(kontumtv.vn) – Đằng sau các vị tướng này là bao nỗi niềm trận mạc khi kể về những người đồng đội của mình nằm lại ở Điện Biên Phủ

Phần 2: Chiến thắng rồi chỉ ngồi mà thở.

-Đánh chắc, tiến chắc là một chủ trương cực kỳ sáng suốt. – Thiếu tướng Dũng Hà tiếp tục câu chuyện – Chúng ta đã đã có một khoảng thời gian chuẩn bị. Dân công mở đường. Hậu phương tiếp gạo tiếp máu cho mặt trận. Có thể nói là cả nước cùng vào trận Điện Biên Phủ. Thế mà đánh còn rất vất vả. Thế mà trước đây, chúng ta lại định đánh 2 ngày 3 đêm thì không biết đánh làm sao. Tôi nhận lệnh tấn công Đồi A1. Phải nói đó là huyết chiến điểm. Liên tục suốt 38 ngày đêm ta và địch giằng co nhau. Đồi A1 bốc mùi trướng khí. Địch chết rất nhiều, nhưng ta hy sinh cũng không phải ít. Chỉ riêng một tháng đào hào, tiểu đoàn tôi đã mất 60 người rồi. Nhiều lúc lính cũng nản. Pháo 155, hay 105 thì anh em còn biết mà tránh. Đằng này cối 120, cứ như những con lợn con, không có tiếng đề pa, thấy là nổ liền. Lính ngại nhất “thằng” này. Có anh ăn cháo, cáo ốm. Mình lại động viên: “Có gì mà sợ! Địch đang bị động. Ta ở thế bao vây”. “Chúng em có sợ chết đâu. Nhưng đã chết thì phải chết đàng hoàng, chết cho xứng đáng, như khi đánh đồn, hoặc truy quét địch, đằng này lại chết vì đào hào”. Đào hào thì cũng là đánh chứ sao? Vào trận mới biết cái hào rất quan trọng. Chỉ cần có một chỗ nằm là đã tránh được cối 105 rồi. Lính ta cứ thế mà đào. Bắt đầu là chỗ nằm, rồi lấn sâu xuống. Đường hào sâu 1mét7,  rộng 1,3 mét, nghĩa là có thể khiêng chuyển thương binh ở dưới đó được. Lính mình mỗi người cách nhau 5 mét, đào lấn lên. Để anh em yên tâm, mình trườn lên, chỉ còn cách hàng rào địch vài mét. “Có tớ ngồi đây rồi. Các cậu đừng sợ nhé. Cứ đào lên đi”. Địch phản công dữ dội. Bom và pháo oanh kích. Có đoạn hào ngập đến quá đầu gối vì bụi. Bụi rồi máu. Rồi xương thịt anh em. Rồi hầm rượu vang, hầm bộc phá địch bị tập kích. Bộc phá địch chưa cháy hết, tung vàng khè cả một triền đồi…

Đợt 2 của chiến dịch bắt đầu từ ngày 30/3 đến 30/4, tiến công vào tập đoàn cứ điểm phía Đông, gồm các ngọn đồi C1, E, D, A1. Trong đợt tiến công lần 2, một thời gian biểu mới được áp dụng cho bộ đội là ngủ ngày, đánh suốt đêm. Việt Minh dùng chiến thuật vây lấn bằng hệ thống giao thông hào dần bao vây, siết chặt, đào hào cắt ngang cả sân bay, vào tận chân lô cốt cố thủ của địch. (ảnh tư liệu)

-Hồi kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi có gặp Đại tá Xuyên Khung, người đánh hơn một tấn bộc phá ở hầm ngầm hàng rào – Tôi góp thêm – Ông Khung bảo ta đào hầm ngầm trong đêm, lại không có địa bàn nên chệch hướng, đi dích dắc. Khi chạm phải đá gạch thì tưởng là lô cốt. Thực ra chỗ đó còn cách hàng rào đến gần 10 mét. Bộc phá nổ dữ dội. Nghe đồn, những tên lính Pháp bị thương ở các đồn xung quanh cứ hộc máu ra rồi chết. Bọn Pháp hoảng lắm. Chúng tập trung nghiên cứu nhưng chịu không thể xác định được đó là loại vũ khí gì. Không tên nào nghĩ là bộc phá. Vì không có bộc phá nào lại nổ khủng khiếp như thế. Chúng cho là vũ khí mới của Liên Xô. Một phát đã kinh hoàng thế rồi. Đến phát thứ hai thì không thể chịu nổi. Thế là chúng đầu hàng…

Áp giải hàng binh sau chiến thắng Điện Biên Phủ. (ảnh tư liệu)

-Đâu phải thế – Thiếu tướng Dũng Hà ngạc nhiên – Bộc phá nổ là hiệu lệnh Tổng công kích. Nhưng do trục trặc nên nổ chậm so với quy định. Bộc phá nổ âm, nên ở chỗ tôi chỉ thấy rung nhẹ như bị động đất. Đêm 6 tháng 5 nổ bộc phá. Đánh Tổng công kích. 7 giờ tiểu đoàn tôi đã áp sát đồi A1, đi dưới giao thông hào. 8 giờ xung phong. Phải đặt bộc phá khối phá 5 hàng rào địch. Giao chiến rất dữ dội. Đâu phải địch đầu hàng ngay. Mãi đến 4 giờ 30 chiều 7 tháng 5, ta mới làm chủ được đồi A1. Trước đó, 2 giờ 30 chúng tôi còn bị một quả pháo cối 120 chụp đúng đội hình. Chết đến hơn chục người. Cậu Đại đội phó bị thương nặng, dập nát cả hai chân. Anh em đưa đi cấp cứu, nhưng khiêng đến nửa đường thì chết…

Ở chỗ tôi thì tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng bộc phá nổ – Thiếu tướng Hồ Phương cười – Đúng giờ quy định, theo phổ biến bí mật, anh em bịt tai lại và há mồm ra. Nhưng há mồm mãi mà chẳng thấy gì. Gọi điện lên cấp trên mới biết là bộc phá đã nổ rồi. Thế là Tổng công kích. Bấy lâu nay, khi nói đến chiến dịch Điện Biên Phủ, dường như chúng ta chỉ nói đến đồi A1, đến Him Lam, Hồng Cúm. Nghĩa là toàn nói đến mặt trận phía Đông. Điều ấy là rất đúng. Nhưng sẽ lại không đúng, nếu chúng ta bỏ quên mặt trận phía Tây, ở đó có sân bay Mường Thanh. Những trận đánh diễn ra ở phía này cũng rất dữ dội. Anh em mình hy sinh ở đấy cũng không phải ít. Đánh sân bay Mường Thanh là đánh thẳng vào cái dạ dày của địch. Mất sân bay Mường Thanh, địch hết đường tiếp tế. Vì thế mà chúng cố thủ, bảo vệ bằng mọi giá. Tôi vẫn nhớ những trận tấn công phản kích của địch. Một tiểu đoàn lính lê dương có pháo và xe tăng yểm trợ đánh thốc vào giữa đội hình Phòng không xung kích của chúng tôi. Mũi phản công dạt về phía đại đội 79 do anh Quỳ chỉ huy. Anh em hạ nòng 12 ly 8 xuống bắn xe tăng. Rồi sau anh em đánh tay bo bằng kìm, lắc lê và mỏ lết, toàn là những dụng cụ sửa máy. Đúng là tay không chọi với sắt thép. Cả một đại đội bị chà nát, chỉ còn sống sót chừng một hai người. Nếu mũi phản công ấy tràn vào đại đội tôi thì chắc bây giờ tôi cũng đã ở lại, làm đất đai, hoa cỏ Điện Biên rồi. Chúng tôi không có vũ khí đánh bộ. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là đánh đường tiếp viện của địch bằng máy bay. Vì lưới lửa phòng không mà máy bay địch bị hất ngược lên, không thể bay thấp. Vũ khí, đạn dược và lương thực của chúng phải thả ở độ cao nên không trúng mục tiêu. Phần lớn rơi về phía chúng ta. Đến cả quân hàm tướng nhằm động viên an ủi Đờ Cát cũng lại trao vào tay…lính ta. Rồi rượu bia, nước hoa, thịt hộp, dăm bông, pho mát, giấy toa lét, giấy thơm lau miệng, giấy viết thư có in dấu môi hôn của các thiếu nữ Pháp nhằm khích lệ lính Pháp cũng lại rơi vào tay lính ta cả. Như thế, bọn Pháp đã tiếp lương thực, đạn dược cho chúng ta. Ấy là nhờ lưới lửa phòng không…

Sau một tháng chiến đấu, Việt Minh làm chủ nhiều cứ điểm, pháo cao xạ 37 mm của Việt Minh ngày càng tiến sâu vào trận địa. (ảnh tư liệu)

-Kể cũng sướng – Thiếu tướng Chu Phác cười sảng khoái – Chúng tôi cắt cử nhau đi nhặt dù tiếp tế của Pháp. Đào cả hầm đựng đạn dược và đồ hộp. Đạn đại bác chúng tôi chuyển hết lên cấp trên, còn thực phẩm, đạn dược mà sử dụng được, chúng tôi chỉ báo cáo 80% thôi, còn giữ lại một ít làm vốn riêng, phòng khi cơ nhỡ. Các đơn vị khác chắc cũng thế. Đây là một bí mật mà sau hơn nửa thế kỷ, tôi mới lần đầu công bố. Riêng bơ, pho mát thì anh em vứt, vì không ăn quen. Anh em gọi là đồ thối tai. Lính đơn vị tôi, lúc đầu phần lớn đều là dân thành phố. Anh em mang tên phố mình ở ra đặt cho từng đoạn hào ở Điện Biên. Đoạn Hoàn Kiếm, đoạn Hàng Ngang, Hàng Đào. Đoạn Đồng Xuân. Không đánh lại diễn kịch. Trung đội tôi có cậu Vệ chỉ thích bôi thuốc đỏ vào má, đóng con gái. Tôi là anh chỉ huy, thi thoảng còn được nghe văn công hát qua điện thoại. Nhưng khi vào trận thì khốc liệt lắm. Đơn vị tôi ngày nào cũng phải bổ sung lính. Lính nhiều khi là dân công. Mình lại phải huấn luyện anh em, dạy anh em cách bắn súng. Bia là mấy vỏ đồ hộp đặt trên miệng hào. Rồi phổ biến cho anh em biết về chính sách thương binh, chính sách với tù hàng binh. Rồi lại dạy cả anh em mấy câu tiếng Pháp, chủ yếu là bắt địch đầu hàng. Thế là xong “khoá” huấn luyện. Rồi vào trận. Ngày nào tôi cũng phải vuốt mắt cho anh em. Có khi vét giao thông hào, gặp xác ta và địch chồng lên nhau. Sống là kẻ thù không đội trời chung của nhau, nhưng khi chết có khi lại chết chung trong cùng một chiến hào. Một lần anh em moi lại khúc hào bị đất đá san lấp, vớ phải xác Tây. Thằng Tây chết cũng đã lâu nhưng không thấy thối. Anh em dùng dù quấn lại rồi đặt làm bậc cửa hầm. Có lần vỡ trận, lính Pháp chạy nháo cả sang ta. Tôi kiểm tra trận địa, thấy lính rúc vào hầm ếch ngủ, tôi vỗ đít gọi dậy thì hoá ra là một tên lính Pháp. Tù binh ta bắt được cũng nhiều. Nhưng không giết, không giữ mà thả luôn. Thả cho địch thêm khó khăn. Vì chúng đang rất khốn khó do bị cắt tiếp tế. Chúng khóc, rồi lạy như tế sao. Chúng xin được ở lại. Tôi còn đọc thơ của Alphonse de Lamartine bằng tiếng Pháp cho chúng nghe. Chúng kinh ngạc lắm. Không ngờ bộ đội Việt Minh có văn hoá và ăn ở lại rất nền nếp, dù ngay giữa chiến trường…

Nhật báo Le Parisien libéré (Người Paris giải phóng) số ra ngày thứ bảy 8 và chủ nhật 9-5-1954 đưa tin:Điện Biên Phủ thất thủ

Các anh đón nhận chiến thắng như thế nào? – Tôi hỏi – Nghe có người kể trên mạng, chiều 7 tháng 5, chiếm được hầm Đờ Cát, Điện Biên Phủ toàn thắng, anh em nhảy lên reo hò. Có người bị thương cứ lặng lẽ chết vì mất máu. Lúc ấy chẳng còn ai để ý đến nữa?

-Bịa. Người nào kể thế là họ không tham trận mà chỉ giàu óc tưởng tượng – Thiếu tướng Dũng Hà cho biết – Làm sao lại có chuyện thương binh chết lặng lẽ mà không ai biết. Có thể nói, chính sách thương binh liệt sĩ của chúng ta khi ấy làm tốt lắm. Vả lại chúng ta ở thế thắng, làm sao không chăm được anh em. Thực tình chiến thắng đến rất bình dị. 2 giờ 30 phút, địch còn phản kích trận cuối cùng. 4 giờ 30 phút, chúng tôi hoàn toàn làm chủ đồi A1. Cả một ngày chiến đấu quyết liệt, không có một hạt cơm vào bụng, nhưng không thấy đói. Khi ấy, nhìn xuống Mường Thanh, đã thấy lác đác xuất hiện những lá cờ trắng. Sau rồi cờ trắng mọc rất nhiều, lố nhố khắp cả, cả ở khu vực trung tâm. Mình dẫn một trung đội tinh nhuệ băng xuống khu A3. Địch lũ lượt ra hàng, toàn là lính Âu Phi. Chúng ăn mặc rất tề chỉnh. Nhưng cũng có đứa đi giày đinh,  chỉ mặc độc một cái xi lip. Tên nào cũng đeo sẵn một chiếc ba lô to kềnh càng, toàn là quần áo và thức ăn. Có một tên quan ba đi người không. Còn ba lô của hắn thì một tên lính nguỵ đeo vác. Tuy thế, mặt đứa nào cũng rất tươi tỉnh. Có thằng còn kêu lên bằng tiếng Pháp. “Hết chiến tranh rồi. Thế là chúng ta sống rồi!”

-Phải nói thật là lúc ấy chúng tôi rất mệt. Chỉ còn ngồi mà thở – Thiếu tướng Hồ Phương tiết lộ – Khi thắng rồi mới thấy mệt. Chỉ thở thôi chứ hò hét gì. Lúc đó chiến trường rất im ắng. Cái cảnh quân ta ào lên phất cờ rồi chiếm hầm Đờ Cát ở trong phim của Cac Men là chúng ta đóng lại đấy chứ. Thực tế khi chiến đấu có phải như thế đâu…

-Khi ta toàn thắng thi tôi đang nằm viện – Thiếu tướng Chu Phác cười – Tôi hai lần bị thương ở Điện Biên Phủ. Lần đầu nằm được hơn tuần tôi trốn ra. Anh em vào thăm, cứ xui tôi “đào ngũ”: “Chúng em ra trận quen có anh rồi. Giờ vắng anh, chúng em sợ lắm. Chẳng yên tâm tý nào cả”. Thế là tôi trốn về. Lần thứ hai bị một quả cối chụp. Tôi chỉ thấy tê dại một nửa mặt, rồi không biết gì nữa. Khi tỉnh dạy đã thấy mình nằm trong bệnh viện dã chiến rồi. Khi chiến thắng, tôi vẫn chưa tháo được băng ở đầu. Chiến thắng rồi, lại thấy thương anh em đã khuất. Đồi A1, đồi Him Lam, Hồng Cúm… còn nhiều anh em lắm đấy…

Thiếu tướng Hồ Phương bỗng bật khóc, mặc dù ông đã cố kìm nén, khi kể về những người đồng đội của mình nằm lại ở Điện Biên Phủ. Chúng tôi bàng hoàng ngồi lặng đi. Đằng sau các vị tướng này là bao nỗi niềm trận mạc. Tôi hiểu vì sao thiếu tướng Chu Phác đã dựng một cái am trên sân thượng nhà mình để thờ những người lính chết trận. Thiếu tướng Nguyễn Chuông, khi về hưu, được quân đội chia cho ít đất để làm nhà, ông cũng dành một khoảng đất để xây một cái miếu ngay ở trước cửa nhà để ông thờ lính. “Các em đã lặn lội theo anh vào sinh ra tử bao nhiêu năm nay, không may phải nằm lại dọc đường, bố mẹ già khuất núi rồi, vợ con lại chưa kịp có thì biết lấy ai hương khói trong những ngày Tết nhất hay ngày rằm, mồng một. Anh may mà thoát chết, vừa được quân đội cho tý đất đây, anh lập cái am này để các em về đây quây quần với anh”. Rồi ông dặn dò con cháu, nếu không may ông có phải ra đi thì những ngày Tết hay ngày rằm, mồng một, hoặc ngày 27-7, chúng nhớ thay ông thắp hương cho những người lính của ông đã, rồi sau đó mới thắp cho ông… ./.                                                       

Trần Đăng Khoa/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *