(kontumtv.vn) – Việc phụng dựng lại sư tử đá chùa Thông là cần thiết trong bối cảnh rất nhiều đình chùa, đền miếu sử dụng tràn lan mẫu sư tử đá kiểu Trung Quốc.

 Lời giới thiệu: Hiện nay, các cơ quan chức năng thực hiện việc di dời những con sư tử đá kiểu Trung Quốc và các hiện vật lạ ra khỏi di tích theo Luật Di sản và để thực hiện công văn 2662 của Bộ VHTT&DL về không sử dụng hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mĩ tục tại di tích và nơi công sở. Nhiều người bắt đầu tự hỏi vậy linh vật của Việt Nam là gì? Việt Nam có sư tử đá hay không? Vì sao linh vật và sư tử đá của Việt Nam lại dần biến mất khỏi đời sống văn hoá? Việc đông đảo dư luận cùng đặt câu hỏi như vậy vừa là một điều đáng buồn với một nền văn hoá, nó cho thấy một sự đứt gãy văn hoá, một khoảng trống trong nhận thức, nhưng cũng là một tín hiệu đáng mừng cho thấy người dân đã bắt đầu quan tâm hơn đến bản sắc văn hoá Việt Nam. Để giúp độc giả hiểu hơn về linh vật Việt Nam, Trà Xanh trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế về công việc phục dựng một mẫu tượng sư tử đá, qua đó hiểu hơn, thấm thía hơn về những thăng trầm trong lịch sử của các linh vật Việt Nam.

Bản phục dựng tượng sư tử đá chùa Thông (Thanh Hóa)

Trong những hiện vật ít ỏi còn sót lại của mỹ thuật thời Trần là tượng sư tử đá chùa Thông ( Thọ Vực, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Đây là hình ảnh hiếm hoi của sư tử đá dưới dạng tượng tròn còn lưu lại đến nay của mỹ thuật Đông A. Có thể đinh ninh rằng, sư tử đá Đại Việt gắn bó mật thiết với Phật giáo đã phát triển đến độ tuyệt mỹ thời Lý Trần. Và chắc chắn rằng đó là những con sư tử đá mang một bản lĩnh văn hóa riêng, cất tiếng gầm hùng tráng, vang vọng đến tận hôm nay. Tiếc rằng chiến tranh và loạn lạc đã cướp đi rất nhiều những di sản vô giá của mỹ thuật Việt, trong đó có các bức tượng sư tử đá.

Một trong những khó khăn trong nghiên cứu mỹ thuật Lý – Trần là mức độ tàn phá khủng khiếp của giặc Nguyên ( thế kỷ XIII)  và đặc biệt là nhà  Minh (thế kỷ XIV). Nếu chúng ta đọc những dòng này trong cuốnViệt kiều thư 越嶠書của sử thần Lý Văn Phượng 李文鳳, soạn năm 1540, chúng ta hình dung được mức độ tàn khốc của chính sách tận diệt văn hóa:  “ Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại [sách] ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu“Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữ chớ để còn”

Với chỉ dụ này thì trong 20 năm Minh thuộc, tất thảy các giá trị tinh hoa của Đại Việt đã phút chốc trở thành tro bụi. Không chỉ An Nam tứ đại khí , mà những linh vật người Việt trong các tự miếu lăng tẩm, thành quách cũng bị đập phá tan tành. Bức tượng sư tử đá chùa Thông là một di vật may mắn còn sót lại đến hôm nay, rất xứng đáng được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dưới dạng phiên bản.

Chùa Thông tên chữ là Du Anh thuộc địa phận xã Vĩnh Ninh, dưới chân lèn đá phía Tây núi Xuân Đài, cách Thành Nhà Hồ khoảng 4,5km về phía Tây Nam. Có lẽ thời Trần đây cũng là một ngôi chùa lớn (đại danh lam) mang tên công chúa Du Anh. Tượng sư tử đá chắc khi xưa là một đôi nhưng nay chỉ còn một và mặt bị đập vỡ, không còn thấy mắt, mũi phần hàm phía trước. Từ kiểu vỡ này có thể phỏng đoán đó là kết quả của những cú va đập lớn một cách cố ý. Trong quan niệm của người xưa, người hay linh vật thì ngũ quan là tối hệ trọng. Việc các bức tượng bị chặt đầu, các hình vẽ trong Phật động ở Tân Cương – Trung Quốc bị đục mắt mũi là cách thức để để giết chết các hình tượng .

Phiên bản tượng sư tử đá chùa Thông (Thanh Hóa)

Bức tượng đá chùa Thông được xác định niên đại theo ngôi chùa 1270. May mắn là ngoài phần mặt, các phần khác của cơ thể khá nguyên vẹn cho thấy những dấu ấn phong cách nghệ thuật Lý-Trần khá rõ. Thân sư tử mình tròn đầy đặn, phủ kín các khoáy hoa văn; đầu ngẩng miệng há nhìn lên trên. Nghệ nhân diễn tả sư tử trong tư thế gầm. Theo Meher McArthur (Reading Buddhist Art: An Illustrated Guide to Buddhist Signs and Symbols, Thames & Hudson ,2004), thì sư tử tượng trưng cho chư Phật có liên quan đến vấn đề lịch sử xuất thân của Tất Đạt Đa hơn là ý nghĩa hình tướng của sinh vật này. Tuy vậy, hình ảnh sư tử gầm vang đã trở thành một thuật ngữ Phật giáo – SƯ TỬ HỐNG. Tư thế oai phong của sư tử được coi là nguyên do của thuật ngữ Sư tử phấn tam muội. Thám huyền kí, q.18 viết: “ nói như sư tử khi hiên ngang chồm dậy móng vuốt răng sắc mở ra, lông bờm dựng ngược, hiện tướng gào thét dũng mãnh, khiến cho các loài thú khác sợ oai lẩn trốn, giúp cho sư tử con tăng thêm dũng mãnh, thân lớn nhanh chóng. Chư Phật cũng như vậy. Một là phấn chấn thân đại bi pháp giới, hai là mở rạ căn môn đợi bi, ba là dựng ngược lông đại bi, bốn là hiện oai ứng cơ, hét pháp môn pháp giới, khiến cho bậc nhị thừa và các loài thú đều như điếc mù mà lẩn trốn cả, Bồ-tát và chư Phật tử thì tăng trưởng thêm ngàn vạn Tam-muội và Đà-la-ni nhiều như biển.”- Từ điển Phật giáo Hán Việt, Nxb Khoa học xã hội, tr.1081.

Bản phục dựng nhìn từ phía sau

 Để mô tả sư tử gầm vang, nhất thiết miệng phải há, đầu hướng về trước và có xu hướng ngửa lên trên . Đây là tư thế chung của các loài thú khi cất tiếng kêu để được vang xa. Trong Phẩm Sư tử hống bồ tát thứ hai mươi ba có viết: “ Như Sư Tử chúa tự biết sức lực nanh răng nhọn bén, bốn chân chống đất đứng trong hang vẩy đuôi gầm ra tiếng. Nếu có người nào đủ những tướng như vậy phải biết rằng có thể rống như Sư Tử, thiệt là Sư Tử chúa sáng sớm ra khỏi hang vươn vai ngáp nhìn ngó bốn phương, cất tiếng rống to.” Như vậy sư tử gầm (sư tử hống) được giải thích trong văn bản kinh Phật không chỉ thuần túy dưới ý nghĩa giáo lý mà trong giải thích này thể hiện sự quan sát từ góc độ sinh vật học.

Hình ảnh sư tử gầm. Ảnh: Sưu tầm

Một đặc điểm rất đặc biệt của sư tử đá chùa Thông là cách làm bờm gáy dựng lên thể hiện một hùng khí sung mãn. Kiểu thức này ta đã thấy trong hiện vật đất nung đầu sư tử thời Lý. Dẫu rằng có chút khoa trương của nghệ thuật, nhưng theo dõi các hình ảnh sư tử gầm ta cũng có thể thấy bờm dựng lên khi gầm, đặc biệt khi gặp gió thổi mạnh. Kiểu thức tạo hình này cũng bắt gặp trong tạo tác sư tử vùng Hoa Nam (nhưng không thấy trong sư tử đá phương Bắc) và ngay cả ở vùng Hoa Nam cũng là hi hữu.

Bờm sư tử dựng lên được cách điệu như một đợt sóng lớn. Đầu sư tử bằng đất nung thời Lý tại Bảo tàng Lịch sử

Căn cứ vào phong cách sư tử đá nghệ thuật Lý- Trần, chúng tôi mạo muội đưa ra bản phục dựng như sau: Phần trán sẽ có chữ Vương và đội miện báu. Miệng có thể ngậm ngọc. Việc phụng dựng lại sư tử đá chùa Thông là cần thiết trong bối cảnh rất nhiều đình chùa, đền miếu đều nhất nhất sử dụng mẫu sư tử đá Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc đã bị các nhà khoa học, công chúng lên tiếng phê phán và Bộ VHTT&DL ra văn bản khuyến cáo không sử dụng tại di tích và nơi công cộng. Bản phục dựng này tuy là những hư cấu, phỏng đoán nhưng dựa trên những nghiên cứu khoa học. Nhưng cũng như mọi giả thuyết khoa học nó cần được tranh biện, cần được thực tế đời sống chứng minh./.

CTV Trần Hậu Yên Thế/VOV.VN
Nhà nghiên cứu Mỹ thuật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *