(kontumtv.vn) – Với tình cảm đặc biệt dành cho đất nước Lào, nhiều thế hệ người Việt Nam đã thể hiện bằng nhiều việc làm cụ thể. Qua đó, góp phần tô thắm tình hữu nghị Việt -Lào trong bối cảnh hiện nay, một mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, từ lâu đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc.

Đất nước Lào đối với chị Lê Thu Huyền là một phần của tuổi trẻ. Chị có cơ hội học tại Khoa ngôn ngữ, trường Đại học Quốc gia Lào, khoá 2006-2012. Trong khoảng thời gian đó, chị xác định cần tập trung học tập, nghiên cứu; đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện. Niềm tự hào của chị là được Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động lưu học sinh. Qua đó, mang đến hình ảnh đẹp về Việt Nam trên đất nước Lào. Hiện nay chị đang làm phiên dịch viên tiếng Lào. Lựa chọn này giúp chị phát huy được kỹ năng, kiến thức về ngôn ngữ, văn hoá Lào đã được học, cũng như có dịp quay lại Lào công tác và hỗ trợ những người bạn Lào khi đến Việt Nam. Chị Lê Thu Huyền, phiên dịch viên, Công ty dịch thuật Chăm Pa, thành phố Kon Tum cho biết: “Vào thời điểm mình sang đó học, ban đầu mình cũng gặp nhiều khó khăn do mình không biết tiếng. Khi mình đi học, được gặp các bạn Lào và thầy cô giáo người Lào thì mình cảm nhận được con người ở bên đó họ rất hoà đồng và mến khách. Từ thầy cô giáo đến bạn bè luôn luôn giúp đỡ mình trong học tập và các hoạt động bên lề”.

Ông Phan Đức Luận từng tham gia lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào và nguyên Hiệu trưởng Trường Lưu học sinh Lào tỉnh Gia Lai – Kon Tum, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Kon Tum. Qua các vị trí công tác, ông đều có nhiều tâm huyết trong việc gây dựng tình hữu nghị Việt – Lào. Cụ thể, cùng lực lượng vũ trang Lào chiến đấu chống Đế quốc Mỹ; đóng góp trong công tác dạy học, nuôi dưỡng học sinh Lào tại tỉnh Gia Lai-Kon Tum và hoạt động gắn kết, giao lưu văn hóa quốc tế. Hiện nay đã nghỉ hưu, tình cảm dành cho nước Lào được ông tiếp tục chuyển tải vào âm nhạc. Ông Phan Đức Luận cho biết, bản thân rất vui vì mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Nam Lào ngày càng phát triển toàn diện. “Hợp tác bây giờ không còn đơn phương như ngày xưa chỉ có quân sự, chỉ có đánh nhau mà bây giờ một cách toàn diện, mà toàn diện, phải bền vững trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh và bây giờ mình nói cả ngành giáo dục. Đại học Đà Nẵng cũng đang tập trung đào tạo sinh viên thế hệ sau rất là tốt”.

Thời gian qua, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Lào đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển KT-XH của 2 đất nước. Để duy trì mối quan hệ truyền thống đó, có sự tiếp nối của thế hệ trẻ hôm nay. Chị Lê Thu Huyền, phiên dịch viên, Công ty dịch thuật Chăm Pa, thành phố Kon Tum cho hay: “Từ khi mình ra trường và kể cả những năm sau này mình luôn mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé những kiến thức mà mình đã học được để phục vụ cho công tác của mình và cũng muốn lan toả cho các bạn Lào thấy được những nét đẹp văn hoá Việt Nam để hai bên cùng nhau đoàn kết, hợp tác”.

Ông Phan Đức Luận, Nguyên chiến sỹ Quân tình nguyện Pa Thét Lào, nguyên Hiệu trưởng Trường Lưu học sinh Lào tỉnh Gia Lai – Kon Tum mong muốn: “Theo tôi, bây giờ đối ngoại nhân dân cần được mở rộng. Hiện nay tôi cũng là Uỷ viên của Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt – Lào, tôi mong muốn hội Hội hữu nghị này có điều lệ, có chức năng thì phải làm sao làm thật tốt, phát huy được hội hữu nghị này để mà lan toả ra”.

Những người làm “cầu nối”cho tình hữu nghị Việt -Lào hôm nay như ông Phan Đức Luận và chị Lê Thu Huyền đã lan toả được tinh thần quốc tế đến mọi người, góp phần tô thắm tình hữu nghị của hai dân tộc./.

Cát Tiên – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *