(kontumtv.vn) – Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Với tinh thần quyết tâm cao và sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch, tỉnh Kon Tum đã sẵn sàng cho năm học mới.

Lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 bằng hình thức online, trực tuyến của tỉnh Kon Tum đã diễn ra ý nghĩa, ngắn gọn và thành công. Đây là điểm khởi đầu tốt để ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ năm học với chủ đề chủ động, linh hoạt, hoàn thành nhiệm vụ năm học. Theo đó, các thầy, cô giáo, các em học sinh đều phấn khởi, sẵn sàng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ  dạy và học với tinh thần đồng thuận, đoàn kết, nỗ lực cao. Cô giáo Nguyễn Thị Ánh, Trường tiểu học Lê Qúy Đôn, huyện Đăk Tô chia sẻ: “Khai giảng thì chúng tôi bắt tay ngay vào việc giúp các em củng cố kiến thức sau 1 thời gian dài nghỉ dịch và phát huy hết khả năng, năng lực của mình để truyền đạt kiến thức cho các em.”

Năm học 2021-2022 tỉnh Kon Tum có trên 370 cơ sở giáo dục ở các bậc học  mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Toàn tỉnh có 164.300 học sinh, tăng 2.700  em so với cùng kỳ năm trước và có trên 11.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo đã đầu tư trên 97 tỉ đồng để xây mới, sửa chữa trường lớp. Công tác chuẩn bị cho chương trình sách giáo khoa mới 2018 và trang bị dụng cụ học tập, sách giáo khoa cho học sinh trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo từ vùng thuận lợi đến khu vực khó khăn. Việc khắc phục thiếu trên 1.200 giáo viên và gần 500 nhân viên để thực hiện chương trình đổi mới được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ. Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: “Đội ngũ giáo viên hiện nay vẫn đảm bảo để triển khai chương trình giáo dục phổ thông. Đặc biệt đảm bảo triển khai chương trình lớp 1, lớp 2 và lớp 6, đảm bảo dạy lớp 1 hai buổi trên ngày. Ở một số địa phương thiếu giáo viên như huyện Ia Hrai thì tỉnh linh hoạt có cơ chế hợp đồng giáo viên để đảm bảo việc đứng lớp. Việc hợp đồng này là giải pháp trước mắt. Về lâu dài thì kiến nghị Trung ương bố trí biên chế để đảm bảo sự ổn định của bộ máy.”

Xác định việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, Sở GD&ĐT phối hợp cùng ngành y tế và các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp, tương ứng với các cấp độ nguy cơ và nguy cơ cao. Trong đó, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Y tế triển khai các phương án dạy học gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tương ứng với vùng an toàn, vùng xanh và vùng đỏ để triển khai các điều kiện dạy học.

Trên cơ sở chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học chủ động áp dụng  phương thức “Dạy học thích ứng trong tình hình bệnh dịch phức tạp”. Đội ngũ cán bộ, giáo viên khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nơi không thể triển khai dạy học trực tuyến đã chủ động đến từng khu dân cư vận động phụ huynh, học sinh để triển khai kế hoạch dạy học có hướng dẫn tại cộng đồng. Các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực vào cuộc để hỗ trợ ngành giáo dục trong việc huy động học sinh ra lớp và chuẩn bị các điểm học tập tại thôn, làng. Thầy giáo An Văn Sáu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết UBND huyện đã ban hành phương án tất cả các trường tổ chức các lớp tại các thôn theo ngày theo hình thức lớp ghép. Ngoài ra, cũng đã có ý kiến với Huyện đoàn để trưng tập số thanh niên ở thôn nào khi thôn đó bị phong tỏa thì số thanh niên đó tham gia cùng với giáo viên hướng dẫn học sinh học tập. Với trường Tiểu học Đặng Trần Côn, thành phố Kon Tum, cô giáo Đậu Thị Lan – Hiệu trưởng nhà trường cho biết không có điều kiện dạy học trực tuyến, nhà trường tổ chức phương án dạy học theo nhóm ở từng điểm thôn theo quan điểm học sinh thôn nào học tại điểm đó và đội ngũ giáo viên sẽ phân một nhóm giáo viên phụ trách một thôn để các em được 1 buổi/ngày.

Bên cạnh phát huy tốt kết quả dạy học trực tuyến của năm học trước, các trường học khu vực thuận lợi cũng chủ động áp dụng các phương pháp mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy trực tuyến. Theo đó, khoảng 72% học sinh THPT, khoảng 60% học sinh THCS  và 45% học sinh bậc tiểu học học trực tuyến vào ngày 6/9. Trên cơ sở vận động, hướng dẫn của các trường học và đội ngũ giáo viên, phương pháp dạy học trực tuyến đã được các bậc phụ huynh và các em học sinh đồng thuận hưởng ứng. Chị Đỗ Thị Hải Yến ở TP. Kon Tum chia sẻ: “Gia đình cũng đồng hành cùng với các cháu, chuẩn bị tư thế sẵn sàng hết để chuẩn bị bước vào một năm học online, cũng cố gắng đồng hành cùng các cháu và cô giáo để các cháu đạt kết quả tốt nhất.

Việc chuẩn bị tốt cho năm học 2021-2022 sẽ tạo thuận lợi cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa tổ chức dạy và học tốt trong năm học mới. Qua đó, từng bước đưa Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh về chăm lo, phát triển sự nghiệp GD&ĐT vào thực tiễn cuộc sống.

Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *