(kontumtv.vn) – Đối với người Xê Đăng ở huyện Kon Plông, chuối rừng là nguồn thực phẩm dồi dào mà thiên nhiên đã ban tặng. Với đặc thù mọc quanh năm, chuối rừng được bà con chế biến thành nhiều món ăn đơn giản nhưng phù hợp với mọi thời tiết. Mùa nóng thì ăn món canh chuối rừng thanh mát giải nhiệt, mùa lạnh thì có món hầm thịt heo gác bếp vô cùng ấm bụng, giúp bà con chống chọi cái rét mướt của vùng núi Kon Plông khắc nghiệt và khơi dậy hương vị thanh ngọt đặc trưng của chuối rừng nơi đây.

Trong thời tiết mưa phùn của những ngày cuối năm, không ngại cái lạnh rét buốt, chị Y Rương ở làng Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông vẫn nhiệt tình đi lên đồi tìm cây chuối rừng để nấu đãi khách. Chị Y Rương kể, ở vùng núi này, chuối rừng mọc khắp nơi và rất dễ kiếm nhưng phải chịu khó lên đồi để chặt về. Bà con cũng chỉ chặt vừa đủ ăn, để dành lại cho những người đi rừng khác. Sau khi chọn được vài cây chuối rừng ưng ý, chị Y Rương nhanh chóng chặt đem về nhà. Chị Y Rương chia sẻ: “Lựa chọn cây chuối để về nấu ăn, thì mình có thể chọn cây chuối đừng có già quá, mà cũng không non quá. Nếu mà non quá thì mình về nấu ăn nó sẽ có vị chát, còn già quá thì nó sẽ ra cái bông, không ngon. Chúng ta chọn những cây chuối mà vừa lớn, nói chung là vừa đẹp để chúng ta về nấu ăn cho bữa ăn gia đình của chúng ta.”

Trong tiết trời mưa phùn của vùng núi Kon Plông, được quây quần bên bếp lửa ấm cúng để chống chọi với cái rét những ngày cuối năm, chị Y Rương giới thiệu với chúng tôi một món ăn được chế biến từ chuối rừng mà bà con thường xuyên nấu ăn nhất, nguyên liệu lúc nào cũng có sẵn trong nhà. Một món ăn vừa đơn giản, vừa thanh vị nhưng vẫn đậm đà. Đó là món Hơ gọ pe chu khăng, có nghĩa là chuối rừng non nấu thịt heo gác bếp.

Cách chế biến món này cũng khá đơn giản, sau khi bóc từng lớp bẹ chuối già để lấy phần lõi non trắng nõn bên trong, chị Rương bẻ thành tức khúc nhỏ, tuốt bỏ sợi tơ chuối cho dễ ăn. Sau đó bắc nồi nước lên, đợi khi nước sôi thì cho nõn chuối rừng vào. Thịt heo gác bếp đã được chị chuẩn bị từ trước, sau khi xé nhỏ thì tiếp tục cho vào nồi hầm cùng nõn chuối. Chị nói, món chuối rừng non nấu thịt heo gác bếp thường chỉ nấu để mời khách đến thăm nhà. Cũng tuỳ vào từng mùa, bà con đi rừng, đi suối kiếm được cái gì thì nấu cùng món đó.

 Sau khi hầm món ăn khoảng 05 phút, nêm nếm thêm ít gia vị, món chuối non nấu thịt heo gác bếp đã chín. Được thưởng thức món ăn nóng hổi giữa thời tiết giá lạnh của vùng đất Kon Plông, món ăn không chỉ có vị thanh ngọt đặc trưng của chuối rừng, vị thơm ngon và cả vị khói của thịt heo gác bếp mà còn là sự ấm áp bởi niềm hiếu khách của bà con nơi đây.

Ngoài món chuối non nấu thịt heo gác bếp, tranh thủ còn một ít nõn chuối non, chị Y Rương tiếp tục bẻ ngắn từng khúc và chẻ nhỏ để luộc ăn, chấm với muối ớt. Chị Y Rương kể, đối với người Xê Đăng, chuối rừng là nguồn thực phẩm dồi dào mà thiên nhiên ban tặng, gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây bao đời. Bản thân chị thì lại rất thích ăn món hoa chuối nướng. Từ nhỏ, theo chân cha mẹ vào rừng, không có đồ ăn lại chẳng có nồi niêu, xoong chảo như bây giờ, cứ tìm được hoa chuối rừng là bẻ nướng ăn, vừa mọng nước no bụng, lại có mùi vị thơm cháy của khói. Chị Y Rương nói thêm: “Đối với cái cây chuối này thì bà con ở nơi đây thì thường sử dụng ăn hàng ngày. Ví dụ trong kỳ lễ hội của bà con nơi đây, lễ hội như là Máng nước nè, rồi Lúa mới, rồi phong tục làm chuồng trâu, thì nhắc đến cái món này là món như đặc sản của bà con. Ví dụ chúng ta tới cái lúc mà làm lễ hội, thì bà con chúng ta đi lên rừng hái về, lấy về để chúng ta nấu. Nấu xong rồi bà con mời bà con, thôn làng khác về đây để chung vui của ngày, coi như là ngày tổng kết cuối năm của bà con ở nơi đây.”

Giữa tiết trời mưa phùn, rét lạnh của vùng núi Kon Plông, được thưởng thức món chuối non nấu thịt heo gác bếp trong căn bếp lửa ấm áp, càng kích thích vị giác của bất kỳ người khách nào đến thăm nhà của bà con nơi đây. Dù rằng cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhưng đối với bà con Xê Đăng, món chuối rừng vẫn là món ăn đã nuôi sống người dân nơi đây qua bao thế hệ. Tuy dân dã nhưng vẫn đậm đà hương vị và hoài niệm truyền thống ngày xưa./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *