(kontumtv.vn) – Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các địa phương trên địa bàn huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân tộc thiểu số trong việc chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trước đây, cũng như nhiều hộ DTTS trong thôn Kon Krơk, xã Ngọk Réo, kinh tế gia đình ông A Yuôk phụ thuộc vào việc canh tác các loại cây ngắn ngày như mì, lúa đồi trên diện tích đất rẫy nằm sát lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà. Thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất, cái nghèo cứ đeo bám gia đình ông suốt thời gian dài. Đến năm 2018, nhờ vay vốn từ quỹ sinh kế được trích từ tiền dịch vụ quản lý bảo vệ rừng giao về thôn quản lý, gia đình ông có tiền đầu tư trồng cà phê và mua phân bón, chăm sóc vườn cây. Kinh tế gia đình từ đó phát triển ổn định hơn. Ông A Yuôk chia sẻ: “Thực hiện chủ trương của Đảng thì bà con cũng dần dần thay đổi cách sống của mình. Phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển kinh tế gia đình. Mọi người dân nhận thức được việc mình không làm thì không có gì để xóa đói giảm nghèo. Từ đó tự ý thức vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân”.

Thôn Kon Krơk, xã Ngọk Réo có 135 hộ DTTS với trên 600 nhân khẩu. Trước đây, hầu hết người dân vẫn quen tập quán phát rừng làm rẫy, canh tác cây mì và lúa đồi, cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Những năm gần đây, từ quỹ sinh kế trích từ tiền dịch vụ quản lý bảo vệ rừng. Nhiều hộ dân trong thôn đã tiếp cận nguồn vốn vay không lãi suất để đầu tư phát triển kinh tế, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, bời lời vào sản xuất bền vững. Đến nay, thôn đã có 26 ha cây cà phê, 54 ha cao su, 75 ha bời lời và trên 20 ha lúa nước cho năng suất ổn định, đời sống người dân đã phát triển rõ nét. Nhiều hộ sau khi thoát nghèo đã vươn lên làm giàu chính đáng. Ông A Klé, Bí thư Chi bộ thôn Kon Krơk, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà cho biết: “Chúng tôi cũng đã chỉ đạo ban quản lý thôn họp tuyên truyền các ngành, đoàn thể, hội viên, đoàn viên, ban quản lý thôn và hệ thống chính trị thực hiện tốt các chủ trương của chi bộ, của xã trong việc phát triển kinh tế. Chăm sóc cây mì, cây lúa, cây cà phê. Nhất là diện tích cà phê thì thôn chúng tôi đã phát triển được nhiều hơn so với những năm trước đây”.

Tại xã Đăk Pxi, để giúp người dân chủ động trong phát triển kinh tế, khắc phục tình trạng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, từ nguồn tiền giao khoán quản lý bảo vệ rừng gần 1,5 tỷ đồng mỗi năm giao về 05 thôn, xã vận động các tổ cộng đồng khu dân cư trích lại 30% tạo sinh kế cho bà con phát triển kinh tế, hỗ trợ cho vay không lãi suất đối với các hộ có nhu cầu. Năm 2020, xã triển khai mô hình nuôi heo sọc dưa cho 27 hộ gia đình tham gia. Bên cạnh việc được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, các hộ còn được hỗ trợ tiền vốn không lãi suất trong vòng 2 năm để mua con giống. Bước đầu, mô hình đã phát huy hiệu quả nhờ tận dụng được lợi thế về nguồn thức ăn tự nhiên và phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con. Ông Nguyễn Hữu Sơn, Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi noí: “Khoảng 30% quỹ bảo vệ phát triển rừng đấy thì chúng tôi làm cái quỹ để cho bà con vay. Ví dụ một mô hình mà họ có 20 triệu rồi thì người ta xây chuồng trại, còn lại thôn hỗ trợ vốn để mua giống ban đầu. Sau này người ta phát triển được rồi thì tự người ta sẽ nhân rộng ra”.

Anh A Cường (thôn Đăk Vét, xã Đăk Pxi) nói: “Mình đã được đi học rồi, thầy cô cũng chỉ cho mình cách chọn giống, cách phòng dịch bệnh rồi và hiểu biết về chăn nuôi rồi. Thì mình phải làm trước đã, nếu thấy phát triển tốt thì tuyên truyền bà con làm theo để vươn lên thoát nghèo”.

Nhờ quyết tâm của hệ thống chính trị, sự linh hoạt trong việc hỗ trợ để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Đăk Pxi giảm từ trên 65% năm 2016 xuống còn dưới 40% vào cuối năm 2020. Đáng quan tâm hơn, nhận thức trong việc sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ quản lý bảo vệ rừng để chủ động thoát nghèo, phát triển kinh tế trong vùng DTTS được nâng lên đáng kể. Từ đó, tạo tiền đề để xây dựng các mô hình về trang trại kinh tế hộ gia đình, trồng trọt kết hợp với chăn nuôi để phát triển mang tính bền vững thay cho tập quán xâm lấn đất rừng làm nương rẫy như trước kia. Ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết: “Cùng với sự đồng tình của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì tới thời điểm này, nhiều hộ dân có điều kiện hơn đã chủ động nhường cái nguồn quỹ sinh kế này cho các hộ dân có ít điều kiện . Và họ đã tự đầu tư để phát triển kinh tế của gia đình mình”.

Thực tế cho thấy, việc làm thay đổi tư duy, nhận thức để người dân chủ động vươn lên, nhất là trong vùng DTTS luôn giữ vai trò then chốt trong công tác giảm nghèo đi vào chiều sâu và mang tính bền vững. Để làm được điều này, bên cạnh sự hỗ trợ bằng chính sách của Nhà nước, việc linh hoạt sử dụng quỹ sinh kế từ tiền dịch vụ quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ ĐBDTTS phát triển kinh tế gia đình như tại huyện Đăk Hà đã góp phần quan trọng cho người dân nhận thức rõ hơn về việc chủ động thoát nghèo bền vững.

                                                                 CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *