.  Chị Luân Thị Đồng tay đang thoăn thoắt, thuần thục gói từng chiếc bánh tro, vừa tranh thủ kể về kinh nghiệm mấy chục năm làm bánh của mình: “Mình lọc lấy nước và từ nước tro đó mình gạn lấy 2 – 3 lần đi cho nước thật trong. Sau đó ngâm gạo nếp, gạo nếp chọn lọc lấy riêng làm bánh tro cơ, chứ còn lẫn với gạo tẻ nhiều là bánh không dẻo, không được thơm và màu không đẹp. Lá đót có mùi thơm đặc trưng, làm màu bánh rất vàng, mượt óng ánh.”

Người Nùng có thói quen làm các loại bánh vào những dịp lễ, tết. Với họ, sự tất bật của các thành viên trong gia đình chính là gia vị hoàn hảo làm nên không khí Tết. Mỗi gia đình người Nùng thường làm nhiều loại bánh truyền thống vào dịp này. Bánh gai là loại bánh yêu thích của họ. Bánh khi hấp chín có màu đen tuyền bắt mắt, mượt mà, quyện vị ngọt của bột nếp với vị bùi bùi của nhân đậu mè, ăn rất dẻo và dai. Với người Nùng, công thức để tạo ra những chiếc bánh gai chuẩn màu, mùi, vị phải có sự kết hợp từ kĩ thuật lẫn kinh nghiệm từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến khi vắt bánh lên giàn cho ráo nước. Chị Luân Thị Hiệp ở thôn Đăk Xuân, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà chia sẻ về kinh nghiệm mấy chục năm làm bánh gai của mình: “Để làm bánh gai thì đầu tiên có lá gai, chọn kĩ lá non, không sâu, đem phơi. Quan trọng là luộc bằng nước tro tạo màu sắc đẹp, khi lên bánh bánh dai và ngon hơn. Nhân thường là đậu phộng rang, giã với đường, quan trọng là khâu chế biến luộc phù hợp với nhiệt độ và thời gian chế biến lên thành phẩm đẹp.”

Gần 10 giờ sáng, khi công đoạn làm bánh vừa kết thúc thì cũng bắt đầu soạn mâm cỗ thờ cúng tổ tiên. Mâm cúng Rằm tháng 7 của người Nùng không cầu kỳ về loại đồ cúng và số lượng, nhưng thường sẽ có một con gà hoặc vịt luộc, đĩa bánh truyền thống, rượu gạo, ít đồ mã… Nét khác biệt trong văn hóa thờ cúng của người Nùng là có nhiều hình cắt từ những tờ giấy ngũ sắc, mô phỏng của cải vật chất mà người còn sống muốn gửi cho tổ tiên và người đã khuất. Việc dâng mâm cúng vào ngày này không chỉ để tỏ lòng thành kính với tổ tiên mà còn gửi gắm mong cầu bình an, phát đạt của gia chủ. Ông Luân Quang Phượng, già làng thôn Đăk Xuân, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà cho biết: “Từ ngày xưa, cứ theo các cụ ngày xưa mà làm, vẫn cứ phát huy ngày Tết nguyên đán, rằm tháng 7 theo phong tục ngày xưa làm, chẳng qua không đầy đủ như ngoài quê, bỏ bớt rườm rà đi rồi. Ngoài quê nhiều cái kiêng cữ khó khăn quá, bây giờ nếp sống mới, cái nào tốt phát huy, cái nào không mình bỏ, không làm rườm rà nữa.”

Qua thời gian, tiếp nối nhiều thế hệ, Tết tháng 7 của người Nùng đến nay vẫn vẹn nguyên những giá trị truyền thống. Bất kể ở đâu, làm gì, vào ngày này, những người con của dân tộc Nùng đều hướng về quê hương như một thói quen không thể bỏ. Ông Trương Văn Học, Bí thư chi bộ thôn Đăk Xuân, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà cho hay: “Đây là dịp con cháu hỏi thăm sức khỏe bên ngoại, cũng là dịp giữ gìn bản sắc để mai mốt con cháu biết được. Buổi chiều đi bên ngoại, gia đình có điều kiện mang theo con vịt, không có điều kiện mang lốc nước, đi không cũng được. Thuyền theo lái, gái theo chồng, sống đâu ở đấy, gia đình bác có con dâu người Kinh đến đây phong tục thế cho con dâu đem con vịt sang ngoại hỏi thăm sức khỏe.”

Tết rằm tháng 7 của người Nùng thường kéo dài trong 3 ngày, từ 13 đến 15 âm lịch. Năm nay, dù không khí Tết có phần trầm lắng hơn, việc tổ chức cũng đơn giản hơn để đảm bảo quy định phòng chống dịch, nhưng những giá trị, tinh thần cốt lõi vẫn được duy trì. Đây cũng chính cách người Nùng trên mảnh đất Tây Nguyên gửi đi những thông điệp cho các thế hệ sau về bản sắc văn hóa truyền thống quê hương mình./.

Chung Loan – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *