(kontumtv.vn) – Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của giáo dục đối với đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài, những năm qua, tỉnh Kon Tum luôn quan tâm đầu tư phát triển giáo dục. Dù vậy, với một địa phương kinh tế còn hạn chế, công tác xã hội hoá gặp nhiều khó khăn nên việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho giáo dục tại một số nơi chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến công tác dạy và học ở địa phương. Trước thực tế này, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục phần nào những khó khăn khi các đơn vị trường học thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Trường TH-THCS Lý Tự Trọng đứng chân trên địa bàn thôn Trung Năng, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei. Năm học 2023-2024, trường có hơn 600 học sinh, 23 lớp học và 15 phòng học, trong đó, 11 phòng dành cho bậc Tiểu học và 04 phòng của bậc THCS. Với số lượng phòng học còn ít như hiện nay, nhà trường mới đảm bảo học 02 buổi/ngày cho khối lớp 01 và 02, riêng khối lớp 03, lớp 04 phải mượn phòng hiệu bộ để giảng dạy đủ 02 buổi/ngày. Nhà trường hiện còn thiếu 8 phòng học, 6 phòng bộ môn, chưa kể nhà đa năng, thư viện và phòng truyền thống. Ngay cả khu hiệu bộ đến nay cũng xuống cấp. Đây là phòng làm việc chung của tất cả Ban giám hiệu và nhân viên trong trường. Khó khăn là vậy nhưng nhà trường vẫn nỗ lực hết sức để triển khai công tác dạy và học đảm bảo theo chương trình đề ra. Thầy giáo Đặng Quốc Vũ – Hiệu trưởng Trường TH-THCS Lý Tự Trọng cho biết: “Từ thiếu cơ sở vật chất như thế chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, trong đó, thực hiện chương trình GDPT 2018, đối với khối 03, khối 04 và năm nay là khối 6, 7, 8 thực hiện đầy đủ 02 buổi/ngày chưa đảm bảo. Khắc phục điều này, nhà trường đã làm việc với Uỷ ban thị trấn mượn hội trường thôn để thực hiện dạy trái buổi và hợp đồng thỉnh giảng 02 cô ở Trường THCS Đăk Pét trên địa bàn sát Đăk Glei để thực hiện chương trình chính khoá cho các em. Nói chung làm thế nào cho nó hợp lý nhất, phương châm tất cả ưu tiên cho học sinh. Cơ bản đến giờ phút này, thầy cô đã đảm bảo ổn định đi vào giảng dạy ở tất cả các khối lớp.”

Trong năm học 2023-2024, với gần 350 học sinh, 12 lớp và 9 phòng học, Trường THCS xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông hiện còn thiếu 03 phòng học, khoảng 40 bộ bàn ghế. Vì quỹ đất tương đối hạn chế nên trường chưa thể xây dựng phòng học đa năng và thư viện. Thiếu nhiều phòng học cũng như cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, điều này đồng nghĩa với việc cả thầy và trò của các trường phải nỗ lực hơn rất nhiều, nhất là trong triển khai công tác dạy và học đối với Chương trình GDPT 2018. Với môn thể dục, trường mượn sân Nhà rông văn hoá của thôn để các em học tập. Thầy giáo Hoàng Văn Hải – Hiệu trưởng Trường THCS xã Đăk Tờ Kan cho biết trong khi chờ nguồn kinh phí đầu tư của địa phương, nhà trường chủ động các giải pháp để từng bước khắc phục khó khăn hiện tại: “Thiếu cơ sở vật chất thì nhà trường tổ chức học 02 ca/ngày, nghĩa là buổi sáng học khối 6, khối 9, buổi chiều khối 7, khối 8. Về việc thiếu về bàn ghế, cơ bản nếu học 02 ca/ngày thì bàn ghế cũng vừa đảm bảo, còn nếu học 01 ca/ngày thì sẽ thiếu 40 bộ. Về thiết bị thì dựa trên cơ sở những thiết bị sẵn có, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên làm một số đồ dùng dạy học tự làm để phục vụ cho công tác dạy học.”

Việc thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không chỉ diễn ra ở những vùng khó khăn mà ngay cả ở vùng thuận lợi, nhiều trường học cũng gặp phải tình trạng này. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn lực đầu tư còn hạn chế trong khi công tác xã hội hoá gặp nhiều khó khăn. Bà Phạm Thị Trung – Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Trước những khó khăn, thách thức lớn như thế này thì để triển khai có hiệu quả, ngành GD&ĐT xác định trước hết tiếp tục tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp quan tâm huy động mọi nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT, đầu tư từng bước và xác định ưu tiên đầu tư cho việc đầu tư phòng học, trang thiết bị dạy học, công trình vệ sinh nước sạch, nhà ở bán trú cho học sinh và các thiết bị dạy học khác để đáp ứng yêu cầu triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.”

Mỗi năm, tỉnh Kon Tum đều dành nguồn kinh phí lớn đầu tư cho giáo dục. Năm học 2022-2023, tỉnh huy động trên 280 tỷ đồng, trong đó, hơn 50 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và trên 230 tỷ đồng ngân sách địa phương và nguồn xã hội hoá để đầu tư cho GD&ĐT. Từ nguồn kinh phí này, các địa phương xây mới gần 145 phòng học, hơn 40 công trình vệ sinh nước sạch, 11 nhà ăn, nhà bếp; cải tạo, sửa chữa trên 430 phòng học, nhà vệ sinh, phòng ở cho học sinh, khu hành chính quản trị; đồng thời mua mới 780 máy tính, 125 ti vi 65 inch và 2.400 bộ bàn ghế… Đến đầu năm học 2023-2024, trên địa bàn tỉnh xoá gần 50 phòng học tạm, phòng học mượn với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Tất cả đều hướng đến mục tiêu rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số trên cơ sở đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo lộ trình đề ra./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *