(kontumtv.vn)  – Trách nhiệm của chủ bãi phế liệu gây nổ ở Bắc Ninh đến đâu và khắc phục hậu quả ra sao đối với các nạn nhân là câu hỏi được đặt ra.

Vụ nổ ở bãi phế liệu tại thôn Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) khiến 9 người thương vong, làm nhiều ngôi nhà bị hư hỏng và sập do các mảnh kim loại văng đang thu hút sự chú ý của dư luận.

vu no kinh hoang o bac ninh trach nhiem cua chu bai phe lieu den dau hinh 1
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Nhật Ngân.

Ngay sau vụ việc, Cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1964, ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong) chủ bãi phế liệu để làm rõ hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng.

Hiện cơ quan điều tra phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các cơ quan liên quan, khẩn trương điều tra làm rõ.

Nguyên nhân bước đầu được xác định là do người dân tàng trữ vật liệu nổ trong nhà. Hiện công an tỉnh, quân đội trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương xác minh nguồn gốc vật liệu nổ.

Dư luận đặt ra câu hỏi, trách nhiệm của những chủ bãi phế liệu trên đối với những nạn nhân thương vong và những gia đình bị thiệt hại tài sản?

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, cần chờ kết luận chính thức từ cơ quan điều tra. Sau khi xác định hành vi vi phạm của chủ bãi phế liệu, từ đó có thể xem xét dấu hiệu vi phạm để quy trách nhiệm hành chính hay hình sự đối với người liên quan.

Luật sư Trương Anh Tú nói thêm, với những chủ cơ sở nếu có đủ dấu hiệu vi phạm sẽ căn cứ theo điều 307 – Bộ luật Hình sự 2015 (vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) về tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Theo quy định này, những người vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, chết người có thể bị phạt tù từ 03 đến 10 năm. Đồng thời, yêu cầu người gây nên hậu quả phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như chi phí cứu chữa, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, chức năng bị mất, chi phí mai táng, tài sản hư hại do vụ việc gây ra”.

Điều 307. Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (Bộ luật hình sự năm 2017):

1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%.

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội): Căn cứ Bộ luật dân sự 2015, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần có thể do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định./.

Lê Tùng/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *