(kontumtv.vn) – Sẽ xảy ra hai tình huống trong việc xử lý lời khai của “nhân chứng mới” liên quan đến vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn.

Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn từng gây chấn động dư luận trong thời gian qua vì cuối cùng, sau 10 năm thụ án tù, ông Nguyễn Thanh Chấn đã được minh oan.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây sự việc này lại khiến dư luận một lần nữa quan tâm đặc biệt khi chuẩn bị đến ngày xét xử Lý Nguyễn Chung là hung thủ giết người thực sự trong vụ án, thì xuất hiện bà Nguyễn Thị Thu Hà (53 tuổi, ngụ xã Song Mai, TP Bắc Giang) là một “nhân chứng” tố cáo ông Chấn mới là tội phạm còn Chung vô tội.

vu an oan ong chan: toa phai kiem chung loi khai cua 'nhan chung' moi hinh 0

PGS.TS Nguyễn Thái Phúc
PGS.TS Nguyễn Thái Phúc, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng, xuất hiện thông tin có thêm nhân chứng mới cho rằng Lý Nguyễn Chung nhận tội thay ông Nguyễn Thanh Chấn thì trong tình huống này, Luật cũng đã có quy định để xử lý.

Theo PGS.TS Nguyễn Thái Phúc, Toà án bây giờ có thông tin có một nhân chứng biết về một sự kiện liên quan đến vụ án của bị cáo Lý Nguyễn Chung, trước hết phiên tòa đó sẽ phải triệu tập nhân chứng này đến và họ nghe nhân chứng đó trình bày lời khai. Đó là về mặt thủ tục Tòa phải làm. Việc tiếp theo như thế nào sẽ hoàn toàn phục thuộc vào lời khai của nhân chứng đó.

PGS.TS Nguyễn Thái Phúc cho rằng, khi nhân chứng đó trình bày lời khai, sẽ xảy ra 2 tình huống. Tình huống thứ nhất là nhân chứng mới này không đưa ra được chứng cứ, các lời khai không phù hợp với các tình tiết trong vụ án, Tòa sẽ không chấp nhận. Tòa sẽ xử vụ án trên cơ sở tất cả các chứng cứ đã có của vụ án.

Tình huống thứ hai Tòa thấy những thông tin nhân chứng này đưa ra rất đáng tin cậy, khi đó trong quá trình điều tra vụ án Lý Nguyễn Chung thì cơ quan điều tra đã bỏ sót chưa được làm rõ. Nếu tình huống thứ hai này xảy ra, chứng cứ thuyết phục được Viện Kiểm sát, thuyết phục được Tòa án thì Tòa án có thể có quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra lại.

“Nếu bà Nguyễn Thị Thu Hà khai có những không tin đáng tin cậy thì Tòa sẽ trả hồ sơ điều tra bổ sung. Còn nếu điều tra không có thông tin gì mới hơn thì họ vẫn giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo Lý Nguyễn Chung”- PGS.TS Nguyễn Thái Phúc nói.

Nếu “nhân chứng mới” nhầm lẫn, họ chỉ phải công khai xin lỗi

PGS.TS Nguyễn Thái Phúc dẫn Điều 122, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1-7 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với nhiều người; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Đối với người thi hành công vụ; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

vu an oan ong chan: toa phai kiem chung loi khai cua 'nhan chung' moi hinh 1
Lý Nguyễn Chung tại phiên tòa đầu tháng 3/2015 (ảnh: Việt Đức)

“Nếu trường hợp Tòa bác thông tin của bà Nguyễn Thị Thu Hà, theo quy định này, bà Hà có thể phạm phải tội “Vu khống”, là đưa tin không đúng sự thật về một người khác liên quan đến tội phạm”-.PGS.TS Nguyễn Thái Phúc nhận định.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thái Phúc nhấn mạnh, “vu khống là cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật và thông tin ấy liên quan đến tội phạm. Ông Chấn có quyền được kiện bà này về tội vu khống nhưng phải làm rõ hai yếu tố: thứ nhất người này cố ý, thứ hai là vu khống về vấn đề tội phạm. Còn nếu bà này không cố ý, chỉ có sự nhầm lẫn, lúc này chỉ yêu cầu bà này xin lỗi’.

Theo PGS.TS Nguyễn Thái Phúc, “con người ai cũng có thể nhầm lẫn. Trong trường hợp này cũng chỉ yêu cầu bà này xin lỗi, không thể xử lý về tội hình sự được. Tội vu khống là phải cố ý. Giống như nhiều trường hợp, nhân chứng nhìn nhầm, nhưng họ lại cứ tưởng là nhìn đúng. Chẳng hạn nghi phạm mặc áo xanh, nhưng do con mắt, bối cảnh lúc ấy nhân chứng họ cứ nghĩ là mặt áo đỏ. Khi đó không thể buộc tội nhân chứng là cố ý được. Chỉ khi chứng minh người ta thấy người đó mặc áo đỏ, nhưng cố ý khai là mặc áo xanh, thì khi đó mới xử lý hình sự được. Phiên Tòa sắp tới sẽ có trách nhiệm kiểm chứng tính xác thực trong lời khai của nhân chứng mới”.

Theo dự kiến, TAND tỉnh Bắc Giang ngày 21/7 sẽ đưa ra xét xử vụ án Lý Nguyễn Chung (28 tuổi, quê Lạng Sơn) bị truy tố về tội giết người và cướp tài sản. Vụ án xảy ra năm 2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Liên quan đến vụ án, năm 2013 ông Nguyễn Thanh Chấn) được trả tự do sau 10 năm thụ án tù oan.

Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, phiên tòa sắp tới sẽ có nhân chứng mới là bà Nguyễn Thị Thu Hà (53 tuổi, ngụ xã Song Mai, TP Bắc Giang). Đầu tháng 5/2015, bà Nguyễn Thị Thu Hà có đơn gửi đến các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang kiến nghị làm rõ việc Lý Nguyễn Chung có phải là hung thủ giết chị Nguyễn Thị Hoan hay không. Bà Hà còn đề nghị các cơ quan báo chí lên tiếng để tạm hoãn việc chi trả 7,2 tỉ đồng bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn./.

Minh Hòa/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *