(kontumtv.vn) – Luật sư cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm hoàn toàn có đủ cơ sở để tuyên phạt các bị cáo hưởng án cải tạo không giam giữ, không cần phải cách ly khỏi đời sống xã hội.

Xung quanh việc điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn phạm tội cướp giật bánh mỳ ở quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) có nhiều dư luận trái chiều, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã giao TAND TPHCM khẩn trương kiểm tra xem xét lại vụ án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo. Chỉ đạo kịp thời của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo dư luận xã hội.

vu an cuop banh my: an tu voi 2 bi cao la qua nang hinh 0
Phiên tòa xét xử hai thanh niên cướp bánh mì (Ảnh: Thanh Niên)

Mục đích của pháp luật không chỉ có trừng phạt

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng chỉ đạo của Chánh án Nguyễn Hòa Bình rất đáng hoan nghênh cả về tình cũng như về lý. Xét về tình, chỉ đạo của Chánh án đã xem xét đến độ tuổi còn non nớt về nhận thức xã hội cũng như hiểu biết về pháp luật, cũng như điều kiện nguyên nhân thực hiện hành vi tội phạm của các bị cáo. Về lý có thể thấy phán quyết của Tòa án Nhân dân quận Thủ Đức đã áp dụng luật một cách cứng nhắc chưa thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với độ tuổi vị thành niên. Ngoài ra tòa này cũng chưa xem xét một cách thấu đáo đến mục đích của pháp luật đó là không chỉ trừng phạt mà còn phải giáo dục.

Luật sư Vũ Ngọc Chi phân tích: “Việc đưa ra ý kiến và yêu cầu của Chánh án Nguyễn Hòa Bình thiên về quan điểm giáo dục đối với bị cáo ở độ tuổi vị thành niên hơn là trừng phạt. Điều này thể hiện tính nhận đạo trong pháp luật, việc áp dụng mức án tù chỉ vì cướp chiếc bánh là quá nghiêm khắc không cần thiết. Việc làm của 2 Tuấn và Tân là điều không ai mong muốn.Tuy nhiên điều mà bản thân các bị cáo, bố mẹ người thân của các đối tượng này cũng như dư luận càng không mong muốn hơn là pháp luật không cho các em một cơ hội để sửa chữa sai lầm”.

Luật sư Phạm Ngọc Toản (Công ty Luật TNHH Intercode, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng chỉ đạo của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã cho thấy bản án sơ thẩm đang có một số điểm bất hợp lý, có thể có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Cụ thể là vấn đề áp dụng quy định về tái phạm và quyết định hình phạt. Việc vận dụng các nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội tại Điều 69 BLHS 1999 để yêu cầu xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tuấn và Tân là hoàn toàn hợp lý. Bởi việc quyết định hình phạt đối với người chưa đủ 18 tuổi phải có điểm khác biệt so với những chủ thể phạm tội khác: Người chưa đủ 18 tuổi là người chưa đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi nên khi quyết định hình phạt cần giảm nhẹ mức độ và hướng tới mục đích giáo dục.

Mức án treo với Tuấn và Tân cũng là quá nặng

Về mức án phạt của Nguyễn Hoàng Tuấn (10 tháng tù) và Ôn Thành Tân (8 tháng 20 ngày tù), dư luận cho rằng tuy không đồng tình với hành vi của Tân và Tuấn nhưng tòa xử mức án như vậy với 2 bị cáo là quá nặng. Phán quyết của tòa còn thiếu một chút tình mặc dù xét về hành vi thì 2 thanh niên đã phạm tội nhưng không quá mức nghiêm trọng. Có ý kiến cho rằng chỉ nên xử án treo để 2 thanh niên có nhiều cơ hội làm lại cuộc đời.

Chia sẻ quan điểm của mình, Luật sư Vũ Ngọc Chi nhấn mạnh việc trừng phạt tội phạm trong xã hội là cần thiết tuy nhiên áp dụng pháp luật một cách đầy đủ cả tình và lý cũng là nguyên tắc các cơ quan tố tụng cần quán triệt, có vậy mới thể hiện được tính nhân đạo của pháp luật, cũng như để luật pháp phát huy tác dụng trong cuộc sống.

Luật sư Vũ Ngọc Chị đề nghị, các cấp xét xử phúc thẩm sắp tới trước hết cần tuân thủ sự chỉ đạo đúng và hợp lý của cấp trên, sau nữa nên áp dụng triệt để các nguyên tắc có lợi trên tinh thần khoan hồng của pháp luật cho Tuấn và Tân khi xét xử phúc thẩm . Có vậy mới thể hiện được đầy đủ tinh thần nhân đạo khi thực thi pháp luật.

Theo luật sư Vũ Ngọc Chi, kể cả trường hợp tòa tuyên phạt án treo với các bị cáo này cũng là quá nặng, nên chăng tòa phúc thẩm cần xem xét áp dụng các biện pháp tư pháp khác (không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng) cũng đủ tính răn đe với Tuấn và Tân. Mức phạt này thể hiện sự khách quan toàn diện khi áp dụng vào vụ việc đặc biệt như vụ án cướp bánh mì.

Còn theo luật sư Phạm Ngọc Toản, Tòa án cấp sơ thẩm hoàn toàn có đủ cơ sở để tuyên phạt các bị cáo Tân và Tuấn hưởng án cải tạo không giam giữ mà không cần phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội.

Luật sư Phạm Ngọc Toản phân tích, do vụ án cướp giật gây hậu quả không lớn, có thể nói là quá nhỏ, tài sản bị cướp chỉ có giá trị 47.000 đồng; Bị cáo Tân và Tuấn sau khi bị bắt đã thành khẩn khai báo, sửa chữa, bồi thường và khắc phục hậu quả nên về mặt khoa học pháp lý, khi xét xử Tòa án nên xem xét cho các bị cáo hưởng hai tình tiết giảm nhẹ theo Điểm b Khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” và Điểm g Khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”.

Bên cạnh đó, theo Điều 47 BLHS 1999 quy định về vấn đề quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”. Xét về tính chất vụ việc, hành vi và hậu quả của tội phạm, cả Tuấn và Tân hoàn toàn có khả năng đủ điều kiện để được áp dụng loại hình phạt khác nhẹ hơn. Tức chuyển từ tù có thời hạn sang hình phạt nhẹ hơn là cải tạo không giam giữ.

Thêm vào đó, căn cứ Khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự 1999, tội phạm mà Tuấn và Tân thực hiện thuộc tội nghiêm trọng với lỗi cố ý.    Theo quy định của Nghị quyết số 144/2016/QH13 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự 2015, khi điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mà người thực hiện hành vi phạm tội trước ngày 1/7/2016, các cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015. Do đó, Hội đồng xét xử có thể áp dụng quy định tại Điều 100 Bộ luật Hình sự 2015 về hình phạt cải tạo không giam giữ để xét xử đối với hai bị cáo Tân và Tuấn trong vụ án này: “Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý”./.

Hà Thanh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *