(kontumtv.vn) – Ghi chép của nhà thơ Trần Đăng Khoa về cuộc trò chuyện với 3 người lính Điện Biên năm xưa.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã diễn ra cách đây vừa tròn 60 năm. 60 năm là hơn nửa thế kỷ. Khoảng thời gian ấy đâu phải là ngắn. Vậy mà bài học Điện Biên, những vấn đề của Điện Biên vẫn luôn có tính thời sự, thu hút sự chú ý của nhiều nhà sử học và giới học giả trong nước cũng như  trên thế giới. Đối với các bạn trẻ, mặc dù đã học nhiều, đọc nhiều, nhưng chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn là một huyền thoại ẩn chứa nhiều bí mật.

 

Tháng 3/1954, Tướng Giáp họp bàn chuẩn bị đánh trận Điện Biên Phủ, sự kiện chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. (ảnh tư liệu)

Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, tôi muốn chuyển đến bạn đọc ghi chép về cuộc trò chuyện với ba người lính của Điện Biên năm xưa. Đó là Hồ Phương, Dũng Hà và Chu Phác. Họ đều là  nhà văn quân đội có nhiều đóng góp trong tiến trình phát triển của Văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là ở mảng văn xuôi về đề tài Chiến tranh và Người lính.

Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cả ba ông tướng này vẫn còn trẻ lắm. Dũng Hà 25, Hồ Phương 24 và Chu Phác mới đang là chàng trai vừa chớm tuổi 20. Trong bộ ba Xe Pháo Mã ấy, chỉ có Hồ Phương là nhà văn. Không những thế, ông còn là nhà văn nổi tiếng với truyện ngắn “Thư nhà”, một tác phẩm được coi là thành tựu của Văn học Việt Nam thời chống Pháp.

“Thư nhà” viết năm 1948, khi đó, ông mới 18 tuổi. Sau đó, ông đi học một lớp Chính trị, rồi chuyển sang làm báo. Hồ Phương là một trong những người sáng lập tờ Quân Tiên phong, sau đổi thành báo Quân đội Nhân dân. Năm 1953, ông xin xuống một đơn vị chiến đấu, làm Chính trị viên đại đội thuộc tiểu đoàn Phòng không 387, sư đoàn 308.

Còn Dũng Hà và Chu Phác đều là lính thiện chiến. Chu Phác là Tiểu đội trưởng Tiểu đội xung kích thuộc Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, Sư 304. Còn Dũng Hà đã là Chính trị viên tiểu đoàn, từng tham gia nhiều trận đánh đẫm máu. Bản thân ông từng bị thương dập nát một cánh tay trong trận đánh ở Chiến khu Đông Triều năm 1949. Vào mặt  trận Điện Biên Phủ, Dũng Hà chỉ huy tiểu đoàn tấn công Đồi A1. Hồ Phương chỉ huy đại đội bao vây, chiếm sân bay Mường Thanh, còn Chu Phác dẫn tiểu đội cùng các đơn vị phối hợp tấn công căn cứ điểm Hồng Cúm.

Như vậy, vô tình, cả ba ở ba cấp độ khác nhau, ba hướng tấn công khác nhau, cùng xiết chặt gọng kìm Điện Biên Phủ. Trong ba người lính Điện Biên, ba nhà văn nổi tiếng này, chỉ có Dũng Hà đã mất cách đây không lâu. Còn Hồ Phương và Chu Phác vẫn khỏe mạnh và vẫn đang dồi dào sức sáng tạo. Mảng ghi chép này, tôi vẫn lưu trong sổ tay. Bây giờ mới công bố. Trong đó có nhiều tư liệu rất thú vị…

 

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không – không quân. (ảnh tư liệu)

-Lúc đầu, chúng tôi cũng không biết mình sẽ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chỉ biết đi giải phóng Tây Bắc  – Thiếu tướng Hồ Phương nhớ lại – Đơn vị rời Thái Nguyên, hành quân trên 4 chiếc xe Mô tô rôn la. Lúc ấy, khí thế lắm. Cả một vùng núi non Tây Bắc hùng vĩ và hiểm trở, nhưng toàn đồi trọc. Trông hoang vu như đất trên mặt trăng. Dân bấy giờ vẫn còn thưa thớt lắm. Nhiệm vụ của đại đội chúng tôi là chốt giữ, bảo vệ bến Tạ Khoa, một địa điểm quan trọng nằm trên con đường chiến lược nối giữa Yên Bái và Lai Châu. Chúng tôi đào công sự, triển khai tác chiến ngay. Nhưng ngay ngày hôm sau, địch đã phát hiện thấy chúng tôi. Chúng oanh tạc ném bom dữ dội. Chúng tôi phải liên tục di chuyển trận địa để hạn chế thương vong. Mặc dù thế, trong 10 ngày, chúng tôi cũng đã mất ba xạ thủ giỏi, một số anh em bị thương. Nhiều trận đánh vẫn diễn ra rất khốc liệt. Lúc bấy giờ, địch đã nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ rồi. Chúng lập thành một tập đoàn cứ điểm vững mạnh, nhằm giữ vững vùng Tây Bắc, chặn con đường ta tiến quân sang Lào. Mục đích của Na-va: Trong vòng 18 tháng tiêu diệt phần lớn chủ lực của quân đội ta, giành một thắng lợi chiến lược quyết định, buộc Chính phủ ta phải đàm phán theo những điều kiện do Pháp đề ra, nhằm kết thúc chiến tranh mà vẫn duy trì được quyền lợi thực dân của chúng. Và chúng ta chấp nhận đánh…

-Theo tôi, khi nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ, không thể không nói đến yếu tố mang tính quyết định là phương châm tác chiến của chúng ta đúng đắn -Thiếu tướng Dũng Hà nói -Tháng Chạp, khi địch vừa nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, đoàn nắm tình hình của chúng ta đã lên đường, nghiên cứu và chuẩn bị phương án tác chiến. Trong đoàn có đồng chí Mai Gia Sinh, cố vẫn Trung Quốc và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Thoạt đầu, kế hoạch tác chiến của chúng ta có sự tham gia của đoàn Cố vấn Trung Quốc làĐánh nhanh, thắng nhanh. Kế hoạch này, thoáng nghe cũng rất có lý. Vì quân ta vừa qua chỉnh huấn, đang sung sức, quyết tâm chiến đấu rất cao. Ta lại có trọng pháo và cao xạ lần đầu xuất trận, có thể tạo thế bất ngờ và đánh thắng. Vả lại, địch còn đang chân ướt chân ráo, thế chưa vững. Nếu không đánh sớm, tập đoàn cứ điểm của địch củng cố trận địa, lại được bổ sung thêm quân, sẽ rất khó đánh. Thêm nữa, nếu đánh dài ngày, chúng ta sẽ rất khó khăn trong việc tiếp tế lương thực và đạn dược. Đường xá thì độc đạo và hiểm trở. Anh Văn, Tổng Tư Lệnh không đồng ý với cách đánh này. Anh cho đánh thế rất mạo hiểm. Mà so sánh tương quan thì không thể thắng được. Không những thế, chúng ta có thể sẽ bị tổn thất rất nặng, thâm chí nướng hết quân…

-Tôi cũng đã có lần hân hạnh được hỏi chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tôi góp thêm – Trong câu chuyện, Đại tướng có nhắc đến Thượng tướng Trần Văn Trà. Trong cuốn hồi ký trận mạc của mình, Thượng tướng Trà có viết rằng: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tiếc đến từng giọt máu của lính…”. Quả đúng vậy. Theo câu chuyện của Đại tướng thì có trận thắng vang dội, nhưng mất nhiều lính quá, người ta vỗ tay rầm trời, còn Đại tướng thì lặng lẽ khóc ở sở chỉ huy. Nhiều khi úp mặt xuống phên tre mà khóc. Nước mắt đầm đìa cả cái gối mây. Nhưng điều ấy thì không phải ai cũng biết được. Bởi thế, ông là người luôn thận trọng. Vào trận, bao giờ ông cũng nắm rất chắc địa hình, tính toán thật chi li, cụ thể. Bộ đội hành quân có vũ khí, nếu đi trong đội hình tiểu đoàn,  hoặc hoặc trung đoàn thì hết bao lâu. Trận đánh diễn ra bao nhiêu phút, rồi sau đó anh em lại phải rút ra như thế nào cho thật an toàn, trước khi máy bay địch ập đến. Chỉ khi nào Đại tướng tính toán kỹ lưỡng, tìm được cách rút lui sau trận đánh, để bảo toàn tính mạng cho từng người lính rồi, ông mới ra lệnh tấn công. Nếu không tìm được đường lui thì không tiến. Đây là điều bất ngờ nhất đối với tôi. Không thể ngờ, một vị tướng “bách chiến bách thắng”, mà khi vào trận, việc đầu tiên ông nghĩ đến là cách rút lui…

– Quả anh Văn rất thật trọng –  Thiếu tướng Dũng Hà nhận định – Qua nhiều tài liệu, chúng tôi biết anh không đồng ý với cách đánh mạo hiểm mà không nhìn thấy thắng lợi. Nhưng bác bỏ thế nào đây, khi mà cả đoàn cố vấn và các cán bộ chỉ huy của ta đều 100%, nhất trí với phương án tác chiến như thế? Ngày 14 tháng 1, năm 1954 phương án đánh nhanh, thắng nhanh và nhiệm vụ của các đơn vị đã được phổ biến. Dự định chỉ đánh trong ba đêm và hai ngày. Ngày nổ súng cũng đã được ấn định là ngày 20 tháng 1. Sau đổi sang ngày 25 tháng 1 năm 1954, giờ G là 17 giờ. Các đơn vị đã triển khai. Trước thời gian nổ súng hai ngày, anh Phạm Kiệt, Phái viên của Bộ Tổng Tư lệnh đi rà soát một lần nữa, cho biết pháo của ta đã bố trí trên trận địa dã chiến, địa hình rất trống trải. Nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh sẽ khó tránh được tổn thất. Ý kiến duy nhất nói về khó khăn này càng củng cố thêm quan điểm của anh Văn, là không thể mạo hiểm được. Anh bàn với Vi Quốc Thanh, khẳng định không thể theo phương án cũ là đánh nhanh thắng nhanh được. Vì bộ đội của chúng tôi mới chỉ có khả năng đánh được tiểu đoàn tăng cường trong công sự vững chắc, chứ chưa đủ khả năng tiêu diệt cả tập đoàn với 49 cứ điểm, lại có máy bay yểm trợ và binh lực, hoả lực mạnh hơn. Thêm nửa lựu pháo cao xạ có được trang bị nhưng chưa qua thực tế. Vả lại Pháp lại có Mỹ yểm trợ bằng máy bay, lực mạnh hơn nhiều Tưởng Giói Thạch mà các đồng chí đã quen đánh và đánh thắng. Bộ đội chúng tôi chỉ quen đánh đêm, đánh ở địa hình dễ ẩn náu, nay đánh giữa ban ngày, lại ở địa bàn trống trải như cánh đồng Mường Thanh, trước pháo binh và máy bay địch oanh tạc, bắn phá, bộ binh tấn công thì không thể rút đi đâu được. Đặc biệt là pháo không có đường rút. Chắc chắn là tổn thất và không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Tóm lại, đánh theo phương án cũ chắc chắn thất bại. Trung ương Đảng chúng tôi nhắc nhở : “Chiến trường ta chật hẹp, người của ta không nhiều, cho nên chỉ được thắng mà không được bại. Vì bại thì hết vốn”. Bác cũng cho phép Tướng Giáp được toàn quyền quyết định rồi báo cáo Bác sau. Nhưng Bác cũng dặn: “Có chắc thắng mới đánh. Không chắc chắn thắng, không đánh”. Chúng ta chỉ có 6 Đại đoàn bộ binh chủ lực, mà đều dồn hết vào chiến dịch này. Theo ý kiến của anh Văn là rút, kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết. Chuẩn bị theo phương châm đánh chắc, tiến chắc. Sau tranh luận rất nhiều, Vi Quốc Thanh cũng phải nhất trí: “Tôi đồng ý với Võ Bộ tổng”. Thế là nửa đêm, tiểu đoàn chúng tôi đang hành quân, chuẩn bị vào tập kết trận địa thì được lệnh rút. Tôi cho đây là một quyết định sáng suốt, một quyết định thiên tài. Nếu cứ đánh theo phương án cũ thì chắc chắn bây giờ, tôi cũng sẽ chẳng còn mà ngồi ở đây, trò chuyện với các bạn. Anh Văn cũng rất sáng suốt khi cho đại đoàn 308 rút lui về hướng Luông Prabang, cố ý bộc lộ một phần nào lực lượng, thu hút binh lực và không quân địch về hướng ấy để bộ binh và pháo ta rút ra an toàn…

– Đơn vị tôi ở trong đoàn nghi binh ấy – Thiếu tướng Hồ Phương cười – Tất nhiên, lức đó, tôi cũng không biết mình là quân nghi binh. Vừa từ Hồng Lếnh kéo ra, chúng tôi đã vào chiếm lĩnh trận địa mới ngay. Thực ra lúc đó, tuy không nói ra, nhưng trong bụng, tôi cũng phân vân lắm. Có lẽ chuyến này, mình không trở về được rồi. Mình vốn quen đánh rừng núi. Xuống đồng bằng không khéo thì “tiêu”. Trước đó, quân ta đánh Nà Sản cũng thất bại. Đau lắm. Bây giờ đánh thì đánh, nhưng không giám tin là sẽ thắng lợi. Đêm xuất kích, tôi với anh Tảo đi với nhau, anh Tảo là Đại đội trưởng, một người chỉ huy rất dũng cảm. Tôi ở 18 Lò Sũ, Tảo ở Đông Ngạc. Chúng tôi chia nhau điếu thuốc lá, rồi bảo nhau, nếu chẳng may hy sinh, đứa nào còn còn sống thì đến thăm rồi báo cho gia đình đưa kia. Nhưng rồi lại có lệnh rút. May quá. Chúng tôi rút sang Lào. Rút cũng chia làm mấy hướng. Một hướng xuyên qua Tây Trang. Khi đó máy bay địch quần đảo và oanh kích rất dữ dội. Chúng tôi vừa đánh trả địch, vừa rút. Khi đó quân của tôi chỉ còn một ngày lương thực. Tôi cũng chỉ có hai nắm cơm nhỏ. Nhưng không sao, cứ đi rồi dựa vào dân. Dân nuôi. Mà dân Lào tốt lắm. Đối với bộ đội, họ chẳng tiếc gì hết. Chúng tôi thu gom lương thực, làm Tổng kho, chuẩn bị cho chiến trường. Thóc thì có, nhưng cối xay cối giã lại chẳng biết kiếm đâu ra. Chúng tôi đành phải mở hội nghị. Lính sáng kiến lắm. Có cậu bảo: “Bố em là phó cối. Hay là em đóng cối nhé!”.  Thế rồi người đóng cối. Người đan sàng, đan nia. Rút cuộc đâu cũng vào đấy cả.

– Thực ra, cái việc rút lui, bây giờ nói thì rất đơn giản. Nhưng lúc ấy, cũng chẳng giản đơn đâu. –  Thiếu tướng Chu Phác nói –  Trận địa đã bố trí rồi. Rút ra nản lắm. Vì mình đã bày cỗ rồi. Mâm bát rượu thịt cũng đã dọn sẵn, thế mà lại không được ăn, lại phải vuốt cái bụng đói đứng dậy. Điều ngại nhất là tâm lý không yên tâm. Anh em nghĩ: Hay là mình không thể đánh được địch nên mới phải bỏ chạy? Có anh còn bảo: “Em chỉ thấy thương cụ Hồ thôi. Khổ ông cụ quá”. “Thì chính ông cụ bảo rút lui đấy”. Cứ đưa ông cụ ra. Thế là lính yên tâm ngay. “Bác bảo đi là đi. Bác bảo thắng là thắng”. Đúng thế thật. Ở thời điểm ấy, không phải chỉ một mình Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo đâu. Ngay trong đơn vị tôi, anh chiến sĩ trẻ Hà Ngọc Giá cũng lấy thân chèn pháo. Nhiều đơn vị khác cũng có người lấy thân chèn pháo. Nhưng những anh hy sinh sau Tô Vĩnh Diện nên không được tuyên đương. Những lúc đưa pháo vào hay kéo pháo ra, người nâng càng pháo thường dễ chết lắm. Nhưng lính ta chẳng coi cái chết là gì. Cả mấy anh em chúng tôi đây cũng vậy. Khi vào trận, tôi, anh Phương, anh Hà đều rất trẻ. Chúng tôi chưa vợ con, cũng chưa yêu đương vướng víu gì, nên nếu có chết chắc cũng sẽ rất nhẹ nhõm.

Bộ đội ta kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (ảnh tư liệu)

– Vào trận, gian khổ, nhưng lắm lúc cũng vui và lãng mạn ra trò. Nhất là những lúc hành quân đi qua những nương thuốc phiện của dân lào. Hoa thuốc phiện rất đẹp. Mỗi hoa một màu sắc. Tôi không thấy sắc hoa nào đẹp đến ma mỵ như hoa thuốc phiện. –  Thiếu tướng Hồ Phương nhớ lại – Chúng tôi trở lại Điện Biên Phủ thì chiến trường cũng đã chuẩn bị xong. Địch cũng củng cố vững chắc  phòng tuyến của chúng. Máy bay lượn mù trời. Chúng dội bom na pan. Đồi cháy. Rừng cháy. Chúng tôi lao vào dập lửa. Vừa dập vừa quát: “Quân nào kia mà hét to thế?” Ở bên kia triền đồi, có ai đó lại còn hét to hơn cả mình. Tôi nhìn sang, một anh chàng đeo kính trắng, mắt hấp háy. Hoá ra là nhà thơ Chính Hữu. Trời đất ơi! Thế là chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Tham gia đánh hướng này, còn có cả nhạc sĩ Bùi Sinh nữa. Phải nói là lính vào trận rất phấn chấn. Vì ta đã có pháo yểm trợ. Lính gọi là Ông Ầm.  Ra trận cùng Ông Ầm là yên tâm lắm./.
(Còn nữa)

Trần Đăng Khoa/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *